Điều chỉnh giảm trừ gia cảnh tự động, không cần xin
Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Theo Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành đã được áp dụng từ năm 2020 đến nay, cần đánh giá lại để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện mới.
Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với sự biến động của giá cả, sự gia tăng mức sống dân cư cũng như dự báo cho thời gian tới.
Trong dự thảo mới, Bộ Tài chính còn đề xuất nghiên cứu, điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú.
“Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế của biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp. Cùng đó, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao”, Bộ Tài chính nêu.
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia tài chính Nguyễn Văn Thức, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH BCTC, phân tích: mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế hiện là 11 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc/tháng. Ở các thành phố lớn, lương 11 triệu đồng/tháng không đủ để nuôi bản thân và gia đình cơ bản gồm 2 con.
“Tôi đề xuất mức giảm trừ gia cảnh phải tăng lên ít nhất 18 – 20 triệu đồng/tháng”, ông Thức nói.
Cho rằng mức giảm trừ gia cảnh đang quá thấp, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, mức giảm trừ nên ở khoảng 16 – 18 triệu đồng/tháng trở lên.
Nhấn mạnh điều chỉnh giảm trừ gia cảnh căn cứ theo biến động của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) rất lâu, đợi Quốc hội họp xong, vừa ban hành ra đã lạc hậu, theo ông Thức, nên để mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh tự động, căn cứ theo chỉ số nhất định nào đó, ví dụ như mức lương tối thiểu vùng.
“Mỗi lần lương tối thiểu vùng tăng, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế cũng như người phụ thuộc sẽ tăng với tỷ lệ tương ứng. Ví dụ, luật quy định mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế bằng 4 lần lương tối thiểu vùng và người phụ thuộc bằng 1,5 – 2 lần lương tối thiểu vùng. Như vậy, mỗi lần điều chỉnh giảm trừ gia cảnh không cần trình, không cần xin, lại có thể điều chỉnh linh hoạt theo từng vùng, phân biệt rõ thành thị, nông thôn.
Lương tối thiểu vùng là khác nhau, tỷ lệ điều chỉnh giảm trừ gia cảnh dựa trên lương tối thiểu vùng giống nhau nhưng khi nhân lên số tuyệt đối sẽ khác nhau, thể hiện sự sát sườn, phù hợp với thực tế”, ông Thức nói.
Chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú cũng cho rằng, trong điều chỉnh giảm trừ gia cảnh có thể đưa ra quy định mức giảm trừ gia cảnh được tính bằng 4 lần lương tối thiểu vùng. Mức lương này hiện chia theo vùng, tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM đang ở mức gần 5 triệu đồng/tháng. Như vậy, ở các thành phố lớn, mức giảm trừ nên ở khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Nhấn mạnh cơ chế “nước lên thuyền lên”, ông Tú chỉ rõ: “Lương tối thiểu vùng mỗi năm đều điều chỉnh, nếu mức này tăng lên thì mức giảm trừ gia cảnh tự động tăng lên, không cần xin ai, không cần trình”.
Nên giảm biểu thuế từ 7 bậc xuống 5 bậc
Về biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú, theo ông Tú, biểu thuế hiện tại có 7 bậc là quá dày, làm tăng gánh nặng với người nộp thuế bởi việc chuyển bậc rất nhanh.
“Số bậc trong biểu thuế nên giảm từ 7 bậc xuống còn 5 bậc. Cạnh đó, mức thuế suất cao nhất là 35% phải hạ xuống tối đa chỉ 25%, các bậc còn lại sắp xếp phù hợp để mỗi bậc thuế suất cách nhau 5%. Như vậy, biểu thuế 5 bậc có thể ở các mức thuế suất lần lượt là 5% – 10% – 15% – 20% – 25%”, ông Tú nói.
Nhìn nhận biểu thuế hiện tại quy định ngưỡng thu nhập tính thuế trên 80 triệu đồng/tháng phải chịu mức thuế suất 35% là rất cao, theo ông Tú, điều này không còn phù hợp thực tiễn. Ngưỡng này nên tăng lên gấp đôi, tối thiểu phải đạt 150 – 160 triệu đồng/tháng.
Không cho rằng mức thu nhập tính thuế vượt 80 triệu đồng/tháng phải chịu thuế suất 35% là bất hợp lý, theo ông Thức, thuế thu nhập cá nhân vốn nhằm để điều chỉnh với người có thu nhập cao, đó là chuyện rất bình thường.
“So sánh với nhiều nước có điều kiện tương đồng như Việt Nam, thấy rằng họ đang áp dụng biểu thuế thu nhập cá nhân gồm 5 bậc, mình nên học hỏi cũng giảm từ 7 bậc xuống 5 bậc.
Giảm số bậc và nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao nhằm đảm bảo sự công bằng, điều tiết hợp lý là điểm quan trọng nhất”, ông Thức đánh giá.