Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Sống trong sợ hãi ở ‘chung cư mini’

Chủ đầu tư biến mất, nhà bị gán nợ cho ngân hàng

Khu chung cư mini Xuyên Á nằm sâu trong Khu công nghiệp Xuyên Á 1 (xã Mỹ Hạnh Nam, H.Đức Hòa, Long An) có khoảng 60 hộ dân đang sinh sống. Tiếp chúng tôi, vợ chồng bà Bạch Ngân, chủ nhân của hai căn hộ 110 và 111, cho biết năm 2020 vợ chồng ông bà đã dùng toàn bộ số tiền dành dụm có được để mua 2 căn hộ tại chung cư này, với giá 650 triệu đồng. Mỗi căn hộ rộng 30 m2 gồm 20 m2 tầng trệt và 10 m2 tầng lửng được đập thông với nhau, nối thành căn hộ 60 m2 cho 4 người ở.

Khi mua căn hộ này, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Cát đã đứng ra ký hợp đồng nhượng quyền sở hữu căn hộ Xuyên Á và cam kết đây là chung cư mini, khách hàng sẽ được cấp sổ hồng đồng sở hữu. Tin lời nên bà Ngân đã dốc toàn bộ lương hưu, vốn liếng có được sau mấy chục năm làm công nhân để mua, nhằm có chỗ an cư. Đến tháng 1.2022, chủ đầu tư bàn giao căn hộ cho người mua nhà và thu hồi lại toàn bộ hợp đồng mua bán với khách hàng. Cứ tưởng sau một thời gian nữa, căn hộ sẽ được cấp sổ hồng như cam kết; thế nhưng mới đây các hộ dân tá hỏa khi ngân hàng (NH) xuống xiết nhà. Đến lúc này, bà Ngân và các hộ mới biết chủ đầu tư đã đem toàn bộ tòa nhà đi thế chấp NH nhưng đã lâu không trả tiền gốc và lãi. Hốt hoảng, họ tìm đến công ty để làm rõ sự việc thì chủ đầu tư đã biến mất.

Chung cư mini Mỹ Hạnh Nam (xã Mỹ Hạnh Nam, H.Đức Hòa, Long An) đang xây dựng dở dangnhưng vẫn đưa dân vào ở

“Trước đây chúng tôi còn liên hệ được với chủ đầu tư qua số điện thoại ghi trên hợp đồng, nhưng đến nay dù điện thoại đổ chuông song không có ai bắt máy. Chúng tôi đã nộp đơn lên công an xã Mỹ Hạnh Nam nhưng họ không nhận đơn mà hướng dẫn nộp ở TP.HCM, nơi công ty này đặt trụ sở. Chúng tôi gửi đơn tới Công an TP.HCM bằng đường bưu điện nhưng không thấy ai mời làm việc, cũng không nhận được hồi âm. Nộp đơn đến tòa án thì được hướng dẫn rằng NH cũng đang kiện công ty này ra tòa nên người dân hãy đợi là bên liên quan. Giờ chúng tôi không biết kêu ai. Chúng tôi thấy họ rao bán chung cư mini nên tin mua, cứ tưởng đây là dự án thật. Hai vợ chồng tôi về hưu, toàn bộ số tiền mua nhà là tiền dành dụm cả đời của hai vợ chồng”, bà Ngân than thân trách phận.

Tình trạng chủ đầu tư mang căn hộ, dự án đã bán cho khách hàng đi cầm cố tại NH vẫn âm thầm diễn ra ở nhiều nơi, nhiều tỉnh thành. Tại chung cư Gia Phú (TP.HCM), Công ty TNHH thiết kế và xây dựng Trung Nam cũng đem hàng chục căn hộ đã bán đi thế chấp tại NH VIB chi nhánh Gò Vấp để vay tiền. Đáng nói, lãnh đạo công ty này có dấu hiệu bỏ trốn khi Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an TP.HCM) đã xác minh, triệu tập nhiều lần nhưng không đến làm việc, hiện nay không rõ đi đâu.

