Giá vàng giảm từng ngày
Sau khi giải pháp đấu thầu vàng nhằm “hạ nhiệt” thị trường, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới thất bại, từ ngày 3.6, Ngân hàng Nhà nước triển khai giải pháp mới là bán trực tiếp vàng miếng SJC cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietinbank, Agribank, BIDV, Vietcombank) và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) để các đơn vị này bán vàng tới tay người dân.
Từ ngày 3.6 tới nay, mỗi ngày, giá bán vàng trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước tới 4 ngân hàng kể trên và Công ty SJC đều giảm 1 triệu đồng/lượng so với ngày trước đó.
Cụ thể, giá bán vàng miếng trực tiếp ngày 6.6 của Ngân hàng Nhà nước là 75,98 triệu đồng/lượng, giảm 3 triệu đồng/lượng so với mức giá bán ra 78,98 triệu đồng/lượng của ngày 3.6.
Căn cứ trên mức giá bán ra từng ngày của Ngân hàng Nhà nước, 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC cũng bán vàng tới tay người dân với mức giá giảm dần mỗi ngày; từ mức 79,98 triệu đồng/lượng (ngày 3.6), đến hôm nay 6.6, giá bán là 76,98 triệu đồng/lượng.
Giải pháp bình ổn mới này ngay lập tức tác động tới thị trường vàng, kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới nhanh chóng.
Ngày 6.6: Giá tiếp tục giảm, Ngân hàng Nhà nước bán vàng 75,98 triệu đồng/lượng
Ngày hôm nay 6.6, giá vàng miếng SJC giảm bất chấp đà tăng của kim loại quý trên thị trường quốc tế. Giá vàng miếng SJC hiện chỉ còn đắt hơn vàng thế giới 4,2 triệu đồng/lượng, trong khi đã có thời điểm khoảng cách này lên tới 18 – 20 triệu đồng/lượng.
Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), cho biết thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.
Việc này dẫn tới giá bán vàng của các ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC có thể sẽ còn giảm trong thời gian tới. Vì vậy, người dân cần rất thận trọng khi mua vàng trong bối cảnh giá vàng thế giới đầy biến động như hiện nay.
Cần giải pháp rốt ráo, triệt để hơn cho thị trường vàng
Hiệu quả của giải pháp bình ổn thị trường vàng mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai khá rõ.
Chia sẻ quan điểm tại Diễn đàn cấp cao cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến” diễn ra chiều nay 6.6, tại Hà Nội, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, đánh giá Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã và đang đi đúng hướng nhưng cần quyết liệt hơn trong bình ổn thị trường vàng.
“Giải pháp hiện nay khá tình thế, phải giải quyết rốt ráo, triệt để hơn. Về lâu dài phải tăng lượng cung hợp lý, cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập khẩu”, ông Lực nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này phân tích: “Tính ra lượng vàng nhập khẩu hàng năm không quá nhiều. Nhu cầu vàng của Việt Nam một năm khoảng 50 – 55 tấn thì cũng chỉ 3 khoảng tỉ USD, không phải quá ghê gớm”.
Bên cạnh bỏ đi yếu tố độc quyền trong nhập khẩu vàng, theo ông Lực, cũng cần bỏ độc quyền trong sản xuất vàng miếng và độc quyền thương hiệu vàng SJC.
Nhấn mạnh khía cạnh phải nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng nên cân nhắc khu trú lại thị trường vàng để quản lý chứ không phải quản lý tất cả. “Ví dụ, chỉ quan tâm quản lý một phần vàng miếng thôi. Đi theo hướng đó sẽ có thể giải quyết triệt để vấn đề”, ông Lực nhấn mạnh.
Tương tự, trao đổi với Thanh Niên bên lề diễn đàn, chuyên gia tài chính – ngân hàng Lê Xuân Nghĩa cũng nhìn nhận, việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC chỉ là giải pháp ngắn hạn.
“Cơ bản là phải để cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc mua bán chứ không phải là ngân hàng thương mại. Các doanh nghiệp này vừa mua bán, vừa được phép xuất nhập khẩu vàng, đó mới là cân bằng”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa chia sẻ thêm, bán lẻ vàng không đơn giản, phải có cân tiểu ly, sắm máy quang phổ đo chất lượng vàng; phải giữ, bảo quản vàng… Đó không phải là nghiệp vụ của ngân hàng thương mại.