Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay nhà đầu tư Masayoshi Son đã cam kết chi 100 tỷ USD cho trí tuệ nhân tạo và công nghệ ở Mỹ sau khi gặp mặt với ông Donald Trump. Tuy nhiên điều trớ trêu là bản thân Masayoshi Son không có sẵn 100 tỷ USD tiền mặt, tổng tài sản của nhà đầu tư này cũng chỉ vào khoảng 33,3 tỷ USD.
Bởi vậy để thực hiện được điều này, Masayoshi Son sẽ buộc phải đi gọi vốn hoặc vay nợ ở mức khổng lồ chưa từng thấy, thậm chí phải bán bớt tài sản trong bối cảnh quỹ đầu tư của ông gặp nhiều khó khăn.
Bất chấp điều đó, Masayoshi Son vẫn sẽ thực hiện canh bạc để đời này sau khi nhìn vào tấm gương Elon Musk.
Canh bạc để đời
Đầu năm 2024, tỷ phú Elon Musk đã gặp vô vàn rắc rối khi ngành xe điện giảm nhiệt, đồng thời đối mặt với dòng lũ sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc. Thế rồi câu chuyện kiện cáo liên quan đến cổ phần thưởng tại Tesla, những lùm xùm quanh thương vụ mua lại Twitter… đã khiến nhiều người hoài nghi nhà sáng lập này.
Tuy nhiên nhờ canh bạc đặt cược vào ông Donald Trump mà Elon Musk bất ngờ xoay mình trở thành doanh nhân quyền lực nhất thế giới theo xếp hạng của tờ Fortune.
“Nếu ông Donald Trump thua, tôi sẽ tiêu đời”, tỷ phú Elon Musk từng thừa nhận.
Canh bạc thành công của Elon Musk hiện đang được nhiều tỷ phú học tập theo. Mới đây, CEO Mark Zuckerberg của Meta (Facebook) đã quyên góp 1 triệu USD cho lễ nhậm chức của ông Donald Trump. Ngay sau đó Jeff Bezos của Amazon cũng xác nhận khoản tiền 1 triệu USD cho lễ nhậm chức này. Thế rồi CEO Sam Altman của ChatGPT cũng tuyên bố khoản tiền quyên góp tương đương.
Hàng loạt doanh nhân, từ CEO Sundar Pichai của Alphabet (Google) cho đến CEO Shou Zi Chew của TikTok đều muốn gặp mặt ông Donald Trump.
Thế nhưng chưa có doanh nhân nào chơi được canh bạc lớn như Masayoshi Son khi quyết định đổ 100 tỷ USD, tức nhiều gấp 3 tổng tài sản của bản thân, vào một dự án chưa chắc chắn để làm hài lòng ông Donald Trump.
Theo WSJ, đây là một món quà của Masayoshi Son trước lãnh đạo mới của nước Mỹ, thế nhưng cách đây 8 năm, nhà đầu tư này cũng đã từng cam kết khoản tiền 50 tỷ USD và tạo ra 50.000 việc làm khi ông Donald Trump lần đầu đắc cử vào năm 2016. Cho đến hiện tại, những lời hứa 8 năm trước của Masayoshi Son vẫn chưa có kết quả rõ ràng.
“Tổng thống Trump là một tổng thống quyết liệt,” Masayoshi Son tuyên bố vào ngày 16/12/2024 khi đứng cạnh ông Donald Trump tại một cuộc họp báo ở Mar-a-Lago.
Bên cạnh khoản tiền 100 tỷ USD, bản thân Masayoshi Son lại một lần nữa cam kết tạo ra 100.000 việc làm, gấp đôi con số mà ông từng hứa cách đây 8 năm ở cùng một sự kiện.
Thậm chí ngay trong sự kiện ngày 16/12, ông Donald Trump đã yêu cầu Masayoshi Son tăng gấp đôi số tiền lên 200 tỷ USD.
“Tôi sẽ cố gắng, nhưng tôi cần sự hỗ trợ của ngài”, ông Masayoshi Son mỉm cười đáp.
Xin được nhắc chính quyền của ông Donald Trump có thể có những thay đổi lớn về chính sách gây ảnh hưởng sâu rộng trong mảng công nghệ và khởi nghiệp, vốn là mảng đầu tư chính làm giàu cho Masayoshi Son.
Ngành công nghiệp này phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách liên bang trong các lĩnh vực bao gồm thương mại toàn cầu, sáp nhập, đầu tư nước ngoài và tiền điện tử.
Theo WSJ, tập đoàn Softbank của Masayoshi Son gặp rất nhiều tổn thất khi kế hoạch sáp nhập giữa Sprint do SoftBank sở hữu và T-Mobile vấp phải sự phản đối từ chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.
Tuy nhiên sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền vào năm 2016, thương vụ sáp nhập này đã được thông qua.
Hiện tài sản lớn nhất của Softbank là Arm, một công ty thiết kế chip vốn bị ảnh hưởng lớn từ trợ cấp, thuế quan cũng như các chính sách của Mỹ với Trung Quốc.
Ngoài ra, SoftBank cũng có cổ phần tại ByteDance, vốn đang phải đối mặt với lệnh cấm TikTok của Mỹ nếu không bán hoặc thay đổi quyền sở hữu trước tháng 1/2025.
Tại cuộc họp báo ngày 16/12, ông Donald Trump cho biết ông sẽ “xem xét trường hợp của TikTok”.
