Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Quốc Cường Gia Lai xin nhận lại hơn 16,9 tỷ đồng và đất Dự án khu dân cư Ven Sông

Sáng nay (6/3), TAND cấp cao tại TPHCM sẽ mở phiên tòa phúc thẩm, xét xử vụ ông Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM) cùng 9 bị cáo khác chuyển nhượng 2 dự án đất công giá rẻ ở huyện Nhà Bè, TPHCM cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Phiên tòa phúc thẩm được mở sau khi bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên ngày 9/10/2022 đã có kháng nghị và kháng cáo.

Cụ thể, Công ty Quốc Cường Gia Lai đã kháng cáo đề nghị cho nhận lại hơn 16,9 tỷ đồng trong Dự án KDC Phước Kiển mà cấp sơ thẩm đã tuyên thu hồi của công ty này.

Công ty này cũng kháng cáo đề nghị tiếp nhận phần đất còn lại từ việc chuyển nhượng 45% vốn góp của Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận).

Có 9/10 bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm, chỉ riêng ông Tất Thành Cang không có đơn kháng cáo.

Ngoài ra, Viện trưởng Viện KSND TPHCM đã có kháng nghị về xác định thời điểm thất thoát tài sản Nhà nước trong vụ án.

Dự án khu dân cư Ven Sông.

Theo kháng nghị, tại bản án sơ thẩm của TAND TPHCM đã xác định Cty Tân Thuận chuyển nhượng 2 dự án trên cho Quốc Cường Gia Lai là trái quy định. Viện Kiểm sát truy tố và TAND TPHCM đã xét xử, vì vậy, hành vi phạm tội phải được xác định kéo dài từ khi hành vi đó xảy ra cho đến khi Nhà nước lấy lại được quyền quản lý tài sản hoặc khi tội phạm bị ngăn chặn.

Kháng nghị của Viện Kiểm sát cho rằng, thiệt hại của vụ án phải tính đến thời điểm 2 bên hủy hợp đồng ở Dự án KDC Phước Kiển và thời điểm Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án. Việc bản án sơ thẩm quyết định thời điểm xác định tài sản Nhà nước bị thất thoát, lãng phí khi hành vi phạm tội xảy ra là không có căn cứ.

Đường vào Dự án 32ha Phước Kiển.

Trong vụ án này, cáo trạng xác định thiệt hại tổng là 730 tỷ đồng. Trong đó, Cty Tân Thuận chuyển nhượng dự án KDC Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho Quốc Cường Gia Lai gây thiệt hại 202 tỷ đồng tại thời điểm hủy bỏ Hợp đồng chuyển nhượng tháng 5/2018. Tại Dự án KDC Ven Sông thiệt hại xác định tại thời điểm khởi tố là 532 tỷ đồng.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Ngày 19/10, bản án sơ thẩm của TAND TPHCM cho rằng thiệt hại vụ án phải xác định tại thời điểm phạm tội, cách tính như Viện Kiểm sát chưa phù hợp. HĐXX xác định lại tổng thiệt hại là 207 tỷ đồng.

Triệu tập nguyên Chánh văn phòng Thành ủy đến tòa

Để chuẩn bị cho phiên tòa phúc thẩm hôm nay, Hội đồng xét xử đã triệu tập bà Thái Thị Bích Liên đến tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Bà Thái Thị Bích Liên làm Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM từ tháng 11/2015 đến tháng 10/2018. Trong thời gian này đã xảy ra các sai phạm tại Dự án KDC Ven Sông và Dự án KDC Phước Kiển.

Theo Cơ quan điều tra, với vai trò là người đứng đầu, bà Liên phải có trách nhiệm chỉ đạo Văn phòng Thành ủy kiểm tra, nhằm phát hiện Công ty Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) đưa ra giá chuyển nhượng, chỉ căn cứ duy nhất vào chứng thư thẩm định giá, không áp dụng đúng quy chế xây dựng giá, dẫn đến điều chỉnh hợp đồng, hủy hợp đồng tại Dự án KDC Phước Kiển; chuyển nhượng một phần Dự án KDC Ven sông với giá thấp, gây thất thoát nguồn vốn của Đảng bộ TPHCM.

