Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Giải pháp nào cho Kiến trúc, Quy hoạch để giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ lụt tại Việt Nam?

Đó cũng là câu hỏi được đặt ra tại Toạ đàm: Giải pháp Kiến trúc, Quy hoạch để giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ lụt tại Việt Nam do Hội KTS Việt Nam tổ chức vào chiều ngày 18/9/2024 vừa qua, tại 40 Tăng Bạt Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 vừa qua, các chuyên gia và khách mời đã có những trao đổi thẳng thắn về vấn đề này, từ đó đưa ra các hướng cảnh báo, hướng dẫn giải pháp thiết kế trong công trình.

TS. KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã bày mong muốn: “Với sự tham gia của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực và KTS tại nhiều địa phương trên cả nước, Toạ đàm sẽ mang tới góc nhìn đa dạng về những bất cập của kiến trúc, quy hoạch trong việc ứng phó với thiên tai, bão lũ, từ đó đưa ra những đề xuất thiết thực, đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc của chúng ta.

Với mong muốn đó, Toạ đàm đã ghi nhận rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý từ trung ương, tới địa phương, đó là câu chuyện thực tế tại những tỉnh thành vừa chịu thiệt hại nặng nề trong cơn lũ vừa qua – Lào Cai, Yên Bái, hay góc nhìn tại thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang; góc nhìn tại khu vực thường chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của bão lũ – miền Trung hay những bất ngờ khi phải đối mặt với bão lũ đối với TP vốn được biết tới với điều kiện tự nhiên thuận lợi như TP Hồ Chí Minh.

Từ góc nhìn thực tế – Đâu là nguyên nhân cho những thiệt hại này?

KTS Tô Ngọc Liễn – Chủ tịch thị xã Sapa – Chủ tịch Hội KTS Lào Cai: “Rất lâu rồi, Lào Cai chưa trải qua trận lũ lớn như vậy, Sông Hồng và Sông Chảy cũng dâng cao tới mực nước chưa từng có. Bão lớn, lượng mưa và thời gian mưa nhiều, dẫn đến hàng loạt các địa phương gặp sạt lở, mưa lũ. Riêng các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, nhiều khu vực vẫn chưa di chuyển được. Do vậy, có thể thấy hoàn lưu của bão số 3 đã gây cho Lào Cai thiệt hại nặng nề. Thực tế, những tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế về thoát nước mưa lũ của chúng ta chỉ dựa trên cơ sở, mức độ đã xảy ra trước đó, mà chưa lường trước đến những mức độ vượt quá, nên gây ra những hậu quả không kiểm soát được. Khó khăn hơn nữa đối với tỉnh Lào Cai, là về vấn đề nhà ở đối với miền núi, đa phần là công trình thấp tầng, và nằm dựa vào ven sông, ven suối. Theo phong tục, tập quán của người dân là công trình dựa núi, nhìn sông, nhưng hiện tại, các đỉnh đồi núi bị phong hoá, rất dễ gây ra hiện tượng sạt lở, lũ quét, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Những tính toán đối phó với thiên tai của người dân miền núi luôn rất khó khăn, tốn kém, cần phân bố lại dân cư, cũng như nhiều vấn đề khác. Hiện nay, Hội KTS Lào Cai đang nghiên cứu khu vực để tái thiết các không gian cho các cư dân người dân làng Nủ, nhưng vấn đề địa chất của Lào Cai rất đặc biệt, với đặc tính xung quanh là ruộng, cũng sẽ có nhiều nguy cơ, không đảm bảo được khu vực đó theo thời gian. Vừa qua, Lào Cai có khoảng 103 điểm có nguy cơ sạt lở. Tỉnh Lào Cai cũng đang mời các chuyên gia địa chất về đánh giá lại địa hình, để tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, Tỉnh cũng muốn nghe thêm các ý kiến của các chuyên gia về kiến trúc, quy hoạch về vấn đề này. Chúng tôi mong rằng, Toạ đàm sẽ mang tới cho chúng tôi thêm những gợi ý cho tỉnh.”

