Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Hội thảo Truyền thống từ góc nhìn kiến trúc đương đại – Hướng tới bảo tồn, phát huy và kiến tạo giá trị kiến trúc mới

Chiều ngày 12/11/2024 vừa qua, tại Hội trường Nguỵ Như Kon Tum – Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo Truyền thống từ góc nhìn kiến trúc đương đại do Nhóm kiến trúc sư nghiên cứu đề tài về Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống trong phát triển kiến trúc Việt Nam (Hội KTS Việt Nam) tổ chức.

Hội thảo nằm trong nội dung nghiên cứu của Đề tài Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống trong phát triển kiến trúc Việt Nam của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, với sự tham gia của các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình kiến trúc, các kiến trúc sư, các nhà văn hóa, những người yêu kiến trúc, các thành viên nhóm nghiên cứu đề tài, đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông, các bạn học viên và sinh viên kiến trúc của các trường đại học Kiến trúc Hà Nội, trường đại học Phương Đông, trường đại học Xây dựng Hà Nội.

Tại dẫn luận mở đầu, TS. KTS Nguyễn Quốc Tuân – Đồng Chủ nhiệm Đề tài đã giới thiệu mục tiêu và phạm vi nghiên cứu tại Hội thảo lần này. Hội thảo tập trung làm rõ tính truyền thống trong kiến trúc Việt Nam qua các thời kỳ; các giá trị và đặc trưng; kinh nghiệm khai thác giá trị truyền thống trong kiến trúc đương đại và gợi mở những hướng đi trong tương lai… Ba trụ cột sẽ được tập trung thảo luận gồm:

  1. Bảo tồn các giá trị kiến trúc truyền thống: Xác định giá trị kiến trúc: Lựa chọn, khảo sát và đánh giá giá trị và lựa chọn các công trình kiến trúc tiêu biểu theo từng giai đoạn, Xác định các nguyên tắc và định hướng bảo tồn.
  2. Khai thác, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống trong kiến trúc Việt Nam đương đại: Xác định các nguyên tắc và định hướng phát huy giá trị
  3. Làm mới (từ nhiệm vụ được giao, chúng tôi diễn giải lại bằng từ Kiến tạo giá trị kiến trúc mới) trong phát triển kiến trúc Việt Nam đương đại.

Từ dẫn luận mở đầu, khách mời đã được lắng nghe phần trình bày của nhóm nghiên cứu với các tham luận:

  • Các giá trị của Kiến trúc truyền thống có thể khai thác, phát huy trong kiến trúc đương đại – ThS.KTS. Nguyễn Thị Hương Mai, đại diện nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia đã, đang công tác tại Viện Bảo tồn Di tích – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày.
  • Các giá trị của Kiến trúc truyền thống có thể khai thác, phát huy trong kiến trúc đương đại – Sự hòa nhập bản địa trong quy hoạch và kiến trúc đô thị thời Pháp thuộc – TS.KTS. Hồ Hải Nam, đại diện nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia đang công tác tại Trường đại học Phương Đông trình bày.
  • Kiến trúc miền Bắc giai đoạn 1954-1986: từ tiềm năng bảo tồn đến phát huy, kiến tạo giá trị trong phát triển kiến trúc – TS.KTS. Đặng Hoàng Vũ, đại diện nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia đang công tác tại Trường đại học Kiến trúc Hà Nội trình bày.
  • Kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam (1954 – 1975); Đặc điểm, Giá trị và Tiềm năng khai thác – TS.KTS. Nguyễn Song Hoàn Nguyên, đại diện nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia đang công tác tại Trường đại học Kiến trúc TPHCM trình bày.
  • Khai thác và kế thừa truyền thống trong kiến trúc Việt nam sau Đổi mới – ThS.KTS. Nguyễn Mạnh Trí, đại diện nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia đang công tác tại Trường đại học Xây dựng Hà Nội trình bày.
  • Giải mã gen kiến trúc Việt Nam – KTS. Hoàng Thúc Hào trình bày.

Sau phần trình bày tham luận, các khách mời đã có những trao đổi, góp ý thẳng thắn, tâm huyết với nhóm nghiên cứu về nội dung, hướng triển khai trong đề tài, cũng như bổ sung thêm những thiếu sót trong quá trình thực hiện đề tài.

Tại hội thảo, trả lời cho vấn đề: Việc phát huy tiếp biến giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam trong kiến trúc đương đại chủ yếu mới dừng ở những thử nghiệm của một số kiến trúc sư đơn lẻ, chưa tạo thành một trào lưu mạnh mẽ để khẳng định tính tự lập, tự cường và phát huy tinh thần bản địa, giá trị truyền thống trong kiến trúc đương đại Việt Nam, KTS Hoàng Thúc Hào – Chủ nhiệm dự án cho rằng: Khi lượng đổi thì chất sẽ đổi. Tôi cho rằng càng nhiều thay đổi thì tới một lúc nào đó, chúng ta sẽ tạo ra được xu hướng. Đối với thế giới hiện nay, Việt Nam chúng ta cũng đã manh nha một phong cách kiến trúc mới của các KTS trẻ, điều đó chính là minh chứng cho việc trào lưu kiến trúc đương đại đang dần được hình thành.

