Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Nhiều thách thức từ an toàn bảo mật, quản trị dữ liệu của khách hàng

Đó là nhận định của ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước tại Hội thảo “Hà Nội – thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở”. Ông Tuấn nhận định, trong xu thế ngân hàng mở của những năm gần đây, chiến lược của các ngân hàng hiện nay là mở rộng, phát triển những kênh mới để phục vụ khách hàng thông qua việc kết hợp với các đối tác, các công ty Fintech, các bên thứ ba trong các ngành nghề khác nhau.

ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước.

Thực tế thị trường cho thấy Việt Nam mặc dù chưa có tiêu chuẩn dữ liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật API chung cho ngân hàng mở nhưng nhiều ngân hàng đã chủ động mở một phần dữ liệu của mình với bên thứ ba, triển khai API tương đối phổ biến. Các ngân hàng thời gian qua đã triển khai các Cổng API mở (Open API Portal) cho phép các bên thứ ba đăng ký kết nối, sử dụng API để phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính – ngân hàng đổi mới sáng tạo như VietinBank iConnect (2019), BIDV Open API (2023), OCB API Developer Portal…

Hiện nay, ứng dụng Mobile Banking, Ví điện tử của nhiều tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã cho phép khách hàng tiếp cận, sử dụng đầy đủ các tiện ích, dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi như vấn tin, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn, gửi tiết kiệm, vay tín chấp, mở/ khóa/ đóng thẻ/ tài khoản, thiết lập hạn mức… các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia và cả những dịch vụ ngoài ngân hàng (beyond banking) như gọi xe/gọi đồ ăn, giao hàng, mua sắm trực tuyến, mua vé xem phim, vé máy bay, đặt phòng khách sạn/tour du lịch….

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, dù có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, việc phát triển hệ sinh thái ngành ngân hàng hướng tới mô hình ngân hàng mở còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: an toàn bảo mật, thách thức về công tác quản trị dữ liệu thách thức về tiêu chuẩn chung.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết thêm, hiện NHNN đang xây dựng trình Chính phủ hồ sơ dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng nhằm đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong sản phẩm, dịch vụ và có thể hướng tới tạo ra mô hình kinh doanh mới.

NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác, kết nối trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó sớm ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, thông tư về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành ngân hàng (Open API) và nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn về an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Huy – Phó Chủ tịch Quản lý kinh doanh, Tổ chức thẻ Mastercard cũng nhận định, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngân hàng mở. Ngân hàng mở thực sự trao quyền cho người tiêu dùng, cho phép người tiêu dùng chia sẻ dữ liệu tài khoản tài chính của họ một cách an toàn với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác. Ngân hàng mở cung cấp cho người tiêu dùng các dịch vụ tài chính được cá nhân hóa, giúp họ quản lý tài chính hiệu quả hơn.

Ngân hàng mở sẽ tổng hợp thông tin từ nhiều tài khoản, thẻ tín dụng và các dịch vụ chuyển tiền kỹ thuật số trong một giao diện người dùng duy nhất. Người tiêu dùng có thể thanh toán trực tiếp thông qua dịch vụ họ đang sử dụng mà không cần phải chuyển đổi giữa các ứng dụng ngân hàng hoặc các dịch vụ thanh toán khác nhau.

Về lợi ích với vác bên tham gia, ngân hàng mở tái định hình ngành tài chính, trở thành xu hướng của tương lai. Sự chia sẻ giữa các bên, hình dung về khách hàng tốt hơn, ngân hàng mở sẽ có lợi thế để thúc đẩy doanh số, nâng cao tỷ lệ chuyển đổi và tăng khả năng giữ chân khách hàng nhờ nhanh chóng ứng dụng công nghệ, đơn giản hóa quy trình thanh toán. Việt Nam ở vị thế thuận lợi để tận dụng các cơ hội mở rộng hệ sinh thái ngân hàng mở.

Ông Huy cũng nhấn mạnh, để ngân hàng mở thành công tại Việt Nam, tất cả các bên liên quan (cơ quan quản lý, bên thứ ba và ngân hàng) cần hợp tác để giải quyết các thách thức trong ba lĩnh vực quan trọng.

Nguồn

Exit mobile version