Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ cùng với đơn vị liên quan kiểm đếm, cấp tín chỉ carbon cho ngành trồng dâu nuôi tằm.
Thông tin được Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nêu tại diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói”, ngày 24/11.
Ông Duy đánh giá nhu cầu về phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm trong nước và quốc tế rất lớn. Nhiều địa phương, nhất là khu vực miền núi phía Bắc (Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc) đã chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.
Ông dẫn chứng, các địa phương có diện tích chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập hằng năm khoảng 250-300 triệu đồng mỗi ha. “Như vậy hiệu quả rất lớn so với đất trồng lúa. Trồng dâu nuôi tằm có thể trên đất lúa, đất dốc, đồi… vẫn phát triển tốt”, ông chia sẻ.
Thực tế, trồng dâu nuôi tằm giá trị kinh tế cao, hiệu quả cho môi trường. Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Hợp tác xã Nấm Tam Đảo (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) cho biết trong quá trình khôi phục nghề dâu tằm để lấy nguyên liệu sản xuất đông trùng hạ thảo, hợp tác xã của ông đã tận dụng, sử dụng nguồn vỏ kén tằm phục vụ dệt thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề, nơi phát triển vùng nguyên liệu. Ông mong muốn cơ quan chức năng cấp tín chỉ carbon cho lĩnh vực trồng dâu nuôi tằm để nông dân có thêm thu nhập từ bảo vệ môi trường, hướng tới nông nghiệp xanh.
Tín chỉ carbon (Carbon credit) là một loại hình giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Ở khía cạnh này, Bộ trường Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đánh giá, đầu tư thêm phân bón hữu cơ, an toàn sinh học… quy trình trồng dâu nuôi tằm phát thải rất thấp, thậm chí có thể hướng tới phát thải ròng bằng 0.
“Chúng tôi sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đưa ra công cụ đo kiểm mức phát thải CO2 trong trồng dâu nuôi tằm và có biện pháp để quá trình canh tác đạt mức phát thải ròng thấp nhất”, Bộ trưởng Duy nói.
Trên cơ sở nghiên cứu, các đơn vị liên quan sẽ xây dựng công thức cấp tín chỉ carbon và giao dịch tín chỉ với diện tích trồng dâu nuôi tằm. Việc này góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu tấn tín chỉ carbon tới năm 2025. Hiện nhiều đối tác bày tỏ quan tâm tới chuyển nhượng tín chỉ carbon, theo Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Hiện thế giới có thị trường carbon quốc tế tự nguyện và thị trường carbon nội địa (bắt buộc). Thị trường carbon quốc tế tự nguyện hướng đến nhu cầu tự nguyện giao dịch tín chỉ để phục vụ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm tạo thêm nguồn cung tín chỉ cho thị trường carbon nội địa. Còn thị trường carbon tự nguyện thường dựa trên cơ sở các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia.
Thực tế, lộ trình giảm phát thải trong nông nghiệp được chuẩn bị từ năm 2014, khởi đầu với việc xây dựng tín chỉ carbon tại khu vực Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, dự kiến tới 2028 thị trường tín chỉ carbon chính thức mới vận hành, theo Nghị định 06/2022 về quy định giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam sẽ mất cơ hội nếu e dè mua bán tín chỉ carbon. Họ đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần nhanh chóng đưa ra khung chính sách để thị trường này phát triển.
Gia Chính