Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Làm sạch xây dựng không phép

Ngay từ đầu năm 2023, không riêng Ðồng Nai, các địa phương thuộc tỉnh Bình Dương đã liên tiếp triển khai lực lượng ra quân kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng cũng như lập kế hoạch cưỡng chế, tháo dỡ các công trình xây dựng không phép, sai phép gây bức xúc dư luận.

Gần 20 căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: THẢO NGUYỄN

Nhận diện điểm nóng

Theo ghi nhận, ở Bình Dương, các địa phương như thị xã Tân Uyên, TP Thuận An là nơi tình trạng xây dựng không phép, sai phép diễn ra phức tạp dù địa phương và ngành chức năng đã quyết liệt trong xử lý cũng như đưa ra hàng loạt giải pháp chấn chỉnh. Ông Lê Văn Hậu, Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Tân Uyên, cho biết năm 2022, đơn vị phối hợp với các lực lượng kiểm tra gần 1.500 công trình, trong đó có 93 công trình sai giấy phép xây dựng, 52 công trình không có giấy phép xây dựng. UBND thị xã đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 145 trường hợp này với số tiền trên 2,4 tỉ đồng. “Tuy thị xã Tân Uyên là một trong những địa phương rất quyết liệt trong công tác xử lý công trình xây dựng không phép, sai phép, việc này không chỉ góp phần chỉnh trang đô thị mà còn đưa Tân Uyên sớm trở thành đô thị loại II trước năm 2025 nhưng phải thừa nhận tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phức tạp vì quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở nơi đây” – ông Hậu nhìn nhận.

Tại TP Thuận An, thống kê của địa phương này cho thấy trong năm 2022, các ngành chức năng đã phối hợp kiểm tra 966 trường hợp, kết quả đã xử phạt 125 trường hợp vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt khoảng 3,8 tỉ đồng. Cũng như thị xã Tân Uyên, lãnh đạo TP Thuận An cho rằng dù đã rất quyết liệt trong kiểm tra, xử lý nhưng nơi đây vẫn là điểm nóng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng vì làm không xuể.

Một công trình xây dựng tại phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai bị cưỡng chế, tháo dỡ. Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Ở Ðồng Nai, ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, khẳng định nhờ kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm cũng như cán bộ buông lỏng, với phương châm “không có bao che, nể nang hoặc né tránh” nên tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn cơ bản được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận việc xây dựng không phép, sai phép vẫn còn diễn ra phức tạp, nhất là những công trình lén lút thi công vào ban đêm.

Vi phạm xây dựng “nóng” nhất ở Ðồng Nai có lẽ là huyện Nhơn Trạch, cụ thể là thị trấn Hiệp Phước và xã Vĩnh Thanh. Bằng mắt thường ai cũng có thể nhìn thấy dưới 2 đường dây điện 220 KV và 110 KV, các dãy nhà xây dựng không phép mọc lên nhan nhản trên các thửa ở khu phố Mỹ Khoan, thị trấn Hiệp Phước. Còn tại xã Vĩnh Thanh, khu vực đất thuộc tờ bản đồ số 68, 70, thuộc ấp Chính Nghĩa giáp với rừng Sác vốn là đất nuôi trồng thủy sản nhưng nhiều công trình hạ tầng ngang nhiên mọc lên, với mục đích để phục vụ phân lô bán nền trái phép. Theo đó, ngoài 2 cây cầu bê-tông, trên diện tích các thửa đất thuộc tờ bản đồ số 68, 70, một tuyến đường được mở rộng, đổ bê-tông, ôtô có thể đi vào từng thửa đất. Tình trạng này khiến người dân địa phương bức xúc.

Cưỡng chế, tháo dỡ hàng trăm công trình

Ông Huỳnh Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thanh, cho hay địa phương đã lập tức vào cuộc và hiện đã tháo dỡ, khôi phục lại hiện trạng ban đầu trên toàn bộ diện tích đất vi phạm nêu trên. Liên quan đến vi phạm ở thị trấn Hiệp Phước, lãnh đạo địa phương này thông tin đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt và thực hiện cưỡng chế, trả lại hiện trạng ban đầu. Ðến nay, đã cưỡng chế 2 trường hợp, còn 4 trường hợp đang hoàn thiện thủ tục để thực hiện một cách sớm nhất.

Giữa tháng 2, lực lượng chức năng phường Trảng Dài, TP Biên Hòa đã cưỡng chế 2 công trình nhà ở, trong đó có 1 công trình xây lén lút vào ban đêm. Cụ thể, tại công trình xây dựng không phép thuộc địa bàn khu phố 5, chủ công trình đã thuê thợ xây dựng vào nhiều buổi tối và che tôn kín cao phía bên ngoài để tránh sự kiểm tra, phát hiện của lực lượng trật tự đô thị. Lực lượng chức năng đã tháo dỡ toàn bộ công trình, trả lại hiện trạng đất ban đầu. Cách đó không xa, lực lượng chức năng của phường cũng đã cưỡng chế công trình nhà ở tại khu phố 3A khi công trình này đang trong quá trình hoàn thiện.