Kết luận điều tra xác định: “Hành vi biết nhưng không kiểm tra của bà Liên đã bị xử lý kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách”. Bà Liên có một phần liên đới trách nhiệm là người đứng đầu nhưng không thuộc nhóm trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.

Kết luận điều tra xác định, hành vi của bà Liên chưa đến mức xử lý hình sự.

Sau khi thôi làm Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM, bà Thái Thị Bích Liên được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM phân công làm Bí thư Quận ủy quận 4. Cuối tháng 5/2022, bà Liên được điều động giữ chức Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM.

Vụ án này như Tiền Phong đã đưa tin, tại bản án sơ thẩm của TAND TPHCM khẳng định 10 bị cáo trong vụ án đã phạm cùng tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, khi chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai Dự án KDC Phước Kiển có diện tích 32 ha với giá 1.290.000đ/m2, gây thất thoát tài sản của Nhà nước trên 53 tỷ đồng và chuyển nhượng Dự án KDC Ven Sông Tân Phong với giá chuyển nhượng là 20.000.000 đồng/m2, thất thoát 154 tỷ đồng.

Ông Tất Thành Cang thời điểm là phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, đã bút phê đồng ý cho Tân Thuận chuyển nhượng Dự án 32 ha đất Phước Kiển mà không báo cáo Ban thường vụ Thành ủy quyết định. Hậu quả hành vi ông Cang gây ra là thất thoát tài sản nhà nước là vốn của Thành ủy số tiền 154 tỷ đồng. Bản án tuyên phạt ông Tất Thành Cang 6 năm tù, cộng dồn với bản án trước đây 8 năm 6 tháng tù, buộc ông Cang chấp hành chung 14 năm 6 tháng tù.

Các bị cáo Phạm Văn Thông (cựu phó Văn phòng Thành ủy) bị tuyên phạt 11 năm tù, tổng hợp với bản án trước là 17 năm tù; Huỳnh Phước Long (cựu Trưởng phòng quản lý đầu tư kinh doanh vốn của Văn phòng Thành ủy) 9 năm tù, tổng hợp bản án trước là 21 năm tù; Phan Văn Tân (cựu phó Chánh Văn phòng Thành ủy) 3 năm tù. Các bị cáo cựu lãnh đạo, cán bộ Cty Tân Thuận là bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐTV) 8 năm tù, tổng hợp bản án trước là 11 năm tù; Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc) 13 năm tù, tổng hợp án trước là 26 năm tù; Trần Tấn Hải (cựu phó Tổng giám đốc) 5 năm tù, Nguyễn Thị Ngọc Bích (cựu Kế toán trưởng) 4 năm tù ; Nguyễn Xuân Tùng nguyên (cựu Trưởng phòng kinh tế tổng hợp) 4 năm tù, Nguyễn Hoàng Việt (cựu Kiểm soát viên) 3 năm tù.

Về dân sự, bản án tuyên thu hồi 16,9 tỷ đồng từ Quốc Cường Gia Lai trả cho Cty Tân Thuận và chuyển số tiền trên đang tạm giữ tại tài khoản của Cơ quan điều tra cho Cty Tân Thuận. Buộc bị cáo Cang, Minh, Thiện, Thông, Long, Hải, Bích, Tùng và Việt bồi thường cho Quốc Cường Gia Lai số tiền 16,9 tỷ đồng; Đối với Dự án KDC Ven Sông, các bị cáo Thiện, Minh, Thông, Tân, Long, Hải, Bích, Tùng, Việt bồi thường cho Công ty Tân Thuận số tiền hơn 283 tỷ đồng. Giao cho UBND TPHCM giải quyết theo quy định pháp luật và đề nghị UBND TPHCM trong quá trình giải quyết, xem xét quyền lợi của các cư dân, doanh nghiệp, tổ chức có liên quan.

Về quan hệ pháp luật giữa Cty Tân Thuận, Quốc Cường Gia Lai và các cư dân, doanh nghiệp, tổ chức khác nếu có được giải quyết bằng các tranh chấp dân sự, tranh chấp pháp luật khác nếu có yêu cầu theo quy định của pháp luật. Tiếp tục kê biên, phong tỏa tài sản của các bị cáo là bất động sản, tài khoản ngân hàng để đảm bảo quá trình thi hành án.

Nguồn

Exit mobile version