Gần như tất cả các chung cư mini trên địa bàn H.Đức Hòa (Long An) không có hệ thống PCCC

Tương tự, một trường hợp khác là ông Đinh Hồng Hải, Giám đốc Công ty Tân Hồng Uy, cũng dùng 34 nền đất dự án khu nhà ở P.Bình An (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã bán cho các khách hàng để thế chấp NH, chiếm đoạt hơn 264 tỉ đồng của các cá nhân, tổ chức. Khi biết nền đất của mình bị chủ đầu tư đem thế chấp NH, các khách hàng đã tố cáo ông Hải ra tòa. Mới đây, TAND TP.HCM đã tuyên án chung thân (sau đó tòa án cấp phúc thẩm giảm án còn 20 năm) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với ông Đinh Hồng Hải. HĐXX cũng nhận định NH đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định các lô đất là tài sản thế chấp nên không phát hiện các thửa đất đã được chuyển nhượng cho người dân trước khi dùng làm tài sản đảm bảo cho NH. Chính vì vậy HĐXX tuyên buộc thu hồi và giao trả các sổ hồng thế chấp lại cho Công ty Tân Hồng Uy để công ty này tiếp tục thực hiện các giao kết dang dở về cấp sổ hồng cho các cư dân.

Hay ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Công ty TNHH tư vấn – dịch vụ – thương mại Thanh Bình cũng đem nhiều lô đất đã bán cho khách hàng tại dự án biệt thự Thanh Bình cầm cố, thế chấp NH, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng. Vụ việc bị khách hàng tố cáo ra công an. Ngay sau đó, ông Phạm Quốc Dũng, nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên công ty này, bị truy tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Rủi ro cháy nổ, đổ sập và thiếu điện, nước

Không chỉ lo lắng mất nhà, các cư dân trong những “chung cư mini” còn sống trong nỗi sợ hãi nguy cơ cháy nổ, đổ sập; thiếu thốn những dịch vụ thiết yếu cơ bản như điện, nước; quyền lợi bị treo khi sổ đỏ bị treo vô thời hạn…

Tại chung cư Xuyên Á (xã Mỹ Hạnh Nam, H.Đức Hòa, Long An) không có hệ thống PCCC. Ở tầng hầm để xe chỉ được trang bị một vài bình cứu hỏa mini. Không chỉ vậy, dù được gọi là chung cư nhưng cư dân ở đây không có nước máy mà phải sử dụng nước giếng khoan, thường xuyên bị vẩn đục và nhiễm phèn. Để dùng được, các hộ dân phải mua đồ lọc nước. Tương tự, vì phải dùng điện 1 pha thay vì điện 3 pha nên chung cư thường xuyên bị ngắt cầu dao vì quá tải. Hiện cư dân đang phải mua nước giếng khoan với giá 3.000 đồng/m3 và điện phải mua với giá ở khung giá cao nhất. Đáng nói, chủ đầu tư cũng thu phí bảo trì chung cư 2%, nhưng không ai quản lý, bảo trì dù có xảy ra hư hỏng, xuống cấp nhưng cư dân vẫn phải đóng phí quản lý và phí gửi xe.

Người dân sống bên trong chung cư mini Mỹ Hạnh Nam (xã Mỹ Hạnh Nam, H.Đức Hòa, Long An) đang xây dựng dở dang

Cách chung cư Xuyên Á không xa, khu chung cư Mỹ Hạnh Nam (cùng xã Mỹ Hạnh Nam, H.Đức Hòa, Long An) còn đáng sợ và nguy hiểm hơn. Theo quan sát của chúng tôi, tòa nhà đã lên tầng 3, đang xây dựng dở dang thì bị tạm dừng. Phía bên trong, vật tư, vật liệu tập kết vương vãi khắp nơi. Thế nhưng chủ đầu tư đã bàn giao nhà, cho khách hàng vào ở.

