Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Malaysia, Indonesia chen chân vào thị trường sầu riêng Trung Quốc, Việt Nam sẽ ở đâu?

Theo tờ Bangkok Post của Thái Lan, chủ nhật tuần trước (ngày 25.8), lô hàng sầu riêng tươi của Malaysia với trọng lượng 20 tấn đã hạ cánh xuống sân bay Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Đây là dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên sầu riêng tươi của Malaysia xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Sầu riêng Malaysia hướng đến phân khúc cao cấp ở thị trường Trung Quốc.

Các nước Đông Nam Á đang đua nhau khai thác thị trường sầu riêng Trung Quốc

Bên cạnh Malaysia, Indonesia cũng đang thúc đẩy đàm phán xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc. Việc đàm phán đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa đạt được sự thống nhất. Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia và Trung Quốc đã thảo luận về chủ đề này trong cuộc làm việc tại Bắc Kinh.

Trước đó, năm 2023, Trung Quốc đã mở cửa cho trái sầu riêng của Philippines. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, nguồn cung sầu riêng của Philippines năm 2023 đạt 3.763 tấn, tương đương kim ngạch 13,3 triệu USD. Còn trong 4 tháng đầu năm 2024, lượng sầu riêng của Philippines đạt 1.778 tấn, tương đương giá trị 5,8 triệu USD. Dù lượng xuất khẩu tăng 607% và giá trị tăng 474% nhưng giá xuất khẩu trung bình giảm gần 19%.

Sầu riêng Việt Nam có lo mất thị phần?

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), phân tích: Sầu riêng đông lạnh của Malaysia đã có mặt ở Trung Quốc từ trước và đúng là sầu riêng tươi chỉ mới đây với tổng số lượng 40 tấn thì… “chưa đáng kể”. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất sầu riêng của Malaysia đi khắp thế giới chỉ khoảng 450 triệu USD cũng không phải là con số lớn so với Thái Lan và Việt Nam, do sầu riêng của Malaysia có đặc thù canh tác khác. Ví dụ, thế mạnh của nước này thu hoạch sầu riêng rụng và cấp đông, không phải tươi như Việt Nam và Thái Lan hiện tại.

Còn đối với Indonesia, hiện nay việc đàm phán cũng chưa kết thúc. Là nước có diện tích trồng sầu riêng khá lớn nhưng nhu cầu nội địa cũng cao nên trước đây chưa quan tâm nhiều đến xuất khẩu. Việc họ không có đường bộ với Trung Quốc cũng là hạn chế trong việc cạnh tranh ở phân khúc sầu riêng tươi so với Việt Nam và Thái Lan. Nếu đi đường hàng không thì chi phí cao mà đường biển thì mất nhiều thời gian không đảm bảo độ tươi ngon của sản phẩm. Như vậy, con đường hiệu quả kinh tế của họ có thể là sầu riêng đông lạnh.

Hiện tại, sầu riêng tươi vẫn là phân khúc chiếm thị phần lớn nhất ở Trung Quốc tới 7/8 tổng nhu cầu thị trường. Ở phân khúc này, lợi thế về vị trí địa lý giúp sầu riêng Việt Nam có ưu thế vượt trội. Thái Lan – đối thủ của Việt Nam ở phân khúc này hiện vẫn là nhà cung cấp sầu riêng tươi lớn nhất ở Trung Quốc và chất lượng luôn được nâng cao. Song, Thái Lan cũng gặp bất lợi hơn Việt Nam về giao thông.

Ở phân khúc đông lạnh chiếm 1/8 dung lượng thị trường còn lại, Việt Nam cũng mới ký được nghị định thư với Trung Quốc. Ngoài vấn đề chất lượng sản phẩm nguyên liệu thì công nghệ đông lạnh sẽ là “vũ khí” quyết định. Ở khâu này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có tiềm lực để tham gia cuộc đua với các nước. Tuy nhiên, nếu thị trường chuyển nhanh sang hướng này thì Việt Nam sẽ mất dần lợi thế sầu riêng vụ nghịch. Đây là điều mà Thái Lan mong muốn nhất.


Nguồn

Exit mobile version