Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Kinh doanh ngân hàng tiếp tục có sự phân hóa

Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã trao đổi với TS. Châu Đình Linh, chuyên gia ngân hàng xoay quanh vấn đề này.

 Nhìn từ số liệu công bố quý III, ông đánh giá thế nào về bức tranh kinh doanh ngân hàng?

Qua kết quả kinh doanh ngân hàng công bố có thể thấy sự phân hóa rõ ràng về hiệu suất kinh doanh của từng ngân hàng. Trong nhóm dẫn đầu vẫn là những cái tên thuộc nhóm Big 4. Lý do các ngân hàng nhóm dẫn đầu vẫn giữ được phong độ bởi chiến lược kinh doanh dài hơi tốt. Đa phần các ngân hàng này đều chú trọng tăng tỷ lệ CASA giúp tiết giảm chi phí hoạt động nhờ vốn huy động rẻ hơn; tệp khách hàng lớn và chất lượng tốt nên tăng trưởng tín dụng tích cực. Chưa kể lợi thế kinh doanh trên thị trường vốn trái phiếu, chứng chỉ quỹ, ngoại hối… cũng mang lại nguồn thu khá tốt. Tuy vẫn những cái tên quen thuộc trong top dẫn đầu nhưng thứ hạng nhóm này có sự thay đổi. Bởi có ngân hàng bứt tốc, nhưng cũng có ngân hàng duy trì mức ổn định.

Còn nhóm ngân hàng ở cỡ vừa và nhỏ cũng có ngân hàng bứt phá trong kinh doanh do kiểm soát rủi ro tốt, tiết giảm chi phí hoạt động; tăng thu nhập ngoài lãi từ việc mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ, đáp ứng được yêu cầu khách hàng. Ngoài dịch vụ những ngân hàng này còn tăng thu tốt từ các hoạt động khác như chứng khoán đầu tư…

Tuy nhiên, cũng không ít ngân hàng bị sụt giảm lợi nhuận, mà nguyên nhân chính là tăng trưởng tín dụng thấp. Một phần nữa do các ngân hàng này chưa chú trọng phát triển sản phẩm dịch vụ nên khi tín dụng tăng thấp, nguồn thu từ dịch vụ không đủ bù đắp được, dẫn đến kết quả kinh doanh bị suy giảm.

Những tháng cuối năm, liệu đã hết khó với các ngân hàng chưa, thưa ông?

Theo tôi, từ nay đến cuối năm hoạt động kinh doanh của các ngân hàng vẫn còn thách thức. Việc mở rộng tín dụng vẫn gặp nhiều khó khăn bởi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa đồng đều ở tất cả khu vực mà độ phủ khách hàng hạn chế. Thứ nữa, là nguy cơ nợ xấu gia tăng khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào cuối năm nay. Đối với những ngân hàng năng lực tài chính còn hạn chế, quỹ dự phòng sẽ không dư dả để trích lập xử lý nợ xấu, dẫn đến nguy cơ nợ xấu chồng nợ xấu.

Tương tự, dù vẫn khá thuận lợi trong kinh doanh, nhưng tôi cho rằng, những ngân hàng trong top đầu cũng cần lưu tâm đến nợ xấu. Nếu ngân hàng không xử lý rốt ráo nợ xấu thông qua giữ lại nguồn lợi nhuận để trích lập dự phòng; tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu, đến khi Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu gia tăng nhanh ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Vậy, khả năng đạt mục tiêu kinh doanh của các ngân hàng năm 2024 có khả quan không, thưa ông?

Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế diễn ra theo chiều hướng lạc quan, tháng sau cao hơn tháng trước. Nhìn từ kết quả kinh doanh được công bố, có thể thấy thu nhập từ lãi thuần tín dụng, thu ngoài lãi từ cung cấp dịch vụ, sản phẩm tài chính… của các nhà băng đều xu hướng tăng. Với diễn biến nền kinh tế như hiện tại, từ nay đến cuối năm kinh doanh ngân hàng vẫn khả quan, hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Tuy nhiên, như tôi đã phân tích ở trên, thời gian tới vẫn tiếp tục có sự phân hoá về lợi nhuận giữa các ngân hàng. Những ngân hàng top đầu, quy mô vốn lớn, tỷ lệ CASA cao, tăng trưởng tín dụng tích cực, nhất là những ngân hàng được NHNN cấp thêm room tín dụng kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh khả quan. Những ngân hàng quy mô vốn trung bình nếu đang duy trì ổn định thu nhập lãi thuần từ tín dụng, thu dịch vụ và các hoạt động khác tăng trưởng tốt… vẫn có thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Còn ngân hàng có quy mô vốn nhỏ, tín dụng tăng trưởng thấp, cơ sở khách hàng không lớn, độ phủ dịch vụ chưa cao, nợ xấu tồn đọng cao… nhiều khả năng không đạt được kế hoạch đặt ra chỉ đạt 70-80% lợi nhuận hoặc thấp hơn.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn

Exit mobile version