Trong tiếng ồn đinh tai nhức óc của máy khoan cắt sắt, chúng tôi gặp chị Trâm, người đã mua căn hộ diện tích hơn 30 m2 (sàn 20 m2 và tầng lửng khoảng 10 m2) vào tháng 5.2020, với giá khoảng 335 triệu đồng. Chị Trâm mệt mỏi cho biết, mới mua được thời gian ngắn thì dự án bị dừng triển khai. Đến nay sau nhiều lần đi cầu cứu, tố cáo khắp nơi, chủ đầu tư đã bàn giao cho chị và một số khách hàng vào ở. “Dù biết chung cư vẫn đang xây dựng, chưa hoàn thiện và đặc biệt đang gặp phải nhiều vấn đề pháp lý, nhưng tôi và đứa con nhỏ vẫn phải cắn răng nhận nhà, dọn đồ vào ở. Bởi nếu không nhận nhà, mỗi tháng tôi phải đi thuê nhà mất 3 triệu đồng”, chị Trâm cho biết và bày tỏ lo lắng, sau hơn 4 năm ký hợp đồng, chị chỉ cầm được trong tay bản hợp đồng ký kết giữa hai bên mà không có bất kỳ ràng buộc hay giấy tờ pháp lý nào có giá trị. “Nhà mới dọn vào ở đã thấm dột, cũng không có hệ thống PCCC, biết là vào ở nguy hiểm, sống trong lo sợ, nhưng có còn hơn không có gì…”, chị Trâm thở dài.

Đồng cảnh ngộ, hơn 60 hộ dân tại khu chung cư mini Mỹ Hạnh Nam 2 gần đó cũng buộc phải nhận nhà ở tạm dù biết không có PCCC, không có nước máy, điện cũng chỉ là điện sinh hoạt mà không phải là điện 3 pha. Chính quyền đã nhiều lần xuống kiểm tra PCCC nhưng cũng đành bất lực đi về vì không tìm thấy chủ đầu tư.

Đáng nói, những trường hợp như trên không phải là cá biệt. Khu chung cư mini Tân Đức (xã Đức Hòa Hạ, H.Đức Hòa, Long An) đang xây dựng dở dang đến tầng 3 nhưng toàn bộ số căn hộ được bàn giao đã được khách hàng dọn vào ở hoặc cho thuê. Trên tầng 4, chủ đầu tư đã trừ sẵn sắt chờ ở các đầu cột để khi có cơ hội là có thể xây các tầng tiếp theo. Gần đó, chung cư mini Tân Đức 1 đã xây dựng cơ bản hoàn thành và bàn giao nhà cho khách hàng vào ở hơn 1 năm nay, nhưng không có hệ thống PCCC.

Trong vai người đi mua nhà, chúng tôi gặp bà Sang, được giới thiệu là chủ của khoảng 10 căn hộ và cũng là môi giới tại đây cho biết, chung cư có 85 căn hộ và đã giao nhà cho khách vào ở khoảng 3 năm nay. Bà Sang thừa nhận, một số căn hộ bán lỗ so với giá gốc trên hợp đồng cách đây mấy năm nhưng ít người mua. Bản thân bà cũng có một số căn nhưng chỉ làm nội thất rồi cho thuê mỗi tháng 2 triệu đồng/căn chứ không dám bán. “Nếu chú có ý định mua để ở thì được, chứ mua cho thuê hay mua đi bán lại sẽ rất khó. Chị nói thật, tùy chú quyết định. Chính quyền rồi công an xuống kiểm tra hoài xem có làm PCCC, thoát hiểm hay không, nhưng kiểm tra xong lại về nên cứ yên tâm ở”, bà Sang trấn an khi chúng tôi tỏ ra lo ngại về an toàn cháy nổ ở đây.

Phập phồng sống trong “nhà ba chung”

Bên cạnh chung cư mini, còn có một loại nhà tương tự cũng đã được cảnh báo rất nhiều trước đây nhưng vẫn tồn tại: Nhà 3 chung. Trong con hẻm vào đường Đào Sư Tích (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè, TP.HCM), một khu đất rộng khoảng 500 m2 đã được chủ nhân xây thành 18 căn nhà, mỗi căn diện tích chưa đến 40 m2 gồm 1 trệt và 2 lầu. Đây là những căn “nhà 3 chung”: chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà.

