Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Livestream bán hàng thu trăm tỉ phải nộp thuế như thế nào?

Chia sẻ tại tọa đàm “Kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh thương mại điện tử do Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Công ty cổ phần MISA (MISA) tổ chức ngày 2.8 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA, cho biết cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ.

Đặc biệt, có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục 100 – 150 tỉ đồng. Đây là cơ hội lớn cho các nhãn hàng gia tăng doanh thu và thúc đẩy kinh tế chung của toàn xã hội.

Theo Chủ tịch VTCA Nguyễn Thị Cúc, hiện nay, việc quản lý thuế thương mại điện tử vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì tính tuân thủ của người nộp thuế chưa cao

Tuy nhiên, bà Cúc chỉ rõ, hiện nay, việc quản lý thuế thương mại điện tử vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì tính tuân thủ của người nộp thuế chưa cao. Cạnh đó, nhiều hình thức bán hàng online đang thu tiền trực tiếp qua shipper, vì vậy, cơ quan thuế khó có thể quản lý được dòng tiền.

Bà Cúc cũng nhắc tới thực tế nhiều người muốn tuân thủ việc nộp thuế nhưng lại chưa hiểu biết về pháp luật.

Liên quan tình trạng nhiều cá nhân kinh doanh thương mại điện tử chưa kê khai và nộp thuế, đại diện Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) khi trao đổi với báo chí bên lề sự kiện đã cho rằng, nhiều khi là do họ chưa nắm rõ quy định.

“Rất nhiều lực lượng trẻ tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, khi tham gia họ chưa hiểu biết hết được; công tác tuyên truyền cũng chưa đến được hết người kinh doanh”, vị này nói.

Hai hình thức nộp thuế của người livestream

Nhấn mạnh công tác thông tin truyền thông nhằm giúp người bán hàng nắm được chính sách về thuế rất quan trọng, bà Cúc nêu rõ, theo quy định của pháp luật về thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số liệu kê khai.

Đối với nhãn hàng phải kê khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thực tế chốt đơn hàng bán được.

Đối với người livestream nộp thuế theo hai hình thức: nếu cá nhân đăng ký nộp thuế với hộ cá nhân kinh doanh thì nộp thuế 7% trên hoa hồng nhận được từ nhãn hàng (5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân).

Theo quy định của pháp luật về thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số liệu kê khai

Nếu cá nhân không đăng ký kinh doanh, coi như làm thuê cho nhãn hàng thì nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần từ 5 – 35%; nhãn hàng tạm khấu trừ thuế 10% trên hoa hồng trước khi chi trả cho cá nhân, nộp vào ngân sách nhà nước và cá nhân có trách nhiệm tự khai quyết toán thuế năm với cơ quan thuế.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng giám đốc TikTok Việt Nam, chia sẻ mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết đang rất phổ biến trên tính năng thương mại điện tử TikTok Shop.

Kinh doanh trên thương mại điện tử, đơn vị bán hàng sẽ nộp các loại thuế tùy thuộc đăng ký loại hình kinh doanh (cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp) để kê khai thuế. Các pháp nhân này đóng thuế theo đúng quy định của luật Quản lý thuế. Đơn vị kê khai mở tài khoản trên TikTok đã chủ động kê khai loại hình pháp nhân.

“TikTok Shop không có quyền và trách nhiệm khấu trừ thuế từ nhà bán hàng. Vì vậy, TikTok Shop không thực hiện kê khai và nộp thuế thay nhà bán hàng. Tùy từng trường hợp cụ thể, TikTok Shop sẽ làm việc với cơ quan thuế khi có yêu cầu dựa trên quy định hiện hành”, ông Thanh nói.

Bà Bùi Thị Trang, Giám đốc Khối Nền tảng kế toán dịch vụ (MISA), cho biết dựa trên quá trình tìm hiểu và nắm bắt khó khăn của hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử trong vấn đề thực hiện nghĩa vụ thuế, MISA đã phát triển bộ giải pháp toàn diện kết nối trực tiếp với các sàn thương mại điện tử.

Theo đó, dữ liệu được đồng bộ vào phần mềm bán hàng để quản lý hàng hóa, tồn kho và doanh thu từ nhiều kênh, tích hợp với hóa đơn điện tử, chữ ký số và phần mềm kế toán của MISA, tự động xuất hóa đơn và truyền dữ liệu lên cơ quan thuế, thực hiện các nghĩa vụ kê khai, báo cáo thuế…

“Kinh doanh thương mại điện tử cần tuân thủ chặt chẽ nghĩa vụ thuế, tránh trốn thuế. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, nhãn hàng, sàn thương mại điện tử mà còn ảnh hưởng tới cả số thu ngân sách nhà nước.

Nếu gặp khó khăn trong việc nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh có thể tìm đến các đơn vị kế toán dịch vụ hoặc đại lý thuế chuyên nghiệp để được hỗ trợ nghiệp vụ”, bà Cúc gợi mở thêm.

Theo Tổng cục Thuế, số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử 6 tháng đầu năm như sau: doanh thu quản lý là 1,8 triệu tỉ đồng; số thuế đã nộp là khoảng 50.000 tỉ đồng, tăng 23% so với số thuế bình quân 6 tháng năm 2023.

Năm 2023, doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỉ đồng, số thuế đã nộp là 97.000 tỉ đồng.


Nguồn

Exit mobile version