Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

‘Kỳ tích ngoại giao’

Minh họa/INT

Cuộc trao đổi tù nhân này được các bên mô tả là lớn nhất sau Chiến tranh Lạnh, qua trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hãng thống tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn tin từ cơ quan tình báo của quốc gia Á – Âu này cho biết, số tù nhân được trao đổi nói trên, cùng 2 trẻ em đi kèm, được chuyển đến từ 7 quốc gia khác nhau.

Cụ thể, các đối tượng trao đổi của Mỹ, Đức, Ba Lan, Slovenia, Na Uy, Nga và Belarus đã được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ bằng 7 máy bay, bao gồm 2 máy bay từ Mỹ và 1 máy bay từ Đức, Ba Lan, Na Uy, Slovenia và Nga.

Sau khi tập hợp tại Thổ Nhĩ Kỳ, 8 người trong số này (cùng 2 trẻ vị thành niên đi kèm) được đưa đến Nga, trong khi 13 người đến Đức và 3 người đến Mỹ.

Anadolu nhận định, đây là hoạt động trao đổi tù nhân toàn diện nhất giữa Mỹ, Nga và Đức trong những năm gần đây và việc thiết lập các kênh đối thoại cho hoạt động này đã được tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo.

Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc – Volker Turk bày tỏ “sự nhẹ nhõm” của mình về cuộc trao đổi tù nhân. NATO hoan nghênh việc trả tự do cho tù nhân thuộc các nước thành viên liên minh. Farah Dakhlallah – người phát ngôn NATO cho biết: “Một số đồng minh NATO đã làm việc cùng nhau để đàm phán thỏa thuận đảm bảo tự do cho họ”.

Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk bày tỏ lòng biết ơn đối với Tổng thống Andrzej Duda và các cơ quan an ninh đã hỗ trợ cho cuộc trao đổi này. Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden cho biết, cuộc trao đổi là một kỳ tích của ngoại giao và tình hữu nghị.

Tổng thống Biden đồng thời khen ngợi các đồng minh của Washington vì những quyết định táo bạo và dũng cảm. “Điều này sẽ không thể xảy ra nếu không có các đồng minh của chúng ta. Hôm nay là một ví dụ rõ ràng về lý do của việc có nhiều bạn bè trên thế giới này”, ông cho biết.

Phát biểu vào ngày diễn ra cuộc trao đổi tù nhân, Điện Kremlin hy vọng những người đã rời khỏi Nga, những người mà Moscow mô tả là “kẻ thù”, hãy tránh xa Nga. Trong khi đó, Đức cho biết việc thả Vadim Krasikov, một người Nga bị kết tội giết một cựu binh Chechnya tại Berlin năm 2019 không phải là quyết định dễ dàng. Chính phủ Đức cho rằng: “Nghĩa vụ bảo vệ công dân Đức và tình đoàn kết với Mỹ là những động lực quan trọng”.

Nhà Trắng dẫn đầu nhiều tháng đàm phán bí mật với Nga, bất chấp căng thẳng về Ukraine, nhưng cũng phải dựa vào các đồng minh châu Âu – những nước vốn không muốn trao trả tội phạm bị kết án cho Moskva. Ông Biden thậm chí còn gọi điện cho Thủ tướng Slovenia một giờ trước khi tuyên bố dừng tranh cử hôm 21/7, để hối thúc nước này thả hai người Nga.

Đây là cuộc trao đổi đầu tiên giữa Nga và phương Tây kể từ khi sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner trở về nước để đổi lấy trùm buôn vũ khí người Nga Viktor Bout vào tháng 12/2022.

Đồng thời, lần này cũng là đợt trao đổi lớn nhất kể từ năm 2010, khi 14 người bị cáo buộc hoạt động gián điệp được trả tự do, trong đó có điệp viên hai mang Sergei Skripal, người được Moskva cử đến Anh và điệp viên Nga Anna Chapman, được Washington cử đến Nga.

Trước đó, những cuộc trao đổi lớn gồm hơn mười tù nhân chỉ diễn ra thời Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô và phương Tây tiến hành các cuộc trao đổi vào năm 1985 và 1986. Nhà Trắng tiết lộ, ban đầu họ đã nỗ lực đàm phán để trả tự do cho thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny, nhưng ông này đã qua đời hồi tháng 2.

Thỏa thuận trao đổi tù nhân lần này được đánh giá là thành tựu ngoại giao đáng kể cho chính quyền Biden và chiến thắng cho Tổng thống Putin. Song, điều đó không góp phần cải thiện mối quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Nga.

Nguồn

Exit mobile version