Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Nông nghiệp bứt phá

Nếu như năm 2020, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông – lâm – thủy sản của VN chỉ đạt hơn 41 tỉ USD thì đến năm 2024 vừa qua con số này đã nhảy vọt lên mức 62,5 tỉ USD. Đây là mức kỷ lục từ trước đến nay của ngành trong hoạt động XK. Mức tăng hơn 50% này đạt được sau 4 năm cũng được xem là kỷ lục của kỷ lục. Bởi đây là giai đoạn kinh tế thế giới biến động mạnh bởi đại dịch Covid-19, đồng thời VN vẫn liên tục bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ khiến ngành nông nghiệp luôn đối diện với nhiều khó khăn. Thế nhưng bất chấp tất cả, số lượng mặt hàng XK đạt trên 1 tỉ USD và sau đó vượt mức 3 tỉ USD ngày càng gia tăng.

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá, cùng với sự nỗ lực của mình và sau khi VN tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), ngành nông nghiệp đã tham gia thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành mắt xích quan trọng, đứng thứ hai về XK nông sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á, góp phần cải thiện cán cân thương mại. Không chỉ kim ngạch XK phá những kỷ lục cũ mà xuất siêu của ngành nông nghiệp cũng liên tục lập đỉnh mới. Từ mức xuất siêu 10,69 tỉ USD vào năm 2020 thì hết năm 2024 vừa qua, con số này đã lên gần 18 tỉ USD, tương ứng tăng gần 70% sau 4 năm. Thặng dư thương mại tăng nhanh hơn con số XK cho thấy ngành nông nghiệp đã có nhiều thay đổi, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho đất nước.

Sầu riêng đạt kim ngạch xuất khẩu tăng cao

Sự vững chãi của nông nghiệp trong nước một lần nữa được khẳng định khi năm 2024, ngoài khó khăn từ tình hình thế giới thì cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía bắc. Thế nhưng nông nghiệp VN vẫn tiếp tục bứt phá với kim ngạch XK đạt 62,5 tỉ USD, tăng 18,7% và xuất siêu đạt gần 18 tỉ USD, tăng gần 47% so với năm 2023. Một số mặt hàng đã có sức bật vượt trội như gạo lần đầu bán ra thế giới đạt kỷ lục trên 9 triệu tấn và thu về gần 5,8 tỉ USD. Ngành rau quả VN cũng bỏ túi được hơn 7 tỉ USD, tăng gần 27% so với năm 2023. Nhiều sản phẩm chủ lực như xoài, chuối, sầu riêng… đang đứng thứ 2 về xuất khẩu sang Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới. Ngoài sản phẩm tươi, rau quả VN còn có các mặt hàng xuất khẩu như chế biến, chế biến sâu. Hay cà phê xô đổ mọi kỷ lục cũ khi bán ra thế giới thu về 5,6 tỉ USD, vượt 32,5% so với con số của năm 2023 bất chấp thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến các vùng thu hoạch cà phê trọng điểm, khiến sản lượng cà phê niên vụ 2023 – 2024 bị sụt giảm…

Với kết quả ấn tượng này, ngành nông nghiệp đã hoàn thành mục tiêu XK sớm hơn 6 năm so với kế hoạch đề ra trong Đề án 174/QĐ-TTg của Chính phủ về thúc đẩy xuất khẩu nông – lâm – thủy sản đến năm 2030, vốn đặt mục tiêu từ 60 – 62 tỉ USD.

Xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỉ USD

Không chỉ là những con số đạt được, việc Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu hàng nông – lâm – thủy sản lớn nhất của VN cũng là một minh chứng rõ nét cho nỗ lực đa dạng hóa thị trường của các doanh nghiệp. Điều đó giúp ngành nông nghiệp VN giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường truyền thống, mở ra cơ hội gia tăng XK vào những thị trường lớn, khó tính hơn.

