Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Nhà Trắng chọn chủ mới

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần với tỷ lệ ủng hộ giữa ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên Dân chủ Kamala Harris bám đuổi quá sít sao. Người sẽ nắm quyền lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có những ảnh hưởng sâu rộng đối với thị trường tài chính, thương mại toàn cầu, với trọng tâm là Trung Quốc và Châu Âu.

Dưới đây là những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 4-8/11/2024.

1/BẦU CỬ MỸ

Chu kỳ bầu cử của Mỹ làm rung chuyển các thị trường tài chính suốt nhiều tháng qua cuối cùng cũng đến hồi kết.

Một số nhà giao dịch cho rằng lợi suất trái phiếu kho bạc và đồng USD tăng gần đây là do thị trường dự đoán ông Trump sẽ giành chiến thắng. Nhưng các cuộc thăm dò cho thấy cuộc đua của ông với bà Harris cho kết quả ủng hộ rất sít sao, nghĩa là chiến thắng của đảng Dân chủ có thể gây ra một loạt các cuộc giao dịch đảo chiều.

Một thời gian dài không chắc chắn về Chính phủ Mỹ tạo nên rủi ro đáng kể cho thị trường và các nhà đầu tư lúc này có thể chỉ đang mong đợi một kết quả rõ ràng, lo sợ về một cuộc bầu cử có khả năng gây tranh cãi.

Trong khi đó, bitcoin – loại tài sản mà ông Trump đã tham gia giao dịch- một lần nữa đang tiến gần đến mức cao nhất mọi thời đại.

Bitcoin cao nhất mọi thời đại do dự đoán ông Trump thắng cử.

2/ CUỘC HỌP CỦA FED

Một ngày sau cuộc bầu cử Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ bắt đầu cuộc họp về lãi suất. Vấn đề nan giải trong chính sách tiền tệ là các quyết định của tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ tác động như thế nào đến động lực tăng trưởng và lạm phát.

Hiện tại, dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến đã khiến một số nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu Fed có tính toán sai khi bắt đầu chu kỳ nới lỏng hiện tại bằng đợt cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 9 hay không? Dự kiến sẽ có một đợt cắt giảm khiêm tốn hơn vào thứ năm (7/11), ở mức 25 điểm cơ bản.

Các nhà đầu tư hy vọng tuyên bố của Fed và cuộc họp báo của Chủ tịch Jerome Powell sẽ cho thấy liệu các nhà hoạch định chính sách có tin rằng khả năng phục hồi kinh tế sẽ tiếp tục hay không – và liệu họ có thể cắt giảm lãi suất ít hơn dự kiến hay không? Các hợp đồng tương lai liên quan đến lãi suất chính sách của Fed cho thấy các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất tổng cộng khoảng 120 điểm cơ bản cho các đợt cắt giảm từ nay đến cuối năm.

Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất khi lạm phát về sát mục tiêu.

3/ DỮ LIỆU KINH TẾ TRUNG QUỐC

Trung Quốc sẽ công bố số liệu thương mại tháng 10 vào thứ Năm (7/11), số liệu mà một số người lo ngại có thể sẽ bị ảnh hưởng tùy thuộc vào người sẽ bước chân vào Nhà Trắng.

Với trị giá xuất khẩu hơn 400 tỷ USD hàng năm vào Mỹ, nếu ông Trump thắng cử và áp thuế 60% đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc như cảnh báo thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lĩnh vực xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, trong khi xuất khẩu là một trong những điểm sáng ít ỏi của nền kinh tế Trung Quốc lúc này.

Dữ liệu lạm phát tháng 10 của Trung Quốc dự kiến sẽ được công bố vào ngày 9/11, là báo cáo kết quả kinh tế đầu tiên kể từ sau khi nước này công bố một loạt các biện pháp kích thích kinh tế vào tháng 9/2024 nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát. Dữ liệu này có thể cung cấp thông tin sớm về cách người tiêu dùng Trung Quốc phản ứng với động thái thúc đẩy tăng trưởng khẩn cấp của Chính phủ.

Dữ liệu thương mại của Trung Quốc.

4/ CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG TRÊN THẾ GIỚI CÓ THEO CHÂN FED HAY KHÔNG?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đi đâu, các ngân hàng trung ương khác thường đi theo đó. Nhưng kết quả của cuộc bầu cử Mỹ có thể làm lệch hướng động lực này.

Nếu ông Trump giành chiến thắng – và sau đó là cuộc chiến thương mại có thể xảy ra- sẽ gây áp lực lên các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Lạm phát ở Mỹ tăng và đồng USD mạnh lên có thể buộc Fed phải giảm tốc độ cắt giảm lãi suất, trong khi các ngân hàng trung ương khác phải chật vật với tác động của các khoản thuế bổ sung của Mỹ đối với tăng trưởng kinh tế của họ.

Hiện tại, mọi việc vẫn diễn ra như thường lệ.

Ngân hàng Anh dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào thứ Năm (7/11). Những tác động lạm phát có thể xảy ra do ngân sách mới của chính phủ do đảng Lao động cầm quyền có thể có nghĩa là tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ chậm lại trong năm 2025, bất kể điều gì xảy ra ở Mỹ.

Ở phía nam bán cầu, lạm phát cứng nhắc có nghĩa là hầu như không có khả năng Ngân hàng Dự trữ Úc sẽ cắt giảm lãi suất vào thứ Ba (5/11) và lãi suất có thể sẽ giữ nguyên cho đến năm sau.

Lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn.

5/ QUYẾT ĐỊNH LÃI SUẤT CỦA CÁC NỀN KINH TẾ MỚI NỔI

Mexico được xem là một ‘chong chóng thời tiết” của mối quan hệ giữa Mỹ và thị trường mới nổi. Đồng peso của Mexico đã chạm mức thấp nhất hai năm do những lo ngại về cuộc bầu cử ở Mỹ làm gia tăng những bất ổn trong nước.

Theo một số thống kê, dòng vốn chảy ra khỏi thị trường mới nổi đã đạt mức cao nhất trong hai năm do sự kết hợp của đồng USD mạnh, lợi suất trái phiếu Mỹ cao và mong muốn giảm rủi ro nói chung. Điều đó sẽ làm tăng áp lực lên các ngân hàng trung ương các thị trường mới nổi ở gần và xa nước Mỹ.

Ngân hàng trung ương Brazil, vốn đã giảm lãi suất trước Fed, lúc này đang quay trở lại chu kỳ tăng lãi suất. Các nhà hoạch định chính sách Brazil dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào thứ Tư (6/11), sau khi tăng 25 điểm cơ bản vào tháng 9/2024 lên 10,75%. Các nhà kinh tế dự đoán lạm phát của Mexico kết thúc năm 2024 sẽ cao hơn một chút so với mức mục tiêu chính thức là 4,5%.

Các nhà hoạch định chính sách ở các nước châu Âu mới nổi cũng có thể phải chịu thêm nhiều áp lực. Ngân hàng trung ương Ba Lan – đã giữ nguyên lãi suất trong hơn một năm qua – sẽ công bố quyết định lãi suất vào thứ Tư (6/11) và Cộng hòa Séc dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất vào thứ Năm (7/11).

Đồng peso Brazil giảm giá mạnh.

Tham khảo: Reuters

Nguồn

Exit mobile version