Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Phát huy bản sắc đô thị Đà Lạt – Một đề xuất cho khu vực Hồ Xuân Hương

Vấn đề bản sắc đô thị Đà Lạt đang là thách thức lớn đối với các nhà quy hoạch, quản lý và hoạch định chính sách. Nghiên cứu này xem xét, nhận diện các chiều thước và khía cạnh tạo nên đặc trưng của Đà Lạt. Thông qua việc khảo sát toàn diện, nghiên cứu này lựa chọn khu vực điển hình khả thi, đề xuất một số giải pháp thiết kế cụ thể nhằm đạt được mục tiêu gìn giữ tính đặc trưng của Đà lạt.

Mở đầu

Ẩn mình giữa vùng cao nguyên tuyệt đẹp của miền Trung Việt Nam, Đà Lạt, một thành phố (TP) mang sự pha trộn tinh tế giữa lịch sử, văn hóa, kiến trúc và con người. Một trong những điều mang tính hấp dẫn độc đáo của Đà Lạt là sự kết hợp hài hòa giữa ảnh hưởng từ Pháp và yếu tố bản địa Việt Nam, các dãy biệt thự nghỉ dưỡng theo phong cách châu Âu nằm quanh Hồ Xuân Hương, các tòa nhà lấy cảm hứng từ thời Trung cổ và những ngôi chùa truyền thống. Những công trình kiến trúc này không chỉ thể hiện quá khứ thuộc địa của TP mà còn phản ánh di sản văn hóa phong phú của nơi này.

TP Đà Lạt là nơi sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau, mỗi dân tộc có truyền thống, phong tục và lối sống độc đáo riêng. Du khách đến đây có thể hòa mình vào cuộc sống phong phú của Đà Lạt bằng việc khám phá các khu chợ địa phương, thử ẩm thực truyền thống, tham dự các lễ hội sôi động và tìm hiểu về các di sản của các dân tộc thiểu số.

Tất cả những yếu tố trên: Lịch sử, văn hóa, kiến trúc và con người đều được chú trọng phát triển thông qua quy họach. Quy họach đô thị tại Đà Lạt tập trung vào việc bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên và tích hợp nó vào cơ sở hạ tầng của TP, theo như định hướng phát triển của Quy họach xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng, Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội có thời hạn đến năm 2045: “Bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy họach, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị phát triển du lịch – văn hóa – khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế. Phát triển đô thị đồng thời phát triển theo hướng bền vững…, TP Đà Lạt là đô thị phát triển du lịch quốc gia và đô thị có đặc trưng về di sản.” [1]. Dựa trên cơ sở đó, bài viết này bàn luận về tính nhận diện trong văn hóa của Đà Lạt đối với đồng thời du khách và người dân địa phương, theo đó đề xuất ra các phương án thiết kế cho đô thị Đà Lạt hướng đến TP Di sản Văn hóa, một đô thị có chiều sâu về các giá trị tinh thần.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này áp dụng một phương pháp nghiên cứu định tính bao gồm phương pháp thảo luận nhóm tập trung (Focus Group Discussion), đây là một kỹ thuật thu thập dữ liệu trong đó một nhóm người được chọn tổ chức một cuộc thảo luận chuyên sâu về một chủ đề hoặc vấn đề nhất định, với sự hỗ trợ của người điều hành. Phương pháp này được sử dụng để hỏi người tham gia về thái độ, nhận thức, kiến thức, kinh nghiệm và thực tiễn của họ, được chia sẻ trong quá trình tương tác với những người khác nhau [2]. Kỹ thuật này dựa trên giả định rằng các quy trình nhóm được thực hiện trong FGD giúp xác định và làm rõ kiến thức được chia sẻ giữa các cộng đồng và nhóm, điều mà khó có thể đạt được thông qua một loạt các cuộc phỏng vấn cá nhân;

Phỏng vấn sâu và phương pháp đánh giá nắm bắt (Capture Evaluation Method) – CEMs là phương pháp được Koga áp dụng dựa trên phương pháp xạ ảnh, là một phương pháp tâm lý nhằm hiểu được nhận thức của những người tham gia khảo sát thông qua các bức ảnh họ chụp. Phương pháp này cho phép người tham gia trải nghiệm môi trường thực tế và tự do khám phá các phần tử/yếu tố mà họ quan tâm hoặc gặp phải.

Kết quả và thảo luận

Các yếu tố tạo nên bản sắc đô thị

Từ kết quả nghiên cứu, 6 nhóm hình thành nên bản sắc đô thị Đà Lạt được cụ thể trong bảng 1.

