Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Phát triển công viên rừng trong cấu trúc đô thị hiện đại

(KTVN 250) Công viên rừng trong các đô thị trên thế giới đã tồn tại từ lâu. Nó có thể xuất phát từ những những khoảng rừng tự nhiên còn xót lại trong quá trình phát triển đô thị bởi nhiều lý do khác nhau; từ quyền sở hữu đất hay thú chơi của các nhà quý tộc với các lâu đài hay những cánh rừng bao quanh nó; hoặc từ những công viên tự nhiên hay được chăm tỉa với những bộ sưu tập cây, con đa dạng…Trải qua nhiều năm tồn tại chúng đã phát triển như một cánh rừng, tạo ra phong cảnh, nét chơi tao nhã ấn tượng, đặc sắc.

Và giờ đây chúng được tiếp tục tồn tại bởi những giá trị có một không hai trong lòng các đô thị đã có tuổi đời thuộc các giai đoạn cổ, trung hoặc cận đại, nhất là ở khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ hay trong không gian thành quách của các vị vua chúa Châu Á. Công viên rừng trong các đô thị có nhiều dạng, nhiều hình thái, nhiều quy mô khác nhau (từ vài chục đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hecta); vị trí có thể ngay trong lòng đô thị, vùng ven hay có một khoảng cách nhất định tính từ trung tâm đô thị.

Nhận thức về công viên rừng trong đô thị

Công viên rừng trong các đô thị trên thế giới đã tồn tại từ lâu. Nó có thể xuất phát từ những những khoảng rừng tự nhiên còn xót lại trong quá trình phát triển đô thị bởi nhiều lý do khác nhau; từ quyền sở hữu đất hay thú chơi của các nhà quý tộc với các lâu đài hay những cánh rừng bao quanh nó; hoặc từ những công viên tự nhiên hay được chăm tỉa với những bộ sưu tập cây, con đa dạng…Trải qua nhiều năm tồn tại chúng đã phát triển như một cánh rừng, tạo ra phong cảnh, nét chơi tao nhã ấn tượng, đặc sắc. Và giờ đây chúng được tiếp tục tồn tại bởi những giá trị có một không hai trong lòng các đô thị đã có tuổi đời thuộc các giai đoạn cổ, trung hoặc cận đại, nhất là ở khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ hay trong không gian thành quách của các vị vua chúa Châu Á. Công viên rừng trong các đô thị có nhiều dạng, nhiều hình thái, nhiều quy mô khác nhau (từ vài chục đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hecta); vị trí có thể ngay trong lòng đô thị, vùng ven hay có một khoảng cách nhất định tính từ trung tâm đô thị.

Cũng có thể trong tư duy của các nhà quy hoạch phát triển đô thị sau này, để kế thừa các giá trị của các công viên rừng họ cũng mạnh dạn giữ lại những không gian rông lớn để phát triển mô hình này giữa lòng đô thị. Ví như Công viên trung tâm New York (Mỹ), Di Hòa Viên hay Cung điện Mùa hè (Thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc), Công viên Đại Quan (Thành phố Côn Minh, Trung Quốc), hay triết lý xuyên xuốt về một đô thị xanh của các nhà quy hoạch phát triển đô thị Sinapore sau này.

Hiểu một cách đơn giản “công viên rừng” không có nghĩa đó phải là một khu rừng thực thụ. Nó có thể là một không gian tự nhiên, nơi có điều kiện địa hình, cảnh quan đẹp, môi trường sinh thái hấp dẫn, nơi con người có thể tác động ít nhiều, có thể bổ sung, hoàn chỉnh nó theo mong muốn, theo yêu cầu sử dụng của mình để biến nó trở thành một công viên rừng, một điểm đến lý tưởng trong cấu trúc đô thị.

