Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Nếu nhà bị hư hại do bão Yagi gây ra sẽ được bồi thường?

Một căn nhà bị đổ sập do ảnh hưởng cơn bão Yagi.

Một ngày sau khi cơn bão Yagi (bão số 3) đổ bộ, những người dân sống tại khu vực cơn bão quét qua vẫn chưa hết ám ảnh. Nhiều người thừa nhận rằng: Hàng chục năm qua, họ chưa từng chứng kiến cơn bão lớn với tác động mạnh đến như vậy.

Tại Hà Nội, ngay cả với những người dân sống tại các tòa chung cư tưởng chừng như an toàn cũng phải trải qua khoảng thời gian chật vật giữ cửa kính, liên tục thấm hút nước ngập rò rỉ từ các khe cửa.Tường bị ngấm, sàn gỗ bung, vỡ cửa kính, bật tung trần trong căn hộ,… là thiệt hại thấy rõ của không ít người dân sống ở chung cư. Đối với người dân sống trong căn nhà đất, tình trạng vỡ, tràn bể nước, bay mái tôn, bật cửa sổ… cũng diễn ra.

Trần nhà vệ sinh bị sập tại căn chung cư ở Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: Đ.A)

Cơn bão Yagi đã để lại thiệt hại không nhỏ đối với nhiều gia đình về tài sản như nhà cửa, xe cộ. Trước thiệt hại về nhà cửa, một số người dân thế chấp căn nhà vay ngân hàng kèm mua bảo hiểm khoản vay đều băn khoăn liệu họ có được phía công ty bảo hiểm bồi thường?

Liên quan đến vấn đề này, ông H.H.N (cán bộ tín dụng tại ngân hàng tư nhân ở Hà Nội) cho rằng: “Phía công ty bảo hiểm sẽ phải bồi thường cho khách hàng mua bảo hiểm khoản vay trong trường hợp cơn bão Yagi gây thiệt hại trong căn hộ. Điều này căn cứ hoàn toàn theo hợp đồng bảo hiểm giữa khách hàng và công ty”.

Tuy nhiên, theo ông H.H.N, “Nhưng tôi chưa từng gặp trường hợp nào khách hàng vay ngân hàng có kèm mua bảo hiểm khoản vay với điều khoản liên quan đến thiệt hại tài sản do bão lũ, thiên tai. Thông thường, hiện nay, bảo hiểm khoản vay mà khách hàng mua sẽ như “bảo hiểm nhân thọ”. Trong trường hợp người đứng vay bị mất khả năng lao động hay qua đời thì phía bảo hiểm có trách nhiệm thanh toán khoản nợ cho khách hàng.

Một bảo hiểm thứ 2 được yêu cầu gần như bắt buộc với các khoản vay mua nhà kể cả căn hộ hay nhà đất, đó là bảo hiểm cháy nổ. Trường hợp căn nhà thế chấp ngân hàng cháy, hư hại thì phía bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi thường tài sản”.

Bàn về vấn đề này, ở góc độ luật sư, ông Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way cho hay: “Trước hết, bão Yagi nói riêng, bão lụt, thiên tai nói chung gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của các tổ chức, cá nhân là sự kiện khách quan, không thể lường trước (

những dự báo chỉ mang tính chất chung, không cụ thể cho tổ chức, cá nhân cụ thể

) và không có lỗi của con người. Do đó, khi bão Yagi gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của các tổ chức, cá nhân thì không thể yêu cầu một người cụ thể bồi thường thiệt hại xảy ra được.

Tiếp theo, để xác định thiệt hại do bão Yagi có thuộc trường hợp được yêu cầu bảo hiểm tùy thuộc vào Hợp đồng bảo hiểm được ký kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm với tổ chức, cá nhân cụ thể”.

Ông Hồi cũng phân tích thêm: “Cũng cần lưu ý rằng, bảo hiểm tài sản trong trường hợp vay vốn ngân hàng không thuộc trường hợp bảo hiểm tài sản bắt buộc, do vậy, các thỏa thuận về phạm vi bảo hiểm, các trường hợp loại trừ do các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng. Thực tế, một số hợp đồng bảo hiểm tôi được tiếp cận thì các đơn vị bảo hiểm đều nêu phạm vi bảo hiểm bao gồm cả thiệt hại về tài sản do thiên tai, bão lũ và đây không thuộc trường hợp loại trừ.

Do vậy, nếu trong hợp đồng bảo hiểm ghi nhận thiệt hại do thiên tai, bão lũ thuộc trường hợp bảo hiểm, không bị loại trừ thì các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tài sản do bão yagi gây ra hoàn toàn có thể yêu cầu đơn bị bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại thực tế do bão Yagi gây ra”.

Trên cơ sở này, ông Hồi khuyến nghị: “Các tổ chức, cá nhân có mua bảo hiểm rủi ro tài sản cần kiểm tra lại phạm vi bảo hiểm, các trường hợp loại trừ trong Hợp đồng bảo hiểm của mình để xác định xem bão lũ nói chung có thuộc trường hợp được bảo hiểm hay không. Trường hợp thiệt hại do bão lũ gây ra thuộc phạm vi bảo hiểm, không bị loại trừ thì có thể liên hệ với đơn bị bảo hiểm để phối hợp lập hồ sơ bảo hiểm để bồi thường thiệt hại thực tế do bão Yagi gây ra”.

Nguồn

Exit mobile version