KTS Tô Ngọc Liễn – Chủ tịch thị xã Sapa – Chủ tịch Hội KTS Lào Cai chia sẻ về tình hình bão lũ vừa qua

Cũng là một tỉnh chịu thiệt hại nặng nề trong cơn lũ vừa qua, KTS Đào Trọng Thuần – Chủ tịch Hội KTS Yên Bái chia sẻ: “Điều đầu tiên khi nói đến nguyên nhân khiến Yên Bái vừa qua chịu thiệt hại nặng nề trong cơn bão vừa qua, đó là do tốc độ đô thị hoá quá nhanh, điều này dẫn đến chưa có những tính toán bài bản về việc thoát nước, gây ra việc ngập úng. Đặc biệt, trong cơ lũ vừa qua, Yên Bái gặp phải việc sạt lở, do đặc điểm địa hình và tập quán sống bám rừng của người dân, nên gây ảnh hưởng rất lớn, đây cũng là một vấn đề cần chú trọng khi nghiên cứu nhà ở vùng núi hay trong đánh giá về tài nguyên thiên nhiên rừng cần đưa những tiêu chuẩn để thực hiện cho đúng.”

KTS Đào Trọng Thuần – Chủ tịch Hội KTS Yên Bái chia sẻ trực tuyến tại Toạ Đàm

Trao đổi về những thiệt hại này, KTS Võ Quốc Thái – Chủ tịch Hội KTS Hải Phòng cũng cho biết: “Vừa qua, Hải Phòng cũng gặp thiệt hại lớn do bão lũ gây ra, nguyên nhân chủ yếu do sự chủ quan khi ít gặp phải trường hợp bão lũ như vậy, nên Hải Phòng chưa có phương án ứng phó phù hợp với bão số 3. Hải Phòng có nhiều công trình lớn, sau nhiều năm chưa được duy tu, bảo dưỡng đã bị tốc mái sau bão. Hệ thống cây xanh của Hải Phòng cũng chưa có quy hoạch, chủ yếu trồng các cây nông nghiệp như mít, phượng, nên đã dẫn đến cây đổ, gây cản trở đến giao thông và nguy hiểm. Ngoài ra, thành phố Hải Phòng có nền trũng, mặc dù đã khắc phục, nhưng vẫn ngập lụt, do hệ thống thoát nước chưa khả thi. Các đô thị xây dựng nhiều, quá tải hệ thống hồ chứa. Các biển quảng cáo hầu như mang tính tự phát, chưa quan tâm tới kết cấu, nên rơi rụng rất nhiều. 

Cần nghiên cứu cụ  thể hơn về các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong thiết kế, xây dựng

Theo KTS Nguyễn Văn Tất: “Việc ứng phó với thiên tai, cả  mặt quản lý đô thị tới tư duy tư vấn thiết kếquy hoạch, chúng ta đã quá chủ quan. Cơn bão năm 1997, cơn bão tại miền Nam đã gây ra những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng, vì tại thời điểm đó, miền Nam đã rất chủ quan khi chưa gặp cơn bão lớn như vậy. Miền Bắc cũng vậy. Chúng ta đã quá chủ quan và nới lỏng khi phê duyệt các công trình tại khu vực này. Hay cụ thể, nhóm nhà ở khu vực Lào Cai, Yên Bái nằm dựa theo núi là vấn đề không nên trong thiết kế. Đây là vấn đề mà chúng ta cần thay đổi khi tái định cư. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu phải chú trọng tới đặc điểm địa chất, địa hình của khu vực và nương theo đó, chứ không phải coi nó là nhược điểm và chống lại với nó. Còn một việc mà trong tầm tay của các KTS, đó là đối việc làm kiến trúc, cần chú trọng hơn đối với địa hình, kết cấu, đề phù hợp với tự nhiên khu vực đó.”

KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội KTS TP HCM nhấn mạnh: “Hiện nay, Việt Nam chúng ta đang dùng chung một tiêu chuẩn, quy chuẩn cho tất cả các vùng, từ vùng nhiều bão, tới vùng ít bão, từ thành phố tới đồng bằng, miền núi. Điều này là chưa phù hợp. Câu chuyện này, các cơ quan về xây dựng cần nghiên cứu lại, nếu không, các vấn đề về bão lũ chúng ta sẽ vẫn tiếp tục xảy ra.”

KTS Doãn Minh Khôi: “Tôi đề cao các tri thức bản địa, đây sẽ là yếu tố then chốt trong việc đưa ra các giải pháp thiết kế. Các vùng chịu nhiều thiên tai, cũng nên có những hướng dẫn cụ thể về các quy chuẩn trong thiết kế để người dân nắm được và có những thiết kế phù hợp với khu vực của mình.”

KTS Võ Quốc Thái – Chủ tịch Hội KTS Hải Phòng: “Tôi cho rằng quy hoạch xây dựng đô thị tới nông thôn và cấp phép xây dựng theo cấp công trình cần cụ thể, rõ ràng tới mục vật liệu công trình, để đảm bảo chất lượng, an toàn. Chất lượng công trình cũng nên được rà soát lại, như Hải Phòng đã phải di rời người dân tại 2 công trình nhà 5 tầng đi tránh bão. Quy định về bảo hành, bảo dưỡng công trình cũng nên được quy định, đồng thời những công trình về nhôm kính cũng cần được đi kiểm tra thường xuyên, để đảm bảo chất lượng công trình. Vừa rồi, Sở Xây dựng Hải Phòng đã rất kịp thời gửi công văn kêu gọi các tổ chức cá nhân trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, thẩm định chất lượng công trình cùng tham gia góp sức, cung cấp vật liệu, khắc phục sửa chữa các công trình chịu ảnh hưởng bởi cơn bão vừa qua.”

Câu chuyện cây xanh đô thị

Sau mỗi cơn bão, câu chuyện về việc cây đổ hay gãy cành dường như đã trở nên quen thuộc.

KTS Nguyễn Trường Lưu chia sẻ: “Năm 2017, tôi đã từng chứng kiến cơn bão lớn đổ bộ vào Nha Trang. Gió lớn của cơn bão đã gây đổ nhiều cây lớn, thiệt hại tới mạng người trước cả khi nó chính thức đổ bộ. Có thể thấy vấn đề trồng cây xanh ở Việt Nam cần được nghiên cứu lại. Vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã đi kiểm tra và cưa bỏ, trồng lại cây xanh, tuy nhiên chúng ta lại trồng lại đúng loại cây đó, tại chính vị chí mà loại cây trồng đó phải thay thế. Việt Nam chúng ta cũng có quá nhiều cây cổ. Ở trên thế giới, không có cây cổ như Việt Nam chúng ta, mà chỉ có cây cổ tầm trung.

GS. TS. KTS Nguyễn Quốc Thông cũng đồng quan điểm: “Nguy cơ của cây tại đô thị rất lớn, đây là dịp để chúng ta xem lại nó. Giải pháp về trồng cây, cũng là giải pháp để giảm sức gió, chúng ta cũng nên tìm cách, đây cũng là giải pháp phổ biến trên thế giới cũng như giải pháp theo tổ tiên ta.” Ông cũng cho rằng, để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần nghĩ tới câu chuyện dài hạn. “Khi đô thị không thoát được, không cân bằng cho đô thị, thì đô thị đó chết là đúng rồi. Đó là vấn đề chúng ta cần nghĩ, nếu không tất cả những giải pháp của chúng ta chỉ là giải pháp tạm thời. Đô thị rất cần quỹ đất dự trữ, nhưng hiện tại đô thị chúng ta chưa có.