GS.TS Nguyễn Quốc Thông cũng góp ý cho Đề tài: “Chúng ta thường trăn trở kiến trúc Việt Nam sẽ đi tới đâu. Tôi cho rằng cái gì cũng có cơ sở, và tôi rất mong đợi chúng ta sẽ rút ra được tinh thần, triết lý trong đó, chúng ta sẽ hiểu tại sao công trình đó ra đời và đề tài sẽ tìm được đáp án. Tôi nghĩ hội thảo hôm nay vẫn còn thiết sót khi chúng ta đã vắng bóng tác giả công trình, chính họ có triết lý kiến trúc của mình. Chúng ta hãy coi thể loại công trình là cái xương, với các công cụ để nghiên cứu, để nghiên cứu bản chất trong nó, đồng thời chúng ta cũng cần nhìn nhận lại cái sai trong trong quá khứ, nó cũng quan trọng như chính triết lý công trình.

GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính bày tỏ: “Hôm nay tôi cũng rất vui khi tham dự hội thảo này, với các nội dung rất rõ ràng, tôi tin Đề tài sẽ thành công trong việc bổ sung kiến thúc đương đại. Tôi nghĩ rằng các em cần định nghĩa chắc hơn về truyền thống trước đã, truyền thống khác chính thống, khác hàn lâm, từ đó mới tới việc làm mới kiến trúc, bưng bê những “cảm thức” vào công trình hiện đại. Tôi cũng hơi băn khoăn về việc làm mới, làm mới không chỉ về hình ảnh, mà còn về nhận diện, cảm xúc, cảm nhận công trình. Đồng thời đối với một đề tài nghiên cứu, cần có phương pháp luận tốt để thực hiện.

TS. KTS. Nguyễn Tiến Thuận: “Đề tài cấp nhà nước này có quy mô rất lớn, là vấn đề rất quan trọng cần đầu tư nghiên cứu. Tôi nghĩ rằng đề tài cần ra được thành quả cụ thể, và ứng dụng được thành quả nghiên cứu. Tôi cho rằng không nên tập trung quá nhiều vào việc mổ xẻ công trình tại buổi báo cáo, mà tôi muốn nghe được kết quả cụ thể của nghiên cứu này. Tôi thấy ngày nay, đa phần hội đồng tại các cuộc thi kiến trúc lại tìm cái mới, cái lạ. Nhưng truyền thống cũng là văn hoá, là tinh thần. Như công trình bảo tàng quảng Ninh lấy màu đen của than, bảo tàng lấy bông sen… phải chăng đó có phải là sự chuyển tiếp giữa truyền thống và hiện đại?

PGS.TS.KTS. Nguyễn Hồng Thục: “Thực ra giai đoạn đầu của một công trình nghiên cứu là giai đoạn phơi bày. Tuy nhiên, tôi muốn khi nói về kiến trúc của một dân tộc, chúng ta phải nói được cái cơ sở, căn tính của dân tộc đó. Chúng ta không thể nào kể hết các công trình dân tộc của Việt Nam, các phân kỳ nào, nhưng chúng ta có thể kể được đặc trưng của các nhóm công trình, như một cuốn sổ tay tra cứu. Trong Đề tài này, tôi cho rằng nên có phương pháp luận tốt, từ góc nhìn của các KTS về các vấn đề hàn lâm. Khi trường Đại học Mỹ thuật Đông Dương được mở ra lần đầu tiên, chúng ta đào tạo các KTS Việt Nam, để có các công trình thấm đẫm tinh thần của người Việt. Thế nhưng tại sao cùng là KTS Việt Nam, trong bối cảnh xã hội chủ nghĩa là công trình chủ nghĩa công năng, trong giai đoạn sau 75 ra công trình chủ nghĩa nhiệt đới và vào hậu hiện đại lại có công trình truyền thống mới. Rõ ràng, mỗi một xã hội, mỗi một giai đoạn, sẽ phản ánh rõ cho Xu hướng kiến trúc.

Với ý kiến sâu sắc, bổ ích của các chuyên gia và khách mời, Hội thảo tổng kết, đánh giá các kết quả thực hiện được trong giai đoạn 1 của đề tài đã thành công tốt đẹp. Những thảo luận và gợi mở những hướng nghiên cứu trong giai đoạn tiếp theo sẽ được nhóm nghiên cứu bổ sung trong giai đoạn tiếp theo.

Thuỵ An – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc



Nguồn

Exit mobile version