Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Người nuôi heo có cái tết vui?

Sáng sớm đã “cháy” hàng

Sáng 19.12, anh N.V.T (ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) như thường lệ đến chợ đầu mối Hóc Môn để mua hàng bỏ lẻ cho các chợ trong nội thành. Thế nhưng chợ sáng nay “cháy” cả mặt hàng thịt heo. “Tôi mua thịt cốt lết heo nhưng hết sạch luôn. Mấy ngày trước tôi vẫn hay mua lẻ, nhưng hôm nay nhiều sạp không bán nữa mà chỉ bán cả cây. Mới 8 giờ sáng thị trường đã nóng lên, những sạp mối của tôi bán cả trăm con, đến sáng ra đã sạch sẽ”.

Giá thịt heo đang được giao dịch ở mức khá cao

Nhu cầu tiêu thụ tăng cao khiến giá thịt heo tại chợ đầu mối tăng thêm 5.000 đồng/kg. Những mặt hàng đang tăng cao gồm: sườn non (145.000 đồng/kg), ba rọi (105.000 – 115.000 đồng/kg), nạc đùi (90.000 đồng/kg).

Trên cả nước, giá heo hơi mua bán từ người dân và các doanh nghiệp cũng đang tăng khá nhanh. Đơn cử giá heo hơi niêm yết khu vực phía nam của Công ty Chăn nuôi C.P VN đã tăng từ 62.500 đồng vào khoảng 2 tuần trước, hiện đã điều chỉnh tăng lên 66.000 đồng/kg. Nhiều tỉnh, thành khu vực phía bắc đã nâng mức giá giao dịch heo hơi lên 67.000 đồng/kg, chênh lệch từ 1.000 – 3.000 đồng/kg so với các vùng miền khác.

Tiêu thụ thịt heo đang dần hồi phục

Lý giải diễn biến giá heo hơi đang tăng nhanh, ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty C.P VN, phân tích: “Theo thông lệ mọi năm, nhu cầu tiêu thụ thịt heo sẽ tăng cao vào dịp lễ tết. Năm nay tết đến sớm hơn nên ngay từ đầu tháng 12, giá heo hơi đã có dấu hiệu tăng. Thịt heo tiêu thụ mạnh hiện nay vẫn nhờ các đơn vị chế biến thực phẩm đang chủ động tích trữ nguyên liệu để xuất khẩu cũng như cung ứng cho thị trường nội địa vào dịp tết. Trong khi đó, nguồn cung trong nước cũng có giai đoạn bị thiếu hụt, nhất là sau bão số 3 (Yagi) vào tháng 9, đến nay vẫn còn chưa khôi phục được”.

Nhu cầu thịt heo đang tăng mạnh

Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ: “Tỉnh Đồng Nai đang cung cấp ra thị trường tổng sản lượng thịt các loại đạt hơn 601.200 tấn. Trong đó, thịt heo đạt gần 452.200 tấn, tăng gần 4,5% so với cùng kỳ; thịt gia cầm đạt hơn 144.200 tấn, giảm hơn 11,8% so với cùng kỳ. Hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đạt hơn 2 triệu con, tổng đàn gà gần 21 triệu con, đàn trâu bò khoảng 115.000 con… Với tổng đàn trên, bình quân mỗi tháng, Đồng Nai cung ứng cho thị trường 45.000 tấn thịt heo, 14.400 tấn thịt gia cầm và hơn 111 triệu quả trứng. Nguồn cung dồi dào này không chỉ đáp ứng tốt cho nhu cầu người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, mà còn cung cấp một lượng lớn cho các tỉnh thành khác trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025. Giá heo hơi duy trì ở mức cao hiện nay mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà chăn nuôi, trong bối cảnh giá thức ăn đang giảm. Tuy nhiên, điều đáng nói là phần lớn sản lượng thịt heo, gà, trứng chủ yếu do các doanh nghiệp, trang trại quy mô công nghiệp cung ứng; trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sau thời gian dài thua lỗ phải di dời, đóng cửa hoặc trở thành đơn vị gia công cho các công ty lớn”.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu đậu tương trong 11 tháng năm 2024 đạt gần 1,98 triệu tấn, trị giá gần 1,02 tỉ USD, giá trung bình 513,7 USD/tấn, tăng 19,6% về lượng, nhưng giảm 3% kim ngạch và giảm 18,9% về giá so với 11 tháng đầu năm 2023. Riêng tháng 11.2024 đạt 163.416 tấn, tương đương 81,17 triệu USD, giá trung bình 496,7 USD/tấn, giảm trên 26% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 10.2024.