Đánh giá về những thành tựu của ngành nông nghiệp VN, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, nhìn nhận: Để nông nghiệp có được thành công như những năm vừa qua có rất nhiều yếu tố liên quan như năng lực sản xuất nội tại của VN, nhu cầu thị trường và cả thời tiết, kinh tế, chính trị. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất quyết định thành công chính là yếu tố con người. Bạn bè quốc tế đều đánh giá cao sự thông minh, sáng tạo và tinh thần chăm chỉ của người VN. Chính vì vậy từ nông dân đến doanh nghiệp đều là những người ham học hỏi, luôn phấn đấu vươn lên, tạo khác biệt và tận dụng thời cơ để phát triển kinh tế rất tốt. Bằng chứng là hiện tại VN có trên 8.000 mã số vùng trồng và trên 1.600 cơ sở đóng gói các loại nông sản đủ điều kiện xuất khẩu đi các nước. Về kỹ thuật canh tác lúa, nông dân VN thuộc top đầu thế giới, nhờ vậy mà năng suất cũng đứng ở nhóm đầu. Xét ở góc độ quản lý Nhà nước, chúng ta thấy rằng xuất khẩu thuận lợi nhờ VN tham gia và ký kết được nhiều FTA đa phương và song phương. Hiện tại chúng ta đã ký đến 15 FTA và đang chuẩn bị ký thêm 2 FTA khác, trở thành một trong số ít nước tham gia nhiều FTA nhất thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để hàng hóa VN rộng cửa xuất khẩu.

Đồng quan điểm, GS-TS Trần Văn Hâu, nguyên giảng viên cao cấp Trường ĐH Cần Thơ, dẫn sự trỗi dậy của sầu riêng VN làm minh chứng. Chỉ năm thứ 2 sau khi thị trường Trung Quốc mở cửa, xuất khẩu sầu riêng của VN đã mang về 3,2 tỉ USD, sản lượng bắt kịp Thái Lan. “Do ngành sầu riêng của VN còn rất non trẻ nên tiềm năng tăng trưởng vẫn duy trì từ 15 – 20% mỗi năm nhờ diện tích thu hoạch tăng. Tuy nhiên điểm nổi bật nhất của ngành hàng sầu riêng VN chính là chúng ta có sầu riêng vụ nghịch. Đó là cách gọi thông thường của nhiều người, nhưng vì sầu riêng mỗi năm chỉ trồng có 1 vụ nên nói đúng hơn là bà con nhà vườn đã chủ động “đổi vụ, rải vụ” từ mùa bình thường sang thời điểm sớm hơn để bán được giá tốt. Đây là sự sáng tạo của nhà vườn với nhiều loại cây trồng khác nhau chứ không chỉ riêng với cây sầu riêng”, GS Trần Văn Hâu phân tích.

Xuất khẩu cà phê tăng cao

Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), đánh giá những năm qua, Nhà nước đã đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và từ đó tạo ra tác động tích cực. Nếu như trước đây vẫn có nhiều ý kiến cho rằng các đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ chỉ là “để ngăn kéo”, nhưng với lĩnh vực nông nghiệp nói chung thì hoàn toàn khác. Nhiều giống lúa mới ra đời, nhiều giống cây công nghiệp xuất hiện với năng suất, chất lượng vượt trội… Từ đó giúp năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp VN tăng mạnh, được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng. Đồng thời các doanh nghiệp trong nước đã thay đổi, tham gia mạnh vào chuỗi sản xuất để phục vụ tiêu dùng trong nước lẫn XK. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp cũng tăng cao, góp phần thúc đẩy nhiều lĩnh vực phát triển có chiều sâu hơn.

“Đóng góp của ngành nông nghiệp đối với kinh tế rất lớn, nhất là việc xuất siêu giúp cán cân thương mại tổng thể của cả nước ở mức cao. Chưa kể, ngành nông nghiệp có tính lan tỏa kết nối sâu rộng như kết hợp du lịch sinh thái, thu hút vốn FDI, liên kết sản xuất với nhiều ngành, từ người nông dân hay hợp tác xã đến các doanh nghiệp, viện nghiên cứu. Việc tăng tốc của ngành nông nghiệp sẽ mang lại giá trị bền vững cho kinh tế VN”, TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

Dù đạt được nhiều thành công nhưng GS Bùi Chí Bửu cũng cảnh tỉnh “chúng ta vẫn không được ngủ quên trên chiến thắng”. Hiện nay VN chỉ mới tăng trưởng trên chiều rộng mà chưa phát triển theo chiều sâu. Điều này thể hiện qua mối liên kết giữa các thành phần trong chuỗi giá trị chưa tốt như giữa nông dân với nhau và giữa nông dân với doanh nghiệp. Chúng ta chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp kể cả trong nước và FDI. Giá cả nông sản còn biến động mạnh theo thị trường, cụ thể như mặt hàng lúa gạo hiện nay. Nếu chúng ta có chính sách dự trữ và tạm trữ thì sẽ chặn được đà giảm của thị trường. Tương tự, sầu riêng tăng trưởng xuất khẩu rất cao trong 2 năm qua nhưng vẫn chịu biến động mạnh từ thị trường vì hiện tại tỉ lệ chế biến còn thấp, chỉ hơn 10%.

