Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Hút vốn dài hạn chi phí thấp từ NĐT nước ngoài và thúc đẩy thị trường vốn ngoài ngân hàng

Sáng 21/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị và làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Hội nghị có sự tham gia đóng góp  ý kiến của 12 tập đoàn tư nhân lớn của cả nước, như Vingroup, Hòa Phát, Thaco, TH, T&T, Masan…

Tại hội nghị kể trên, Phó Chủ tịch HĐQT- Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thiều Nam của tập đoàn Masan (Masan Group) đã đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ. Trong đó, vị lãnh đạo này đã nêu lại mục tiêu của chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030: quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 120% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 58% GDP.

Ông Nguyễn Thiều Nam cho biết tập đoàn đồng tình với định hướng này vì vốn chính là dòng máu giúp doanh nghiệp phát triển và trường tồn. Công ty cũng đưa ra một số kiến nghị để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn có chi phí tốt & linh hoạt hơn nhưng đảm bảo tính quản trị rủi ro của hệ thống. Đó là thu hút vốn dài hạn chi phí huy động thấp của nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy thị trường vốn ngoài ngân hàng.


  • Đầu tiên, phía Masan Group cho rằng, để giảm chi phí vốn của doanh nghiệp, cần tiếp tục mở rộng thị trường vốn cho nhà đầu tư nước ngoài với khả năng huy động vốn chi phí thấp và có khả năng đầu tư dài hạn

    .

    “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài Chính trong việc nâng hạng thị trường Việt Nam từ “cận biên” lên “mới nổi, việc này sẽ kêu gọi được vốn từ nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể đầu tư vào thị trường “mới nổi”. Chúng tôi đón chờ Bộ Tài Chính ban hành nghị định và thông tư mới hướng dẫn các cơ quan, nhà đầu tư và công ty chứng khoán về việc gỡ nút thắt ký quỹ trước giao dịch, là một bước quan trọng trong lộ trình nâng hạng lên thị trường “mới nổi” năm 2025”


    , lãnh đạo Masan nói.

  • Thứ hai, vị lãnh đạo này cho rằng cần tìm phương án để doanh nghiệp tiếp cận thị trường vốn ngoài ngân hàng dễ dàng hơn để doanh nghiệp có thể linh hoạt trong kế hoạch vốn của mình.

    Vị này kiến nghị Chính phủ rà soát lại điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán để phù hợp hơn với những mô hình kinh doanh mới (có thể tham khảo sàn giao dịch Nasdaq của Mỹ là nơi niêm yết của những công ty công nghệ). Thủ tục niêm yết IPO hiện nay còn kéo dài và phức tạp, chưa theo thông lệ quốc tế dẫn đến thị trường IPO Việt Nam còn hạn chế.

Đại diện Masan cũng nêu 2 điểm trong dự thảo sửa đổi luật chứng khoán mới nhất có thể làm chậm việc phát triển thị trường vốn. Một là việc bổ sung điều kiện chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng phải bổ sung cần có tài sản bảo đảm, hoặc được bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật.


“Bổ sung này có chủ đích tốt để quản trị rủi ro nhưng không phù hợp khi một nền kinh tế chuyển dịch từ đầu tư cơ sở vật chất sang đầu tư tri thức, chúng ta cần có phương án đánh giá phù hợp – ví dụ có thể xem xét dòng tiền tạo ra có đủ khả năng trả nợ?”

, phía Masan nhận định

Về điều kiện chào bán cổ phần và trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng, dự thảo sửa đổi theo hướng tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng từ một năm đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp lên thành 3 năm.

Trước đây hạn chế chuyển nhượng chỉ áp dụng với cổ đông chiến lược. Nhưng phía Masan cho rằng sửa đổi này sẽ áp dụng luôn cho cả nhà đầu tư  chuyên nghiệp gây ảnh hưởng lớn đến việc quyết định đầu tư những người này lẫn khả năng phát hành cổ phiếu hay trái phiếu riêng lẻ của các tổ chức phát hành.



Nguồn

Exit mobile version