Cảnh giác heo thẩm lậu qua biên giới

Diễn biến giá heo hiện nay đang tạo tâm lý phấn khởi cho những người chăn nuôi. Theo tính toán, giá vốn chăn nuôi heo trung bình của các tập đoàn lớn chỉ khoảng 48.000 đồng/kg, với mức giá bán bình quân hiện nay xấp xỉ 65.000 đồng/kg, các tập đoàn chăn nuôi đang có lãi lớn.

Đối với câu hỏi giá heo hơi dự báo sẽ tăng đến đâu, ông Lê Xuân Huy nhận định: “Thị trường hiện nay đang khá sôi động, nhu cầu tăng cao, tuy nhiên có thể sẽ sớm bước qua giai đoạn thu mua để chế biến, khi đó giá heo hơi sẽ chững lại, có thể đứng ở mức 68.000 đồng/kg. Đối với nhu cầu tiêu thụ của người dân, hộ gia đình thì hiện nay vẫn chưa dự đoán được vì gần đến tết mới có thể biết được, nhưng theo thông lệ mọi năm thì càng gần đến tết, giá heo lại càng giảm”.

Một số chuyên gia chăn nuôi khác cũng nhận định: Việc thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là từ tác động của bão số 3 (Yagi), đã khiến giá heo hơi đứng ở mức cao. Vào thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng cao hơn nên giá heo hơi sẽ khó giảm xuống mức 52.000 – 56.000 đồng/kg như năm ngoái và có khả năng duy trì ở mức 68.000 đồng/kg.

Giá heo trong nước tăng cao như hiện nay là tín hiệu đáng mừng cho người chăn nuôi, tuy nhiên các chuyên gia cũng lưu ý về nguồn cung từ các thị trường xung quanh và chênh lệch giá. Hiện nay, giá heo từ Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc chỉ khoảng 52.000 – 54.000 đồng/kg, thấp hơn VN khoảng hơn 10.000 đồng/kg. Với giá bán này thì chỉ cần vận chuyển sang biên giới, các thương lái có thể đạt mức lợi nhuận 600.000 – 700.000 đồng/con. Trong khi đó, dịp lễ tết ở VN không trùng với các nước xung quanh nên nguồn cung của họ khá dồi dào, khả năng cao sẽ xảy ra tình trạng nhập lậu như mọi năm.

Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc trong nước vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Tại hội nghị ngành thú y vừa diễn ra, Cục Thú y cho biết trong năm 2024, một số loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tăng cao so với năm 2023. Riêng đối với dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm đến hết ngày 15.12, cả nước xảy ra 1.575 ổ dịch, số heo chết và tiêu hủy là 89.341 con. Hiện nay, cả nước có 71 ổ dịch tại 44 huyện của 18 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. So với cùng kỳ năm trước, số ổ dịch tăng 78,97%, số heo bị phải tiêu hủy tăng 2,13 lần. Đây chỉ là con số trên báo cáo, trong khi thực tế nhiều doanh nghiệp chăn nuôi khép kín, khi dịch xảy ra thì ít nhiều cũng chưa báo cáo đầy đủ.

Nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Mặc dù đã có vắc xin dịch tả lợn châu Phi phòng bệnh cho heo thịt, nhưng việc quan tâm, sử dụng vắc xin còn hạn chế. Trong khi đó, một số địa phương cấp huyện, cấp xã nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Việc tổ chức chống dịch, xử lý, tiêu hủy heo bệnh gặp rất nhiều khó khăn do không có đủ lực lượng thú y, thiếu kinh phí mua hóa chất, vôi bột, thuê phương tiện, không có đủ kinh phí cho người tham gia xử lý heo bệnh.

Ông Nguyễn Văn Long (Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN-PTNT)


Nguồn

Exit mobile version