Mới đây, Báo Đồng Nai dẫn thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, liên quan đến dự án nâng cấp sân bay Biên Hòa thành lưỡng dụng cấp 4E, Bộ Quốc phòng đã có ý kiến thống nhất về việc bàn giao hơn 50 hecta đất quốc phòng của Quân chủng Phòng không – không quân tại thành phố Biên Hòa cho UBND tỉnh Đồng Nai quản lý để triển khai dự án.
Đồng thời, Bộ Quốc phòng cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Quân chủng Phòng không – không quân xác định lại ranh giới, mốc giới diện tích khu đất dự kiến bàn giao tại thực địa.
Tổ chức kiểm đếm tài sản trên đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bảo đảm kinh phí xây dựng hoàn trả Quân chủng Phòng không – không quân các công trình, doanh trại của các đơn vị bị ảnh hưởng. Cùng với đó, hoàn thành các thủ tục thu hồi, bàn giao đất quốc phòng theo đúng quy định của pháp luật.
Triển khai thực hiện ý kiến nêu trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và môi trường của tỉnh, chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu xử lý.
Trước đó, hồi cuối tháng 9/2024, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không (sân bay) Biên Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, việc lập quy hoạch nhằm tận dụng, phát huy tối đa hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện hữu của sân bay Biên Hòa để khai thác lưỡng dụng, đáp ứng nhu cầu vận tải và kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn khai thác. Quy hoạch, bố trí không gian hợp lý để bảo đảm phát triển sân bay Biên Hòa phù hợp với nhu cầu vận tải hàng không và định hướng theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đề xuất lộ trình đầu tư phù hợp.
Việc lập quy hoạch phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia về hàng không dân dụng, tiêu chuẩn sân bay quân sự và các tiêu chuẩn, khuyến cáo của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO, bảo đảm tính khả thi của quy hoạch. Các nội dung chủ yếu của nhiệm vụ lập quy hoạch gồm: khảo sát, điều tra, thu thập các số liệu cần thiết phục vụ công tác lập quy hoạch; dự báo nhu cầu vận chuyển hàng không; quy hoạch vùng trời, đường bay, phương thức bay phục vụ khai thác sân bay.
Đồng Nai sẽ có hai sân bay khai thác dân sự
Đồng thời, đánh giá khả năng và các phương án quy hoạch cảng, bao gồm khu bay và khu mặt đất cũng như các nội dung liên quan khác; nghiên cứu quy hoạch, bố trí các công trình để phù hợp với nhu cầu khai thác trong tương lai, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xác định tính chất, vai trò, quy mô Cảng cùng các chỉ tiêu cơ bản về đất đai cho thời kỳ quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật; xác định các yêu cầu về bảo vệ môi trường và các yêu cầu khác phù hợp với mục tiêu phát triển cảng; xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch.
Cũng theo quyết định này, phạm vi nghiên cứu quy hoạch sẽ bao gồm khu vực trong ranh giới sân bay Biên Hòa hiện hữu và các khu vực lân cận.
Sân bay quân sự Biên Hòa được xây dựng từ năm 1955, cách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 30km. Từ khi xây dựng đến nay, sân bay Biên Hòa phục vụ cho mục đích quân sự, huấn luyện bay bảo vệ vùng trời và được giao cho Trung đoàn Không quân 935, Sư đoàn 370, Bộ Quốc phòng quản lý sử dụng.
Như vậy, trong tương lai, Đồng Nai sẽ có hai sân bay có thể khai thác các chuyến bay thường lệ – sân bay Biên Hoà và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết thời gian tới, Đồng Nai xác định 5 đột phá phát triển; trong đó, khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành và triển khai dự án sân bay lưỡng dụng Biên Hòa gắn với mô hình đô thị sân bay. Tỉnh hoàn thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu; trong đó, tập trung vào hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng y tế, giáo dục, an sinh xã hội; thúc đẩy phát triển đô thị gắn với định hướng giao thông công cộng (TOD).