Bảng 1. Bảng tóm tắt các nhóm yếu tố tạo nên bản sắc của Đà Lạt

Khu vực Hồ Xuân Hương

Thông qua kết quả khảo sát, các công trình, cảnh quan xung quanh khu vực hồ Xuân Hương có mức độ nhận diện khá cao, đồng thời mức độ nhận diện về văn hóa, lễ hội địa phương đạt mức cao trong nhận diện về lễ hội. Hơn nữa, còn có các yếu tố giải trí, tham quan cũng có mức nhận diện khá tốt về dịch vụ tham quan bằng xe ngựa. Các dữ liệu như trên cho thấy được khu vực xung quanh hồ Xuân Hương có độ nhận diện khá cao về văn hóa, kiến trúc trong tổng thể TP Đà Lạt.

Khu vực hồ Xuân Hương với nhiều yếu tố mang tính nhận diện bản sắc Đà Lạt

Từ các dữ liệu thu thập được cho thấy nhóm Văn hóa, Di sản Kiến trúc và Lịch sử cần được quan tâm đẩy mạnh và phát triển phù hợp với chiến lược phát triển đô thị Đà Lạt từ chính quyền. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tác động tiêu cực đến tổng thể đô thị như: Cơ sở hạ tầng và môi trường, Văn hóa cộng đồng. Nhóm này ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau và cũng tác động lên các yếu tố khác. Có thể tận dụng điểm này để khi thay đổi một trong ba, sẽ thay đổi cả một nhóm, mang lại hiệu quả cao hơn.

Các giải pháp cải tạo khu vực Hồ Xuân Hương

Giải pháp quy hoạch

Khu vực xung quanh Hồ Xuân Hương hiện đang được bao bọc bởi nhiều loại công trình kiến trúc khác nhau, từ các di sản văn hóa, công trình biểu tượng đến các không gian công cộng và các mảng công viên cảnh quan lớn. Điều này tạo ra một lợi thế hiện hữu cho việc phát triển tổ hợp về Văn hóa – Di sản – Lịch sử tại khu vực trung tâm. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ lưỡng việc tích hợp các công trình mới vào cảnh quan tự nhiên sẵn có để đảm bảo rằng giá trị độc đáo của cảnh quan Hồ Xuân Hương không bị xâm phạm.

Việc phát triển các công trình mới và cải tạo các không gian công cộng cần được thực hiện với sự nhạy cảm đối với cảnh quan thiên nhiên đặc thù của Hồ Xuân Hương. Bất kỳ sự thay đổi nào đối với hệ sinh thái tự nhiên xung quanh hồ đều có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn và sức hấp dẫn của cảnh quan này. Do đó, việc thiết kế các công trình nên tuân theo nguyên tắc phát triển bền vững, trong đó ưu tiên việc bảo tồn và tôn tạo các yếu tố tự nhiên như cây xanh, mặt nước và địa hình đặc trưng của Đà Lạt.

Kết nối bằng tuyến đi bộ

Đường đi bộ dọc bờ hồ là một hiện trạng sẵn có tốt và chỉ cần cải tạo lại các lối đi đặc biệt, có thể thêm lối đi cho xe đạp, mở rộng lối đi bộ để đáp ứng cho lưu lượng khách đoàn đi tham quan

Kết nối bằng mảng xanh – cảnh quan

Cần phải tổ chức đan xen các lối đi bộ vào các cảnh quan xung quanh hồ. Mặc dầu vẫn còn có một số khu vực còn khá tối và vắng vẻ sau 6 giờ chiều tạo cảm giác không an tòan cho người đi tham quan. Thiết kế kết nối các mảng cảnh quan nhưng vẫn phải đảm bảo tiện nghi ngoài trời như đèn đường, chốt quản lý và bảo vệ đầy đủ, để đảm bảo an tòan cho du khách.

Kết nối bằng các công trình công cộng

Số lượng các công trình xung quanh hồ tuy khá nhiều nhưng mang quy mô khá lớn, nên việc di chuyển giữa các công trình, khu vực đôi lúc sẽ khó khăn. Cần gia tăng các công trình công cộng nhỏ dọc theo tuyến đường, lồng ghép vào không gian cảnh quan. Những nơi nghỉ chân cũng có thể kết hợp các chức năng khác nhau, vừa tạo thêm không gian sinh họat cũng như không gây nhàm chán khi di chuyển dọc theo bờ hồ. Tùy vào khoảng cách giữa các công trình công cộng lớn, đề xuất thêm vào các công trình nhỏ, điểm dừng chân làm tăng tính định hướng, dẫn dắt du khách, tạo sự liên kết chặt chẽ hơn cho các công trình lớn.

