Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Muốn tránh phụ thuộc vào khí đốt Nga, bộ đôi khách hàng thân thiết của Moscow tìm đến nước xuất khẩu LNG đứng thứ 2 thế giới nhưng lại gặp vấn đề lớn: Giá quá đắt

Nhiều khách hàng châu Á muốn mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Qatar trong dài hạn với mức giá rẻ hơn, tờ Oilprice đưa tin.

Qatar đang triển khai kế hoạch nhằm tăng 85% năng lực xuất khẩu so với mức hiện tại vào năm 2030. Tập đoàn năng lượng nhà nước QatarEnergy đang triển khai dự án North Field West sau khi khoan các giếng thẩm lượng tại mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới – North Field.

Quốc gia nhỏ bé vùng Vịnh này là nước xuất khẩu LNG lớn thứ 2 thế giới. Gần đây, Qatar đã ký các thỏa thuận kéo dài 27 năm nhằm cung cấp LNG cho nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Á, bao gồm Ý, Pháp, Hà Lan và Trung Quốc.

Tuy nhiên, Qatar thường bán LNG theo các hợp đồng cung cấp dài hạn với giá cao, thường gắn với giá dầu thô Brent, và yêu cầu các cảng giao hàng cụ thể.

Nhưng Trung Quốc và Ấn Độ – hai trong số những nước mua LNG lớn nhất ở châu Á và thế giới, đang tìm kiếm các thỏa thuận và hợp đồng dài hạn rẻ hơn, cho phép linh hoạt về điểm đến. Hai quốc gia này đang tìm cách đa dạng hóa nguồn nhập khẩu năng lượng, tránh phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây thắt chặt.

Ngoài ra, Pakistan, một khách hàng khác của Qatar tại châu Á, có kế hoạch đàm phán lại thỏa thuận cung cấp LNG dài hạn vì nước này muốn giảm chi phí cho nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, Bộ trưởng Dầu mỏ Pakistan Musadik Malik cho biết hồi đầu tháng này.

Tờ báo Pakistan The News trích lời Malik phát biểu vào đầu tháng 2: “Thỏa thuận với Qatar rất tốn kém và chúng tôi sẽ đàm phán các điều khoản tốt hơn vào năm tới”.

Nhìn chung, các hợp đồng LNG ngắn hạn và linh hoạt hơn do các nhà cung cấp là Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Oman đưa ra đã thách thức sự thống trị của Qatar trong việc cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho Bắc Á, các thương nhân cho biết.

Theo Oilprice

Nguồn

Exit mobile version