Mặt khác, theo nhiều nghiên cứu, để chỉ ra yếu tố “rừng” trong đô thị, đã có những nghiên cứu sâu về hệ thống “không gian xanh” trong đô thị. Hệ thống này bao gồm vườn cây (gardens), công viên (parks), cây xanh đường phố… Tuy nhiên, nếu “không gian xanh” chỉ được hiểu như vậy là chưa đầy đủ, trong nhiều tài liệu “không gian xanh” còn được gọi là “không gian mở” (open spaces) với các yếu tố cấu thành rộng hơn ngoài vườn cây, công viên còn có hệ thống cấu trúc xanh tự nhiên trong đô thị như mặt nước (sông, hồ), thảm cây xanh tự nhiên, đồi núi, cánh đồng, hành lang xanh, vàng đai xanh, nêm xanh…trong các đô thị lớn hay vùng đô thị… Theo thông tư 06/2013/TT-BXD về Hướng dẫn nội dung thiết kế đô thị: “không gian xanh của đô thị gồm vành đai xanh, HLX, tuyến xanh, mạng xanh, nêm xanh, công viên hoặc rừng tự nhiên, nhân tạo trong đô thị”. “Không gian xanh” được phân loại theo quan điểm sinh thái chia làm 3 loại: loại I: Không gian xanh tự nhiên, loại II: Không gian xanh bán tự nhiên và loại III: Không gian xanh nhân tạo.

Với cách lập luận trên, “không gian xanh” có thể chứa dựng các thành phần tạo nên yếu tố “rừng” trong đô thị. Từ đó cho rằng “công viên rừng” thuộc hệ thống “không gian xanh” trong cấu trúc đô thị phát triển. “Công viên rừng” cũng có thể gồm 03 loại: “Công viên rừng” tự nhiên, bán tự nhiên và “Công viên rừng” nhân tạo. Suy cho cùng, “Không gian xanh”, hay “Công viên rừng” đều nhắm tới việc cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống, văn hoá, giáo dục, thẩm mỹ, lòng tự hào, tình yêu của người dân đối với đô thị của họ. Sự khác nhau chỉ ở tên gọi, phân loại, cách quy hoạch và sử dụng.

Về khái niệm “Công viên rừng” hay “Rừng” trong đô thị?

Dưới đây là một số hình ảnh minh hoạ để cùng nhận thức đầy đủ và đồng thuận hơn về khái niệm “Công viên rừng” hay “Rừng” trong đô thị.

Di Hòa Viên:  Nằm cách trung tâm thành phố Bắc Kinh khoảng 15 km, có diện tích 290 hecta, được xây dựng từ thời nhà Thanh, Di Hòa Viên được biết đến với nghệ thuật lâm viên (vườn hoàng gia) có quy mô đầu tư lớn nhất Trung Quốc. Tất cả các yếu tố kiến trúc và cảnh quan được bài trí đều tinh tế, hoàn hảo và tuân thủ theo quy luật phong thủy một cách nghiêm ngặt. Năm 1998, Di Hòa Viên chính thức được UNESCO công nhận là “Di tích lịch sử thế giới”.

Di Hòa Viên (Bắc Kinh, Trung Quốc)

Công viên trung tâm New York: Nằm giữa lòng thành phố Manhattan (Mỹ) có diện tích lên đến hơn 341 ha, được xây dựng năm 1858 và hoàn thành năm 1873 công viên là một trong những công viên nổi tiếng nhất trên thế giới. Công viên trung tâm New York đã trở thành nơi lưu giữ nhiều loài động thực vật có giá trị; Nơi con người có thể hoà mình vào thiên nhiên một cách thân thiện, thoải mái; Một địa điểm du lịch hấp dẫn với nhiều hoạt động thú vị và đa dạng.

 

Công viên trung tâm New York (Mỹ)

Bois de Boulogne, Có diện tích rộng 845 hecta, Bois de Boulogne là công viên rộng thứ hai của nước Pháp. Công viên được xây dựng trong giai đoạn 1852 đến 1858 dưới thời Hoàng đế Napoleon. Ngoài hệ thống thực vật phong phú, công viên còn sở hữu nhiều hồ và thác nước.

