Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Ngành du lịch tìm cách giảm phát thải

Từ hạn chế phát chai nhựa đến dùng nhiên liệu bay bền vững, các doanh nghiệp trong ngành du lịch đang tìm cách xanh hóa để bắt kịp xu hướng.

Để giảm tác động môi trường, Lukasz Kozlowski, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành MakeYourAsia – công ty tour cao cấp tại Đông Nam Á và có hoạt động tại Việt Nam – nói công ty ông tiếp cận những thay đổi nhỏ từ việc mỗi ngày phát cho khách tối đa 2 chai nước suối.

“Chúng tôi muốn giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách hạn chế cung cấp nước đóng chai nhựa và khuyến khích khách tiếp nước lại tại các điểm đến”, ông nói tại phiên tọa đàm thuộc Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh 2024 (GEFE) mới đây.

Trong hoạt động lưu trú, ngày càng nhiều khách sạn cung cấp các tùy chọn thay khăn tắm, ga giường chỉ khi được yêu cầu và nước uống trong phòng là loại đóng chai thủy tinh. Thậm chí, có đơn vị lưu ý hạn chế cung cấp các dụng cụ cá nhân.

Tại Nắng Hotel (Phú Quý, Bình Thuận), một bộ bàn chải, kem đánh răng, dao cạo râu sẽ tính phí 10.000 đồng nếu khách yêu cầu. Thông báo của khách sạn nói nhằm khuyến khích mang đồ vệ sinh cá nhân để giúp giảm lượng rác thải nhựa, giảm tải việc thu gom và xử lý rác tại đảo.




Lót ly và bảng thông báo “Reserved” (đã đặt trước) làm bằng nhựa tái chế tại Renaissance Riverside Hotel Saigon. Ảnh khách sạn cung cấp

Gần đây, các sáng kiến mới tiếp tục ra đời. Đầu tháng này, ông Alex Schoell, Tổng quản lý Renaissance Riverside Hotel Saigon, cho hay đã hợp tác với startup tái chế rác PLASTICPeople để “hồi sinh” đồ nhựa dùng một lần thành vật dụng dùng trong chính các nhà hàng và quầy bar của khách sạn như lót ly, biển báo.

Trong hàng không, Vietnam Airlines và VietJet từng tiến hành một số chuyến bay sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Là nhiên liệu nguồn gốc sinh học, SAF có thể pha trộn với nhiên liệu hàng không truyền thống (xăng Jet A hoặc Jet A-1). Hiện SAF được chấp nhận sử dụng theo tỷ lệ pha trộn thường ở mức 50/50 với xăng truyền thống và có thay đổi tùy quy định các quốc gia.

Theo nền tảng dữ liệu trực tuyến Statista (Đức), tác động của du lịch đối với biến đổi khí hậu rất khó đo lường vì không giống như các ngành công nghiệp khác, du lịch không có một sản phẩm cụ thể nào để đánh giá. Ngành này bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như lưu trú, vận tải, điểm tham quan và các công ty lữ hành.

Tuy nhiên, một báo cáo năm 2019 từ Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO) cho biết chỉ riêng khí thải CO2 từ hoạt động vận chuyển liên quan đến du lịch đã đóng góp đáng kể, chiếm 5% lượng khí thải toàn cầu. Đó là chưa kể rác thải tại cơ sở lưu trú từ đồ dùng một lần và tại các điểm đến mà du khách để lại.

Giảm phát thải, hạn chế tác động khí hậu là một phần của xu hướng du lịch bền vững, còn được gọi là du lịch sinh thái, xanh – hình thức du lịch cố gắng có trách nhiệm về các tác động kinh tế, xã hội và môi trường – đang ngày càng phát triển trên thế giới lẫn Việt Nam.

Statista cho biết hơn 80% du khách toàn cầu trong khảo sát năm 2022 nói du lịch bền vững rất quan trọng và sẵn sàng chấp nhận giải pháp khuyến khích. Điều này giúp ngành du lịch sinh thái đạt được quy mô 172,4 tỷ USD.

Đến tháng 7/2023, tỷ lệ khách du lịch toàn cầu tìm kiếm chỗ ở có sự đổi mới bền vững đầy ấn tượng là hơn 50%. Lý do rất đa dạng nhưng phần lớn quan tâm việc giảm tác động môi trường hoặc muốn có trải nghiệm phù hợp hơn với địa phương.

Việt Nam đón hơn 12,7 triệu lượt khách quốc tế trong 9 tháng đầu năm, vượt cả năm 2023. Ông Hợp Phan, Giám đốc Kinh doanh Six Senses Côn Đảo, xác nhận du lịch bền vững không chỉ là xu hướng mà cần thiết do nhu cầu ngày càng cao của du khách đối với các trải nghiệm thân thiện môi trường.

“Với việc du khách chi hàng nghìn USD cho một chuyến đi, chúng tôi khuyến khích họ tham gia vào những trải nghiệm tác động tích cực đến địa phương, nâng cao nhận thức về môi trường”, ông nói.

Ví dụ, resort đưa khách tham gia hoạt động thả rùa biển, theo hợp tác với chính quyền địa phương. Họ còn tập trung thu gom rác và nâng cao nhận thức của khách về việc không xả rác nhựa ra biển, góp phần bảo vệ môi trường sinh sản của rùa.




Các chuyên gia thảo luận về du lịch bền vững tại tọa đàm thuộc Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh 2024. Ảnh: GEFE 2024

Tuy nhiên, giảm phát thải trong du lịch không dễ, theo các chuyên gia. “Có du khách không hài lòng khi chúng tôi thông báo mang sẵn bình đựng cá nhân và không phát nước uống đóng chai nhựa, vốn được cho là tiện, nhẹ và rẻ”, Đại diện một đơn vị chuyên tổ chức các chương trình trải nghiệm thiên nhiên nêu tại tọa đàm của GEFE 2024, chiều 22/10.

Các nhà lữ hành và lưu trú thừa nhận thách thức hàng đầu là tìm điểm cân bằng giữa xanh hóa và duy trì trải nghiệm tốt cho du khách. Thậm chí, trải nghiệm đôi khi nằm ngoài phạm vi kiểm soát của một đơn vị và cần sự hợp tác cộng đồng.

“Dù là chuyến đi ra ngoài phạm vi resort, nếu khách có trải nghiệm không tốt (về vệ sinh môi trường) thì họ cũng mất thiện cảm với cả chuyến đi đến lưu trú chỗ của mình. Do đó, không chỉ cần bảo vệ khu nghỉ dưỡng, mà toàn bộ hòn đảo cũng cần được chung tay gìn giữ”, Hợp Phan nói.

Ông Lukasz Kozlowski cũng cho biết không thể thỏa hiệp với tất cả yêu cầu có thể làm tăng rác thải và ảnh hưởng môi trường. Nếu du khách chọn đi cùng công ty ông, họ phải tuân thủ các nguyên tắc hạn chế sử dụng nhựa và được cung cấp các lựa chọn thay thế thân thiện môi trường.

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tại Chôm Chôm Travel Dorothée Perrault Le Hunsec nhìn nhận rằng để du lịch bền vững hấp dẫn phải chú trọng kể những câu chuyện hay của hành trình, điểm đến để thuyết phục khách có ý thức và hứng thú.

Ngoài ra, chi phí cũng là thách thức. “Không thể nào rẻ được”, ông Hợp Phan đánh giá chung thách thức xanh hóa của ngành lưu trú. Đại diện một công ty lữ hành cho biết việc chuyển sang dùng chai thủy tinh thay thế chai nhựa là bước tích cực nhưng thách thức cho DMC (Destination Management Company). Đây là các doanh nghiệp hỗ trợ việc tổ chức các hoạt động, sự kiện, điểm đến. Dùng chai thủy tinh làm tăng chi phí, khối lượng vận chuyển lẫn hao hụt.

Trong hàng không, SAF có thể đắt 4-5 lần xăng máy bay thông thường, theo đại diện Phòng thương mại quốc tế Singapore.

Dẫu vậy, bà Hélène Burger, Trưởng bộ phận Hợp tác quốc tế và Phát triển bền vững châu Á – Thái Bình Dương của Airbus nói SAF có chi phí cao nhưng cũng mang đến cơ hội lớn.

“Tăng ứng dụng SAF đòi hỏi sự hỗ trợ về chính sách cho các nhà sản xuất và hãng bay, thông qua sự hợp tác, đối thoại giữa các bên liên quan. Hiện chúng ta vẫn ở giai đoạn tự nguyện triển khai, còn nhiều việc phải làm nhưng tiềm năng cũng rộng mở”, bà nói.

Viễn Thông


Nguồn

Exit mobile version