Vấn đề về cây xanh trong đô thị cũng nhận được sự đồng tình của KTS Lã Thị Kim Ngân và KTS Đặng Kim Khôi. Ngoài vấn đề về cây xanh, việc sử dụng vật liệu cho phù hợp với đặc điểm tự nhiên cũng nhận được nhiều sự quan tâm. ThS. KTS Vũ Hồng Thủy cho rằng: “Các công trình bị đổ vỡ trong gió bão, chủ yếu là các công trình tạm, công trình có cấu trúc tháo lắp ( như các nhà sàn chỉ kê trên mặt đất ) hay các bộ phận công trình được liên kết với khối công trình chính, như mái hiên, mái vẩy, biển quảng cáo nhô ra khỏi công trình quá lớn, biển quảng cáo độc lập quá lớn, bể nước trên mái, mái tole chống nóng; Công trình kiên cố nhưng các liên kết bị lão hóa, sức chịu đựng giảm theo thời gian… Các cơ quan quản lý xây dựng địa phương cần nhận thức được các nguy cơ tiềm ẩn từ cái mái tôn, tường yếu được xây dựng không đúng kỹ thuật, tự phát, không có người chịu trách nhiệm như hiện nay. Trên cơ sở đó, thực hiện nghiêm ngặt đánh giá, kiểm tra việc xây dựng các bộ phận công trình này.”

Theo KTS Nguyễn Tuấn Anh: “Theo tôi, trước mắt chúng ta nên tập trung kiến nghị nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế trong phạm vi Hội KTSVN có thể can thiệp, để các vấn đề này có thể xử lý kịp thời, tránh lặp lại các thiệt hại, rủi ro trong tương lai.”

Kết luận tại Toạ đàm, TS. KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cảm ơn những trao đổi rất giá trị, đưa ra những vấn đề bất cập về kiến trúc, quy hoạch trong thời gian vừa qua. “Những ý kiến của các chuyên gia, có thể tổng hợp được những ý kiến rất hữu ích. Nhà nước nên có những sự tham gia, nhà vật liệu đã có những minh oan. Văn phòng Hội sẽ tổng kết lại các vấn đề này để gửi tới Hội đồng chuyên gia của Hội, lấy ý kiến kịp thời trong vấn đề này.”

Thuỵ AnTCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc


Sáng 16/9, Tổng Giám đốc Đài THVN Lê Ngọc Quang đã có cuộc họp với UBND tỉnh Lào Cai để thống nhất phương án triển khai xây dựng, tái thiết thôn Làng Nủ và thôn Nậm Tông. Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: Tỉnh đã đi khảo sát thực địa và chỉ đạo phương án bố trí tái định cư cho các hộ dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Phát biểu tại cuộc họp, KTS Hoàng Thúc Hào – Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa ra một số ý kiến về công tác quy hoạch, thiết kế để lựa chọn vị trí, tính toán phương án thiết kế kiến trúc nhà đảm bảo phòng tránh thiên tai và phù hợp với kiến trúc truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào Tày (thôn Làng Nủ) và đồng bào Mông (thôn Nậm Tông). Để phục vụ việc thiết kế, ngay sau khi Sở Quy hoạch kiến trúc triển khai việc đo vẽ bản đồ tỉ lệ 1/500, Hội Kiến trúc Việt Nam sẽ cử người lên Lào Cai, vừa khảo sát toàn bộ khu vực, vừa thiết kế tại chỗ hai mô hình nhà phù hợp với công năng sử dụng và kiến trúc truyền thống, phong tục của bà con hai dân tộc Tày và Mông. Chi tiết xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/dai-thvn-lam-viec-voi-ubnd-tinh-lao-cai-ve-viec-xay-dung-tai-thiet-thon-lang-nu-va-thon-nam-tong.html


 



Nguồn

Exit mobile version