Tương tự, tại phường Hóa An (TP Biên Hòa), lực lượng chức năng cũng đã cưỡng chế, tháo dỡ 1 công trình nhà ở vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp tại thửa đất số 185, 186 tờ bản đồ số 32, khu phố Cầu Hang với diện tích 100 m2. Hiện trạng công trình là nhà ở có kết cấu tường gạch chắc chắn, được bao bọc bằng tôn xung quanh và khẩn trương xây dựng vào ban đêm. Thống kê của UBND TP Biên Hòa còn cho thấy năm 2022, UBND các phường, xã trên địa bàn đã xử lý, tháo dỡ 242 căn nhà xây dựng không phép. Trong đó, 3 phường thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm nhiều nhất là phường Trảng Dài với 78 trường hợp, phường Long Bình 76 trường hợp, phường Phước Tân 62 trường hợp.

Ở Bình Dương, ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên, nhấn mạnh theo kế hoạch hôm nay (28-2), địa phương sẽ tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ gần 20 căn nhà trên đất nông nghiệp ở khu phố Khánh Long, phường Tân Phước Khánh.

Nói rõ hơn về vụ việc trên, lãnh đạo phường Tân Phước Khánh cho hay chủ nhân của những căn nhà trên là ông T.T.V. “Mặc dù được UBND phường nhắc nhở, lập biên bản nhưng người này vẫn ngang nhiên xây gần 20 căn nhà trên đất nông nghiệp. Khi chúng tôi tới nhắc nhở rồi lập biên bản, yêu cầu dừng thi công và buộc phải tự tháo dỡ công trình vi phạm thì người này rất kiêu ngạo và tự tin quen biết rộng. Ðến thời điểm này, chủ đầu tư đã xây dựng nhiều căn hoàn thiện, nhiều căn đang dở dang. Việc cưỡng chế, tháo dỡ là để làm gương cho những trường hợp khác” – lãnh đạo UBND phường Tân Phước Khánh nhấn mạnh.

Chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm

Theo ông Lê Văn Hậu, gian nan nhất vẫn là tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp. UBND thị xã Tân Uyên cũng đã đưa ra quy định rất rõ ràng: Các công trình không phép xây dựng sau ngày 10-1-2014 thì bắt buộc tháo dỡ, nếu không tự nguyện thì sẽ tiến hành cưỡng chế. Riêng địa phương nào để các công trình xây dựng không phép mới mọc lên sẽ làm rõ trách nhiệm người đứng đầu và cán bộ quản lý lĩnh vực trên địa bàn để có hướng xử lý thỏa đáng, nghiêm minh…

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, nhấn mạnh để bảo đảm phát triển đô thị Biên Hòa theo đúng quy hoạch, năm 2023, thành phố tiếp tục tăng cường thực hiện công tác quản lý trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy hoạch. Trong các giải pháp, TP Biên Hòa đặc biệt chú trọng rà soát, điều chỉnh, phê duyệt và công khai các quy hoạch để làm cơ sở quản lý đất đai, xây dựng. Cùng với đó, TP Biên Hòa sẽ thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị phụ trách quản lý nếu để xảy ra các trường hợp xây dựng không phép, sai phép; sử dụng đất không đúng mục đích mà chưa được xử lý hoặc xử lý không kịp thời.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, thừa nhận việc phát hiện, xử lý vi phạm đất đai, xây dựng có nơi còn chậm. Ngay từ đầu năm 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Nhơn Trạch đã ban hành chỉ thị tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. “Trong đó, quy trách nhiệm cụ thể của các phòng, ban, chính quyền cơ sở và cán bộ liên quan đối với vấn đề này phải cao hơn trước” – ông Nguyễn Hữu Thành nói.

Ông Quản Minh Cường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ðoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ðồng Nai – đề nghị làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và Ðiện lực Nhơn Trạch, bởi việc xây dựng không phép diễn ra trong một thời gian dài dưới đường điện cao thế”.

Những con số từ sở xây dựng

Theo Sở Xây dựng tỉnh Ðồng Nai, việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn vẫn còn diễn ra, tập trung nhiều ở một số địa phương có nhiều khu công nghiệp, như TP Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Long Thành. Riêng năm 2023, vi phạm thuộc thẩm quyền cấp tỉnh xử lý có tổng cộng 113 trường hợp.

Báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho thấy năm 2022, đơn vị này đã triển khai 11 đoàn thanh tra, kiểm tra, tổ chức kiểm tra theo thẩm quyền (cấp tỉnh) 124 trường hợp. Qua đó, ban hành 63 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 6,7 tỉ đồng.

Nguồn

Exit mobile version