Ngành thủy sản xuất khẩu cán đích 10 tỉ USD

VN không thể tiếp tục dựa vào sự tăng trưởng theo chiều rộng như thời gian qua vì nguồn lực tài nguyên không còn do diện tích sản xuất nông nghiệp ngày một thu hẹp. Hơn nữa, VN cũng như thế giới đang phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu ngày một khắc nghiệt do xu hướng trái đất đang ngày một ấm hơn. Trong bối cảnh như vậy đòi hỏi chúng ta phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. “Nhưng tăng trưởng theo chiều sâu như thế nào thì cần phải có sự đầu tư nghiên cứu một cách khoa học và bài bản để tìm ra câu trả lời chính xác”, GS Bửu nói.

Theo GS Bùi Chí Bửu, để nông nghiệp phát triển mạnh hơn, chúng ta phải đầu tư vào khoa học, công nghệ. Đây là khâu yếu nhất của VN khi mức chi đầu tư cho khoa học, công nghệ chưa tới 0,5% GDP, tới năm 2023 thậm chí chỉ có 0,43% trong khi con số bình quân của thế giới là 2,2%.

“Mới đây, đã có một một số tín hiệu cực từ Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ sinh học, trong đó có công nghệ chỉnh sửa gene. Công nghệ này đã được chấp nhận ở các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia, giúp rút ngắn thời gian lai tạo giống mới chất lượng tốt. Ngoài ra, một ý quan trọng với giới nghiên cứu khoa học nói chung là việc rút gọn và đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cơ chế quản lý tài chính trong lĩnh vực này. Đây là khó khăn vướng mắc đã trói chân trói tay giới khoa học trong 50 năm qua cần sớm được tháo gỡ. Những điều này cho thấy người đứng đầu đất nước đã nhận diện được những vấn đề quan trọng cần được thúc đẩy để phát triển. Hy vọng nó sẽ sớm được áp dụng vào thực tế”, GS Bùi Chí Bửu lạc quan.

TS Nguyễn Quốc Việt cũng cho rằng tiềm năng tăng trưởng của ngành nông nghiệp VN khá lớn và cần được tiếp tục khơi thông, thúc đẩy. Chẳng hạn, phải xây dựng được thương hiệu cho nhiều sản phẩm tốt hơn. Có nhiều trường hợp hiệp hội, doanh nghiệp đi khảo sát ở các thị trường quốc tế thì thấy rất nhiều sản phẩm nông nghiệp VN có dán nhãn “Made in Vietnam” nhưng mang thương hiệu của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài. Điều này cho thấy VN vẫn xuất thô nhiều, nên giá trị thu về cho đất nước, cho người trồng trọt sẽ không cao. Vì vậy, chính các doanh nghiệp trong nước phải tiếp tục nỗ lực, vươn lên để tham gia mạnh hơn vào chuỗi sản xuất trong nước, từ liên kết trong trồng trọt, thu hoạch với người nông dân, hợp tác xã đến việc gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Cà phê Việt Nam được nhiều thị trường quốc tế lựa chọn

“Việc chế biến sâu và sau đó thương mại hóa, bán ra thị trường trong nước lẫn thế giới là điều cần được thúc đẩy nhiều hơn. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ từ khâu nghiên cứu đến sản xuất, chế biến là quan trọng”, TS Nguyễn Quốc Việt nói và dẫn chứng, các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin nói chung hay trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn nói riêng… cũng đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp và mang lại hiệu quả cao. Trong giai đoạn VN đang thúc đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ để tạo sự đột phá cho kinh tế trong giai đoạn tới thì ngành nông nghiệp cũng không thể bị rớt lại phía sau. Muốn vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn phải tăng tốc liên kết, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp du lịch, thương mại.

Về phía nhà nước, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và mang tính kết nối là chính. Không nên chỉ đưa ra chính sách hỗ trợ theo từng ngành, từng địa phương riêng lẻ mà hướng đến phát triển chuỗi sản xuất, gia tăng giá trị cao hơn cho sản phẩm nông nghiệp gồm nhiều thành phần kinh tế khác nhau.

Nguồn: Bộ NN-PTNT

Nguồn

Exit mobile version