Bà Liên, một trong số 18 người mua nhà ở đây kể, cách đây bốn năm khi đang có nhu cầu mua nhà ở, bà được giới thiệu căn nhà này với giá 1,5 tỉ đồng. Khi bán, chủ nhà cam kết sẽ tách sổ riêng, nhưng đến nay sau nhiều năm nhận nhà, dọn về ở, căn nhà trên vẫn chung sổ với 17 căn nhà khác. Không chỉ vậy, nhiều lần chính quyền địa phương xuống kiểm tra, “dọa” sẽ đập nhà vì xây dựng lách luật khiến bà và các gia đình luôn sống trong nơm nớp lo sợ. Đáng nói, dù bỏ tới 1,5 tỉ đồng nhưng vì “nhà 3 chung” nên bà Liên và những người ở đây rất khó bán dù chấp nhận lỗ; cũng không thể cầm cố NH vì phải được sự đồng ý của 17 hộ còn lại.

Nhà “3 chung” ở TP.HCM cũng gây ra nhiều hệ lụy

Trên địa bàn Q.12 (TP.HCM), hàng loạt khu nhà “3 chung” cũng đã được xây dựng và bán cho người dân. Như khu nhà của ông Phan Văn Phương, dù xin giấy phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ nhưng đã tự ý chia nhỏ thành 59 căn, mỗi căn gồm một trệt và một gác lửng. Những căn hộ này được bán với giá bình quân khoảng 580 triệu đồng/căn trong thời hạn 50 năm. Phát hiện vi phạm xây dựng, chính quyền Q.12 đã cưỡng chế đối với hành vi xây dựng sai phép tại khu nhà này.

Một khu nhà khác gồm 16 căn xây dựng tương tự do ông Phan Văn Nhi, em ruột ông Phan Văn Phương, làm chủ đầu tư cũng đã bị cưỡng chế dù trước đó đã bán cho khách hàng. Chính quyền Q.12 cũng ghi nhận trường hợp trường hợp ông Đông (P.Thạnh Lộc, Q.12) dù chỉ xin phép xây một căn nhà nhưng cố tình xây sai phép, thiết kế thêm cầu thang, mở thêm cửa để chia căn nhà thành 16 căn nhỏ với diện tích 15 m2/căn. Rồi trường hợp ông Tuấn (P.Thạnh Lộc) trổ thêm cửa, làm cầu thang chia căn nhà thành 13 căn nhỏ… Theo UBND P.Thạnh Lộc, trên 90% trường hợp nhà “3 chung” đã đưa vào sử dụng đều không chính chủ, đã sang nhượng, cho thuê…

Các trường hợp nói trên không phải là cá biệt. Thời gian qua, TP.HCM xuất hiện nhiều tình trạng xây dựng mua bán nhà đồng sở hữu theo hình thức lập vi bằng, mua bán giấy tay. Những căn nhà “3 chung” chủ yếu ở Q.9 (nay là TP.Thủ Đức), Q.12, các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh… và được rao bán tràn lan khắp nơi. Do không được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nên loại nhà này không chỉ mang rủi ro tới cho người mua mà còn ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị. Quan trọng hơn, pháp lý không rõ ràng nên loại nhà này đã gây ra rất nhiều hệ lụy không chỉ cho người mua nhà mà với cả chính quyền địa phương. Thế nhưng các cơ quan chức năng cũng đang bối rối, không biết xử lý thế nào với loại nhà này.

Theo thống kê của Sở TN-MT TP.HCM, TP có khoảng 60 dự án nhà ở bị chủ đầu tư thế chấp NH, trong đó có 41/60 dự án thế chấp từ năm 2016 – 2023, và nhiều dự án thế chấp từ các năm 2008 – 2011. Đến nay chủ đầu tư vẫn chưa giải chấp nên người mua nhà không được cấp sổ hồng.

Theo Nghị định số 16/2022, hành vi không công khai, công khai không đầy đủ hoặc không đúng các nội dung về dự án bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có thể bị phạt tiền từ 100 – 120 triệu đồng. Mức phạt tiền đối với hành vi kinh doanh bất động sản không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định bị phạt 600 triệu đồng. Nhưng so với lợi ích thu được từ việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong một dự án bất động sản quy mô lớn hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng thì mức phạt này là quá thấp. Vì vậy, nhiều chủ đầu tư cố tình làm trái pháp luật, chấp nhận nộp phạt, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các chủ thể khác.

TS Phan Phương Nam (Trường ĐH Luật TP.HCM)


Nguồn

Exit mobile version