Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Muốn bán thủy điện để lấy lại Phước Kiển, Quốc Cường Gia Lai đang nắm dự án nào?

Năm 2012, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) đầu tư, đưa vào khai thác 3 tổ máy của dự án thủy điện Iagrai 1 (Gia Lai) với công suất 10,8 MW. Dự án được khởi công xây dựng vào cuối tháng 6/2009, đến tháng 8/2012 thì hoàn thành và chính thức hòa vào lưới điện quốc gia.

Theo bản cáo bạch năm 2010, tổng chi phí đầu tư xây dựng, bao gồm chi phí xây dựng và chi phí mua máy móc, là 245 tỷ đồng.

Sau khi thành công với dự án đầu tiên, Quốc Cường Gia Lai tiếp tục đầu tư vào các dự án Iagrai 2, Pleikeo và Anyun Trung.

Quốc Cường Gia Lai đầu tư nhiều dự án thủy điện. (Ảnh minh họa: QCG)

Trong đó, nhà máy thủy điện IaGrai 2 nằm tại xã la Tô, la Krái, la Grăng, la Khai, huyện la Grai, tỉnh Gia Lai với công suất lắp máy 7,5MW (2 tổ máy công suất 3,75 MW/tổ máy).

Nhà máy thủy điện Ayun Trung nằm tại xã Kon Thụp, huyện Mang Yang và xã Trang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Dự án có công suất lắp máy đạt 13MW.

Còn dự án thủy điện Plei Keo (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) thì có tên trong danh sách 6 dự án thủy điện nhỏ bị UBND tỉnh Gia Lai thu hồi vào năm 2013. Lý do thu hồi là từ khi được cấp phép, dự án không triển khai việc đầu tư xây dựng đúng tiến độ để đi vào hoạt động như đã cam kết. UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu công ty đầu tư triển khai các thủ tục thanh lý dự án theo quy định, hoàn trả diện tích đất như hiện trạng ban đầu.

Đến tháng 4/2023, Quốc Cường Gia Lai đã chuyển nhượng dự án thủy điện Iagrai 1 cho Công ty Cổ phần thủy điện Mặt Trời. Động thái này được cho là do hoạt động kinh doanh không mấy khả quan của Quốc Cường Gia Lai. Thời điểm năm 2022, doanh thu đạt 1.274 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ nhưng lãi ròng chỉ còn 25 tỷ đồng, giảm 62%.

Mới đây, ngày 20/5/2024, hội đồng quản trị Quốc Cường Gia Lai đã ban hành nghị quyết thông qua việc chuyển nhượng dự án nhà máy thủy điện Iagrai 2 và nhà máy thủy điện Ayun Trung nhằm tái cơ cấu đầu tư. Hai nhà máy nêu trên đều do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thủy điện Quốc Cường – một công ty con của Quốc Cường Gia Lai, làm chủ đầu tư.

Trong đó, nhà máy thủy điện Iagrai 2 dự kiến có giá trị chuyển nhượng khoảng 235 tỷ đồng. Điều kiện đi kèm là bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm sử dụng nguyên trạng lực lượng lao động của nhà máy tại thời điểm chuyển nhượng và đảm bảo quy định quyền lợi của người lao động.

Dự án nhà máy thủy điện Ayun Trung được Quốc Cường Gia Lai đưa ra giá trị chuyển nhượng dự kiến là 380 tỷ đồng. Việc chuyển nhượng cả hai dự án dự kiến sẽ diễn ra trong quý II và quý III/2024.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Quốc Cường Gia Lai tổ chức sáng 30/7 tại TP.HCM, Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Cường tiếp tục khẳng định công ty sẵn sàng thoái vốn, bán các dự án thủy điện để tập trung lấy lại 65ha dự án Phước Kiển.

Theo ông Cường, việc chuyển nhượng các dự án thủy điện đang trong quá trình thương thảo với đối tác, dự kiến hoàn thành vào năm nay.

Phước Kiển 91,6 ha là một dự án đáng chú ý nhất của QCG về độ lớn và quy mô. Tháng 3/2017, QCG và CTCP Đầu tư Sunny Island (Sunny) đã ký với nhau hợp đồng mua bán liên quan đến Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển tại huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Theo hợp đồng, Sunny sẽ phải chuyển cho QCG số tiền 4.800 tỷ đồng theo lộ trình và QCG có nghĩa vụ chuyển nhượng phần đất tương ứng với số tiền đã nhận. Tuy nhiên, mâu thuẫn xảy ra khi Sunny chỉ giải ngân đến 2.882 tỷ đồng thì dừng lại.

Sau khi quá hạn chuyển tiền, QCG đã nộp đơn khởi kiện lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) vào cuối năm 2020 để giải quyết tranh chấp. Mong muốn của QCG là trả lại toàn bộ 2.882 tỷ đồng đã nhận từ Sunny, đổi lại phía Sunny phải chuyển nhượng lại toàn bộ phần đất đã nhận.

CEO mới của Quốc Cường Gia Lai khẳng định: ”

Phước Kiển rất tiềm năng, ở vị trí rất đẹp, sát bên Phú Mỹ Hưng, đang có rất nhiều đối tác trong và ngoài nước quan tâm. Quốc Cường Gia Lai đang đàm phán với nhiều đối tác về phương án triển khai. Nhưng việc ban đầu quan trọng nhất là phải lấy dự án về, hoàn thiện tất cả các thủ tục mới có thể ngồi xuống nói chuyện hợp tác với đối tác

“.

Theo ông Cường, QCG sẽ làm mọi cách có đủ số tiền hơn 2.880 tỷ đồng nhằm thu hồi lại toàn bộ dự án Phước Kiển. Nguồn tiền bao gồm bán 3 dự án thủy điện khoảng gần 1.000 tỷ đồng, đồng thời xử lý hàng tồn kho bất động sản cũng khoảng 1.000 tỷ đồng. Số còn lại sẽ là nguồn thu từ mở bán các dự án mới. Trường hợp nếu không huy động đủ thì tiếp tục thoái vốn tại một số công ty.

Liên quan vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Hội đồng xét xử buộc Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại toàn bộ 2.883 tỷ đồng đã nhận từ bà Trương Mỹ Lan, trong vụ chuyển nhượng dự án Phước Kiển.

Đồng thời, Hội đồng xét xử tiếp tục kê biên các bất động sản liên quan đến Quốc Cường Gia Lai để đảm bảo nghĩa vụ của công ty. Hơn 15 quyền sử dụng đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM tiếp tục bị kê biên để giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng kê biên 475 bất động sản liên quan đến Quốc Cường Gia Lai bao gồm 301 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 21 hợp đồng công chứng, 147 Thỏa thuận bồi thường các thửa đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè thuộc dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển cùng 6 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM.

Hội đồng xét xử sơ thẩm cũng tuyên nếu Công ty Quốc Cường Gia Lai hoàn đủ 2.883 tỷ đồng sẽ được nhận lại toàn bộ các bất động sản cùng giấy tờ liên quan.

Nguồn

Exit mobile version