Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tập trung tài trợ vốn cho kinh tế xanh

Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đến năm 2050 Việt Nam sẽ đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0.

Đến ngày 31.3, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế

Để hiện thực hóa mục tiêu này, thực hành ESG (môi trường – xã hội – quản trị) là một yêu cầu bắt buộc. Với vai trò trung gian tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngày càng nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính tại Việt Nam áp dụng ESG vào hoạt động thực tiễn để hướng tới thông điệp chung tay vì sự phát triển bền vững. 

Phát biểu tại tọa đàm “Thúc đẩy thực hành ESG trong ngành ngân hàng” do Thời báo Ngân hàng tổ chức chiều 25.7, tại Hà Nội, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xanh và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Qua tổng kết, đánh giá giai đoạn 2014 – 2020 và theo dõi từ năm 2021 đến nay, các tổ chức tín dụng đã có sự thay đổi về nhận thức về phát triển bền vững và thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng. 

Nhiều tổ chức tín dụng, trên cơ sở quy định của Ngân hàng Nhà nước đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để triển khai cho vay các dự án xanh và xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường, xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng.

Đến ngày 31.3, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỉ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

Hơn 991.300 tỉ đồng dư nợ được quản lý rủi ro về môi trường

Về kết quả thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng theo Thông tư 17/2022/TT-NHNN, đến nay sau hơn 1 năm kể từ ngày thông tư có hiệu lực triển khai thực hiện, 100% ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo đã xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng độc lập hoặc lồng ghép trong quy định nội bộ về cấp tín dụng. 

Đã có 17 ngân hàng thương mại thành lập bộ phận chuyên trách để quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Đến ngày 31.3, số dự án, khách hàng đã cấp tín dụng được thực hiện đánh giá quản lý rủi ro về môi trường là 110.371 dự án/khách hàng; số dư nợ được quản lý rủi ro về môi trường đạt 991.378 tỉ đồng.

“Những kết quả trên cho thấy các giải pháp triển khai của ngành ngân hàng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, bền vững, vì lợi ích cộng đồng”, bà Tùng nhấn mạnh.

Khẳng định ESG là xu hướng bắt buộc và ngành ngân hàng cần tiên phong để thực hiện, song theo lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, việc thực hành ESG trong tài chính, ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh, báo cáo thống kê hoạt động tín dụng đối với danh mục phân loại xanh quốc gia. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, các dự án thân thiện với môi trường, các dự án mô hình kinh tế góp phần thực hiện các yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng quốc gia, phát thải thấp…


Nguồn

Exit mobile version