Bois de Boulogne (Pháp)

Ueno (Tokyo, Nhật Bản): Là một trong những công viên lịch sử và lớn nhất ở Tokyo, nơi có hệ động, thực vật phong phú, các đền thờ cổ xưa và một số bảo tàng hấp dẫn. Vào mỗi mùa xuân, công viên lại tổ chức lễ hội hoa anh đào để du khách có thể đi bộ qua những con đường phủ đầy những tán hoa màu hồng diễm lệ.

Ueno (Tokyo, Nhật Bản)

Hyde Park: Có diện tích 142 hecta, nằm tại trung tâm London (Vương quốc Anh), là công viên rộng lớn nhất thành phố với nhiều di tích kiến trúc lịch sử lâu đời của các triều đại Hoàng gia, với nhiều màu sắc và hương thơm ngào ngạt từ các loại thực vật có trong công viên. Những sự kiện âm nhạc, lễ hội… cũng thường xuyên được tổ chức ở đây.

Hyde Park (London, Anh)

English Garden: Là công viên trong lòng thành phố lớn nhất Châu Âu, với diện tích trải dài lên tới 3.7km2, được xây dựng từ những năm 1700 ở Munich (Đức). Công viên nổi bật với vườn thực vật Berlin (Botanischer Garten Berlin), mục đích chính là phục vụ khoa học…

English Garden (Munich, Đức)

Singapore: là một trong những thành phố xanh nhất thế giới. Người Singapore từ lâu đã có ý nghiêm túc về vai trò của không gian xanh trong đô thị. Singapore chính là mô hình thực tế của đô thị xanh, trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng.

Một góc phố Singapore

Gardens by the Bay

Đặc biệt Gardens by the Bay với điểm nhấn là hệ thống cây năng lượng nhân tạo cao tới 54m, có thể tạo ra năng lượng từ ánh sáng mặt trời, thông hơi cho các tòa nhà gần đó và hứng nước mưa, là một trong những dấu ấn quan trọng của Singapore trong triết lý đô thị xanh.

Công viên rừng trong đô thị ở Việt Nam

Công viên bách thảo Hà Nội

Thảo cầm viên TPHCM

Ở Việt Nam khái niệm công viên rừng tưởng chừng còn xa lạ, mới mẻ, nhưng thực tế không hẳn vậy. Bản thân quá trình phát triển, trong cấu trúc đô thị Việt Nam đã tồn tại ít nhiều dạng công viên này. Ví như không gian các vườn thượng uyển nằm trong cung điện, đền đài, lăng tẩm của các vị vua chúa thời Nguyễn (Kinh thành Thăng Long, Kinh thành Huế), hay các dạng công viên kết hợp vườn thú như công viên bách thảo Hà Nội, Thảo cầm viên Thành phố Hồ Chí Minh trong cấu trúc đô thị cận đại.

Hệ thống “Không gian xanh” trong các đô thị Việt Nam cũng đã góp phần tạo nên yếu tố “rừng” độc đáo. Trong đó, hệ thống “Không gian xanh” tại Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Lạt, Sa Pa…đều có những nét riêng, không thể trộn lẫn.

Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng (năm 2008) đã ôm trọn trong mình một hệ thống “Không gian xanh” độc đáo có giá trị. Khu vực vườn Quốc gia Ba Vì, Hương Tích, Sóc Sơn, hành lang xanh sông Đáy, vành đai xanh sông Nhuệ, các nêm xanh, vườn hoa, công viên, mặt nước sông, hồ…chiếm khoảng 70% diện tích tự nhiên toàn thành phố…đã cho ta một cái nhìn tổng thể về một Hà Nội xanh, yếu tố “rừng” có trong cấu trúc đô thị. Vườn Quốc gia Ba Vì, khu di tích danh thắng Hương tích, khu cảnh quan Sóc Sơn…của Thủ đô Hà Nội; vườn sinh quyển Cần Giờ của Thành phố Hồ Chí Minh…có lẽ nào không xứng danh là các “công viên rừng” đình đám, có thương hiệu nổi bật của hai thành phố này ?

