Lũ quét đã khiến giao thông đường sắt bị gián đoạn và gây lở đất ở các khu vực khác của Trung Quốc – truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin vào ngày 28/7.
Hai quan chức, bao gồm Phó Thị trưởng thành phố Lâm Giang thuộc tỉnh Cát Lâm, đã mất tích trong lúc nỗ lực cứu hộ lũ lụt – Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho biết, trích dẫn lời chính quyền thành phố. Hơn 27.000 người ở vùng Đông Bắc Trung Quốc đã được sơ tán và hàng trăm nhà máy phải ngừng hoạt động.
Lốc xoáy từ bão Gaemi đã tan vào ngày 28/7 nhưng nhiều khu vực của Trung Quốc vẫn trong tình trạng báo động về nguy cơ lũ lụt do những trận mưa trước đó gây ra. Các nhà dự báo thời tiết cảnh báo rằng những đám mây lớn còn sót lại của bão Gaemi vẫn có thể trút mưa xuống các thành phố vốn đã bị ngập lụt.
Gaemi – cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Trung Quốc trong năm nay – đã tấn công các thị trấn ở tỉnh ven biển Phúc Kiến vào ngày 26/7 với những trận mưa lớn và gió mạnh khi nó bắt đầu di chuyển từ bờ biển Đông Nam vào vùng nội địa đông dân cư.
Tàu đánh cá neo đậu tại cảng để tránh bão Gaemi ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Trung Quốc, ngày 24/7 (Ảnh: AFP)
Tỉnh Cát Lâm giáp với Triều Tiên đã nâng mức cảnh báo về mưa lớn và lũ quét vào sáng 28/7 (theo giờ địa phương). Chính quyền thành phố Lâm Giang đã đóng cửa trường học, nhà máy và doanh nghiệp trong ngày 28/7, cảnh báo rằng “thảm họa lũ lụt lớn có thể xảy ra”.
Tại miền Nam Trung Quốc, một trận lở đất gần thành phố Hoành Dương ở tỉnh Hồ Nam vào sáng 28/6 đã khiến 18 người bị mắc kẹt, trong đó 6 người được tìm thấy đã tử vong và 6 người bị thương đã được giải cứu – CCTV đưa tin, trong khi các nỗ lực tìm kiếm những người mất tích vẫn tiếp tục.
Các dịch vụ đường sắt đã bị đình chỉ ở tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam ở miền Nam Trung Quốc, trong khi một số tuyến đường sắt chở khách đã hoạt động trở lại ở các tỉnh Phúc Kiến và Giang Tây phía Nam khi cơn bão di chuyển về miền Bắc.
Gaemi – cơn bão đã khiến hàng chục người tử vong khi quét qua Đài Loan (Trung Quốc) và làm tình hình mưa theo mùa ở Philippines trở nên tồi tệ hơn – đã ảnh hưởng đến gần 630.000 người ở tỉnh Phúc Kiến, với gần một nửa trong số họ phải di dời – hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin.