Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Ngành bia ì ạch trong 8 tháng đầu năm

8 tháng đầu năm sản lượng ngành bia giảm gần 4%, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động và khó khăn.

Anh Tuấn, chủ nhà hàng ở Thanh Đa (TP HCM) cho biết doanh thu hai năm gần đây giảm mạnh, đặc biệt sau khi siết chặt quy định nồng độ cồn. Trước đây, bia chiếm 35% nguồn thu của nhà hàng, nhưng nay nó gần như biến mất khiến nhà hàng giảm tới 70% doanh thu.

Theo báo cáo của iPOS – nền tảng cung cấp giải pháp quản lý cho hơn 100.000 doanh nghiệp nhà hàng và quán cà phê, cả nước có 304.700 cửa hàng ăn uống (F&B), giảm gần 4% so với cuối năm ngoái. Khoảng 30.000 cửa hàng đã đóng cửa, trong khi số mở mới rất hạn chế, chủ yếu do sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu và các quy định mới áp dụng.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), chia sẻ ngành bia chịu nhiều ảnh hưởng từ quy định xử phạt nồng độ cồn, kinh tế khó khăn. Ông cho biết 8 tháng đầu năm, sản lượng ngành giảm gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc này ảnh hưởng tới thu ngân sách, tác động đến lực lượng lao động và các ngành phụ trợ như cung cấp nguyên vật liệu và logistics.

Chia sẻ tại họp báo Fi Việt Nam 2024 hôm 10/9, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực và thực phẩm TP HCM, cho hay 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành đồ uống chỉ tăng 0,5%, trong khi ngành thực phẩm tăng mạnh hơn, đạt 7,3%.

Nguyên nhân tiêu thụ đồ uống, trong đó có bia, sụt giảm rõ rệt, theo bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội , do chính sách kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Đồng thời, thói quen tiêu dùng thay đổi khi người dân cắt giảm chi tiêu, chuyển sang nấu ăn tại nhà để tiết kiệm. Ngành đồ uống cũng đối mặt với việc giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Quy trình sản xuất manh mún, công nghệ lạc hậu và sự thiếu liên kết trong chuỗi giá trị khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong cạnh tranh và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

“Hai năm qua, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn trong ngành giảm 6-12% mỗi năm”, ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA chia sẻ. Trong đó, Heineken và Sabeco là hai đơn vị đầu ngành chịu sức ép mạnh nhất.

Báo cáo tài chính của Tập đoàn Heineken (Hà Lan) cũng cho thấy, sản lượng bia toàn cầu của hãng giảm 4,7%, chủ yếu do thị trường Việt Nam và Nigeria. Tại thị trường Việt Nam, sự đi xuống đến từ những khó khăn của nền kinh tế chung và siết chặt của chính sách thổi nồng độ cồn. Cuối tháng 6, Heineken Việt Nam dừng hoạt động nhà máy bia tại Quảng Nam. Với Sabeco, lợi nhuận tăng trở lại so với cùng kỳ, nhưng có nguy cơ giảm mạnh vào những tháng cuối năm khi chính sách cấm tuyệt đối nồng độ cồn thực thi.

Ngoài hai ông lớn trên, nửa đầu năm nay Công ty cổ phần bia Sài Gòn – Miền Tây (WSB) giảm 18% lợi nhuận, chỉ đạt 42 tỷ đồng. Tương tự, Công ty cổ phần bia Sài Gòn – Phú Thọ (BSP) lỗ hơn 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2023 họ lãi 260 triệu đồng.

Để vượt qua các thách thức này, bà Lý Kim Chi cho rằng ngành cần mở rộng mạng lưới kinh doanh và phát triển sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại. Bên cạnh đó, việc cập nhật công nghệ tiên tiến là yếu tố quan trọng để duy trì phát triển bền vững. Triển lãm Fi Vietnam 2024 tại TP HCM vào tháng 10 là nơi để doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, nguyên liệu mới, đa dạng hóa nguyên liệu và xây dựng chuỗi cung ứng.

Ngoài thay đổi theo xu hướng, Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt đề nghị Nhà nước cần hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp ngành bia. “Tôi ủng hộ việc hạn chế lái xe sau khi uống rượu bia, nhưng quy định cần được điều chỉnh phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông tại Việt Nam”, ông Việt nói, thêm rằng ngành đồ uống này sẽ thêm khó khăn, thất thu ngân sách nếu chính sách không được điều chỉnh hợp lý.

Thi Hà


Nguồn

Exit mobile version