Hiện trạng khu vực hồ Lắng

Giải pháp thiết kế đô thị, cảnh quan

Khu vực hồ Lắng

Khu vực Hồ Lắng, mặc dù nằm ngay cạnh Hồ Xuân Hương, hiện đang thiếu sự chú ý trong công tác bảo tồn và cải tạo. Điều này dẫn đến suy giảm giá trị nhận diện của khu vực và tác động tiêu cực đến cảnh quan chung. Việc cải tạo khu vực này cần tập trung vào việc khôi phục và nâng cao các yếu tố tự nhiên để không chỉ cải thiện chất lượng môi trường mà còn tái lập sự kết nối sinh thái với Hồ Xuân Hương.

Đề xuất thiết kế tại hồ Lắng
Hiện trạng trục đường Ngã Năm ĐH đến hồ Xuân Hương (đường Đinh Tiên Hòang)

Phương án thiết kế đô thị được đề xuất sẽ tăng sự nhận diện văn hóa về hoa ở Đà Lạt. Ý tưởng bắt đầu từ điểm đầu: Là những bức tường được trang trí bằng những bức tranh hoa văn về sự hình thành phát triển của Đà Lạt đến điểm cuối cùng, kết hợp chỗ ngồi, giúp tăng sự chú ý tới những người ngồi nghỉ và đi lại; điểm giữa, được chào đón bằng cổng chào được trang trí bằng hoa mang đến sự tò mò khi bước vào trong, mang đến nét văn hóa về thành phố ngàn hoa của Đà Lạt; điểm cuối, hoa được trồng theo dạng hình tròn để định hướng khách tham quan có thể đi xung quanh ở giữa và mô phỏng nhà của người Chill và Lạch, những tượng gỗ mô phỏng, làm nơi giao lưu âm nhạc. Nơi đây, tái hiện nét văn hóa bản địa của TP.

Cải tạo khu vực Hồ Lắng và các vùng lân cận cần đảm bảo rằng các giải pháp thiết kế không phá vỡ sự cân bằng tự nhiên. Ví dụ, việc thêm các khu vực cây xanh và xử lý nước thải phải được thực hiện theo cách tối ưu hóa sự phát triển của hệ sinh thái tự nhiên. Đồng thời, việc di dời các điểm tập kết rác và xử lý vấn đề lấn chiếm vỉa hè sẽ góp phần làm sạch môi trường, cải thiện không gian sống không chỉ cho du khách mà còn cho cư dân địa phương, từ đó nâng cao giá trị cảnh quan tự nhiên tổng thể của khu vực.

Chòi nghỉ và nhà vệ sinh

Trục từ Ngã Năm Đại Học đến Hồ Xuân Hương

Trục đường từ Ngã Năm Đại Học đến Hồ Xuân Hương, bao gồm đường Đinh Tiên Hoàng, là một tuyến giao thông quan trọng kết nối khu vực học thuật với trung tâm TP Đà Lạt. Việc cải tạo trục đường này không chỉ nhằm mục đích tối ưu hóa không gian và cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, mà còn nâng cao giá trị cảnh quan và văn hóa của khu vực.

Phương án thiết kế đô thị được đề xuất sẽ tập trung vào việc phát triển các bờ ta-luy kéo dài trên trục đường Đinh Tiên Hoàng. Điều này giúp tối ưu hóa không gian, cải thiện môi trường giao thông và giải quyết vấn đề đỗ xe.

Đề xuất không gian ở vị trí ốc đảo đường Trần Quốc Toản
Đề xuất không gian ở vị trí trên đường Trần Quốc Toản

Điểm bắt đầu với các bức tranh hoa văn trên tường – bờ ta luy, vẽ các bức tranh hoa văn truyền thống với các mảng màu sáng tạo. Sử dụng những hình ảnh như hoa sen, nón lá, và các đường nét truyền thống để kể chuyện về lịch sử và văn hóa của Đà Lạt. Sau đó, với chủ đề tiếp nối, các tác phẩm nghệ thuật đường phố sử dụng không gian trống trên tường để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật đường phố độc đáo. Đây có thể là các bức tranh trừu tượng, graffiti, hoặc các tác phẩm hiện đại thể hiện cái nhìn của các nghệ sĩ về thế giới ngày nay. Sử dụng màu sắc tương phản và kỹ thuật sáng tạo để tạo nên một không gian động lực và hiện đại. Tiếp theo với chủ đề độc đáo, các bức tranh lớn trên tường thể hiện các điểm độc đáo của Đà Lạt. Điều này có thể bao gồm các hình ảnh về các địa điểm nổi tiếng như hồ Xuân Hương, thác Datanla, hoặc những bức tranh thể hiện đời sống hàng ngày và truyền thống của cộng đồng địa phương. Sử dụng màu sắc phong phú và kỹ thuật chi tiết để làm nổi bật các đặc điểm độc đáo.