Bên cạnh đó, Masayoshi Son còn sở hữu cổ phần tại nhiều công ty trong lĩnh vực xe tự hành, một lĩnh vực cần được sự hậu thuẫn của chính phủ trong vấn đề xây dựng khung pháp lý.
Bởi vậy theo chuyên gia phân tích Kirk Boodry tại Astris Advisory, những động thái của Masayoshi Son được cho là không khác gì cam kết năm 2016 nhưng có thể hữu ích khi muốn tạo mối quan hệ chặt chẽ với ông Donald Trump.
Cổ phiếu của Softbank đã tăng 4,4% sau tuyên bố ngày 16/12 của Masayoshi Son.
Tuy nhiên, đây cũng được cho là một bước đi nguy hiểm nếu thực hiện bởi lượng vốn đầu tư khổng lồ mà Masayoshi Son hiện không có, còn nếu không làm gì thì chẳng khác gì lời hứa suông và là sự xúc phạm với ông Donald Trump.
Không có tiền
Bản thân Masayoshi Son từ lâu đã nổi tiếng là một “con bạc” trong làng công nghệ và hiếm khi e ngại việc thiếu tiền cho các dự án. Tỷ phú người Nhật Bản này rất thích rủi ro khi liên tục vay nợ để đặt cược vào các công ty công nghệ trong cơn sốt dot-com cuối thập niên 1990.
Sau khi trở thành người giàu nhất thế giới để rồi mất 99% tài sản do bong bóng dot-com xì hơi, Masayoshi Son tiếp tục đặt cược thành công vào Yahoo và Alibaba. Nhà đầu tư này cũng sử dụng hàng núi tiền vay nợ để mua lại chi nhánh Vodafone Nhật Bản và biến chúng thành công ty đầu tiên giới thiệu iPhone tại đây, qua đó thu về thành công lớn.
Tuy nhiên với canh bạc 100 tỷ USD lần này, Softbank sẽ cần nỗ lực rất nhiều trừ phi không muốn lặp lại sự thất hứa của năm 2016.
Số liệu của S&P Global Market Intelligence cho thấy tính đến ngày 30/9/2024, Softbank có khoảng 30 tỷ USD tiền mặt và 142 tỷ USD nợ.
Bản thân Masayoshi Son đã cam kết giữ phần lớn số tiền mặt đó làm dự trữ trong trường hợp suy thoái và cũng cam kết tránh gánh thêm nhiều khoản nợ hơn nữa. Thế nhưng cam kết này khó lòng giữ được nếu Softbank thực hiện dự án 100 tỷ USD trên.
Nguồn tin của WSJ cho hay Masayoshi Son sẽ huy động vốn từ nhà đầu tư bên ngoài nhưng danh tiếng của vị tỷ phú này đã bị ảnh hưởng sau khi quỹ Vision Fund trị giá 100 tỷ đô la của SoftBank ra mắt năm 2017 vấp phải hàng loạt thất bại.
Những bê bối từ Katerra, công ty cho vay Greensill Capital và Zume đã khiến uy tín của Masayoshi Son không còn như trước.
Đặc biệt vết đen lớn nhất của ông đến từ công ty khởi nghiệp không gian văn phòng WeWork, vốn đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau khi SoftBank rót hơn 16 tỷ USD thông qua Quỹ Vision Fund và các nguồn khác.
Sự tham gia của Masayoshi Son vào WeWork bắt đầu từ 8 năm trước khi ông gặp người đồng sáng lập WeWork Adam Neumann trong chuyến tham quan văn phòng tại Manhattan kéo dài khoảng 15 phút, sau đó ông đồng ý đầu tư hơn 4 tỷ USD vào công ty.
“Tôi đã mắc sai lầm”, Masayoshi Son thừa nhận năm 2019.
Hậu quả của sự thất bại này là khi Masayoshi Son cố gắng huy động quỹ Vision Fund thứ hai, các nhà đầu tư đã từ chối ông.
Quay trở lại câu chuyện 100 tỷ USD và tạo ra 100.000 việc làm, lời cam kết này của Masayoshi Son có thể nhận được sự hữu nghị từ Donald Trump nhưng chúng lại tùy thuộc vào hình thức đầu tư của Softbank.
Tờ WSJ cho hay ngành công nghệ, đặc biệt là trí thông minh nhân tạo (AI) nổi tiếng là không tạo ra nhiều việc làm bởi nâng cao hiệu suất, tiết kiệm chi phí nhân lực là một trong những kết quả của việc cải tiến kỹ thuật.
Bản thân SoftBank chỉ có 65.000 nhân viên còn đơn vị chip Arm của công ty chỉ có 7.000 nhân viên. Con số tương đương với Meta, công ty thành lập cách đây 20 năm với tổng vốn hóa 1,6 nghìn tỷ USD nhưng chỉ có 72.000 lao động.
Nguồn tin của WSJ cho hay Masayoshi Son có kế hoạch đầu tư vào các trung tâm dữ liệu và nguồn năng lượng mới tại Mỹ, nhưng những mảng này không cần nhiều nhân lực. Các trung tâm dữ liệu AI có thể cần đến vài chục nhân viên.
Bởi vậy liệu canh bạc của Masayoshi Son có thành công như Elon Musk hay không thì có lẽ chỉ có thời gian mới trả lời được.
*Nguồn: WSJ