Bên cạnh đó, dọc theo hành lang, bãi bồi các con sông của hai thành phố này như sông Sài Gòn, sông Hồng, sông Đuống…cũng mang trong mình nó các tiềm năng, lợi thế để bổ sung vào hệ thống “Không gian xanh” những giá trị mới trong quá trình phát triển của mình. Một ví dụ điến hình cho mô hình “công viên rừng” nhân tạo tại bãi nổi sông Hồng là dự án công viên rừng trên địa bàn phường Chương Dương, hay công viên rừng tại phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trong khu vực hành lang xanh sông Đáy, vành đai xanh sông Nhuệ…của Thủ đô Hà Nội hiện còn nhiều dư địa để phát triển mô hình “Công viên rừng” bán tự nhiên và “Công viên rừng” nhân tạo. Việc nghiên cứu các giải pháp Tổ chức không gian hành lang xanh phía Tây Hà Nội về chức năng và cấu trúc theo khung chủ đề, tổ chức không gian tổng thể và thành phần, các chỉ tiêu qui hoạch cơ bản (sử dụng đất, hạ tầng, không gian cảnh quan) và tổ chức thực hiện theo quy hoạch của Nghiên cứu sinh Phạm Thị Nhâm (Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn Quốc gia – BXD) tạo cơ hội chỉ ra “khung chủ đề” không gian xanh tự nhiên và nông nghiệp (một trong năm khung chủ đề chính của hành lang xanh)…mà ở đó có tiềm năng, lợi thế để người Hà Nội phát triển mô hình “Công viên rừng” bán tự nhiên và “Công viên rừng” nhân tạo…gắn với bảo tồn phát huy giá trị văn hoá truyền thống Thăng Long, Xứ Đoài xưa…

Thay cho lời kết

Việc quy hoạch tạo nên một hệ thống “Không gian xanh” – lá phổi xanh cho đô thị có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình đô thị hoá, biến đổi khí hậu trên thế giưới trong đó có Việt nam không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội mà còn là điều kiện quan trọng để tạo nên một đô thị phát triển bền vững. Công viên, vườn hoa…được hiểu đều nằm trong hệ thống “Không gian xanh” đô thị. Suy cho cùng, “Không gian xanh”, hay “Công viên rừng” đều có mối quan hệ biện chứng ở nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh và đều nhắm tới việc cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống, văn hoá, giáo dục của đô thị. Đồng thời, tạo ra sự khác biệt trong xây dựng biểu tượng, thương hiệu của từng đô thị khi yếu tố cạnh tranh mang tính toàn cầu đang rất cao.

Tài liệu tham khảo:

Những công viên nên khám phá và trải nghiệm khi tới Paris/Báo Mới

– Công viên trung tâm New York – Điểm đến không thể bỏ qua/ Nguyễn Thụy Mộc Nhiên

– 10 công viên quốc gia ở châu Âu khiến bạn phải sững sờ vì quá đẹp/ Hữu Nguyên

– Hanoimoi.vn

– Trang Travel Japan; Traveloka…

– Thông tư 06/2013/TT-BXD về Hướng dẫn nội dung thiết kế đô thị

NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG MÔ HÌNH KHÔNG GIAN XANH (KgX) NHẰM GIẢM NHẸ PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH (KNK) TRONG ĐÔ THỊ, ÁP DỤNG THÍ ĐIỂM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ ĐÀ NẴNG/Đề tài NCKH cấp Bộ/Trường Đại học Văn Lang TP Hồ Chí Minh

TS.KTS Trương Văn Quảng – Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam



Nguồn

Exit mobile version