Vị trí công trình đề xuất trên tuyến đường Trần Quốc Toản

Các tượng điêu khắc cần phải bố trí tại các điểm trọng yếu của con đường. Các tượng có thể biểu tượng hóa những giá trị văn hóa, như tình yêu thủy chung, sự hiếu thảo, hoặc cảnh đẹp tự nhiên. Sử dụng vật liệu như gạch, đá, hoặc kim loại để tạo nên sự ấn tượng và tính lâu bền.

Tại khu vực cuối cùng của con đường là không gian giao lưu và tương tác. Đây có thể là một quảng trường nhỏ với bảng thông tin về nghệ thuật và văn hóa Đà Lạt, có bàn ghế để du khách và cộng đồng có thể nghỉ ngơi và trò chuyện. Các sự kiện nghệ thuật như triển lãm, biểu diễn, và hội họa ngoại thường có thể được tổ chức tại đây để tạo nên một không khí sôi động và sáng tạo.

Hiện trạng công viên Yersin

Việc phát triển bờ ta-luy và các tác phẩm nghệ thuật dọc theo tuyến đường cần được thiết kế một cách tinh tế để không làm mất đi sự hài hòa với cảnh quan tự nhiên xung quanh. Các bức tranh hoa văn và tác phẩm nghệ thuật đường phố nên sử dụng những màu sắc và hình ảnh phù hợp với môi trường tự nhiên của Đà Lạt, chẳng hạn như hoa sen, nón lá, và cảnh quan núi rừng. Việc này không chỉ tạo thêm điểm nhấn cho trục đường mà còn tăng cường sự gắn kết giữa không gian đô thị và thiên nhiên, duy trì và tôn trọng giá trị cảnh quan đặc trưng của Hồ Xuân Hương.

Phát triển không gian công cộng và tiện ích

Các công trình công cộng như chòi nghỉ, nhà vệ sinh và không gian pavilion được đề xuất nhằm cải thiện tiện ích cho người dân và du khách. Tuy nhiên, các công trình này cần được thiết kế và bố trí sao cho không phá vỡ sự hài hòa với cảnh quan tự nhiên. Việc sử dụng vật liệu địa phương và duy trì không gian mở sẽ giúp các công trình này hòa nhập với môi trường xung quanh.

  • Chòi nghỉ và nhà vệ sinh

Việc đặt thêm chòi nghỉ kết hợp nhà vệ sinh rút ngắn được 3,6km tiếp cận các nhà vệ sinh công cộng giúp đảm bảo tiện ích hơn dành cho người tham gia các họat động công cộng tại khu vực xung quanh hồ. Hầu như không có công trình, tranh ảnh về nguời dân tộc đầu tiên sinh sống tại cao nguyên Lâm Viên. Thiếu nhà vệ sinh công cộng cho người dân khi đi tập thể dục, thiếu hệ thống mái che mưa

Công trình nên có quy mô khoảng 24m2 với các đặc điểm hình thái kiến trúc theo kiểu nhà sàn của người dân tộc K-ho, Lạch kết hợp với quảng bá hình ảnh dọc hành lang từ trước ra sau, bố trí các bục trưng bày các vật dụng đặc trưng. Kết hợp theo đó, phuơng án này đuợc xây dựng với mô hình chòi nghỉ với các ghế ngồi. Khu vực chòi nghỉ đuợc trang bị nhà vệ sinh công cộng giữa nhà khép kín. Chòi nghỉ còn giúp giải quyết vấn đề tránh mưa gió vì theo khảo sát tại khu vực hồ không có hệ thống mái che nào vì hạn chế về tầm nhìn.

Sau khi khảo sát, vấn đề phai mờ văn hóa của Đà Lạt thể hiện khá rõ mặc dù ở khu vực trung tâm cũng đã có nhưng công trình mang tính văn hóa nhưng không được chú ý đến vì chưa có đủ ấn tượng với người dân hoặc đặt chưa đúng chỗ.

Sử dụng không gian Pavillion để cải thiện cảnh quan cho công viên Yersin: Không gian pavilion được lấy ý tưởng từ những phần mái nhà truyền thống của người dân tộc xưa ở Đà Lạt. Sử dụng vậy liệu khung gỗ là chính, tiết kiệm diện tích chừa lại không gian sử dụng họat động thể dục cho người dân. Các khung gỗ mảnh cách đều nhau giúp cho công viên vẫn giữ được không gian thóang mát và tầm nhìn từ trong ra ngoài. Sử dụng phương pháp trưng bày bằng tranh, việc sử dụng các tranh dạng quảng cáo kết hợp với không gian Pavilion giúp tăng yếu tố thẩm mỹ, thu hút người xem, việc trưng bày kiểu này cũng giúp tối ưu về vấn đề an ninh cho không gian, các tranh chỉ có giá trị nhỏ nhưng mang lại giá trị lớn về văn hóa. Kết hợp ghế ngồi, vì công viên Yersin thường xuyên có người dân đến sinh họat nói chuyện, ăn uống nên sử dụng các phần ghế ngồi ngay không gian Pavilion, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân mà còn giúp nhiều khách du lịch và dân bản địa biết tới các yếu tố văn hóa bên trong công trình.

Minh họa đề xuất thiết kế không gian triển lãm văn hóa tại các không gian xanh, công viên.

Các công trình được thiết lập phải tôn trọng và bảo tồn tầm nhìn, không phá vỡ cảnh quan tự nhiên vốn có. Việc thêm các tiện ích công cộng cũng nên đi kèm với các biện pháp bảo vệ môi trường, như sử dụng hệ thống xử lý nước thải hiệu quả và thiết kế các công trình xanh nhằm đảm bảo rằng sự can thiệp của con người sẽ không làm suy giảm giá trị thiên nhiên độc đáo của khu vực Hồ Xuân Hương.

Kết luận

Nghiên cứu này đã làm rõ các yếu tố tạo nên bản sắc đô thị đặc trưng của Đà Lạt, đồng thời nhận diện một số giải pháp cải tạo nhằm nâng cao giá trị văn hóa và cảnh quan tự nhiên của khu vực Hồ Xuân Hương. Qua phân tích, bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, kiến trúc, và môi trường tự nhiên của Đà Lạt trong quá trình phát triển đô thị.

Các giải pháp quy hoạch và thiết kế được đề xuất không chỉ tập trung vào việc cải thiện tiện ích và không gian công cộng, mà còn chú trọng đến việc duy trì và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên độc đáo của Đà Lạt. Đặc biệt, khu vực Hồ Xuân Hương, với vị trí trung tâm và vai trò quan trọng trong nhận diện đô thị, cần được phát triển một cách bền vững, đảm bảo sự hòa quyện giữa yếu tố thiên nhiên và các công trình nhân tạo.

Việc triển khai các giải pháp này không chỉ góp phần tạo nên một Đà Lạt hiện đại và hấp dẫn du khách, mà còn gìn giữ các giá trị văn hóa và cảnh quan đặc thù, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững cho thành phố trong tương lai. Để đạt được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, cộng đồng địa phương, và các nhà thiết kế nhằm đảm bảo rằng mọi thay đổi đều hướng đến việc bảo tồn di sản và phát triển hài hòa với thiên nhiên.

Lương Đỗ Ngọc, Nguyễn Phan Quỳnh Trân,
Trương Minh Vy, Phạm Trường Sơn
Trần Huỳnh Tâm, Nam Ngọc Ly, Phan Quốc Phú
Trường ĐH Yersin
Đỗ Duy Thịnh
Trương ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật Tp Hồ Chí Minh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 6-2024)


Ghi chú: Nghiên cứu này được nhóm tác giả thực hiện thông qua Workshop thiết kế đô thị với sự hỗ trợ của trường ĐH Yersin.

Tài liệu tham khảo
[1] Kiến tạo bản sắc đô thị Đà Lạt để phát triển du lịch bền vững, (https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/kien-tao-ban-sac-do-thi-da-lat-de-phat-trien-du-lich-ben-vung.html);
[2] Hennink, M. M. 2013. Focus Group Discussions. Oxford University Press;
[3] Phát triển Đà Lạt – TP mộng mơ trở thành đô thị hiện đại, trung tâm du lịch văn hóa di sản mang tầm quốc tế đặc sắc, Báo Chính Phủ, 31/12/2023.



Nguồn

Exit mobile version