Sáng 10.1, giá xăng dầu đảo chiều tăng hơn 1%, lấy lại những gì đã mất từ phiên trước. Theo đó, dầu Brent tăng 76 cent, tương đương 1%, lên 76,92 USD/thùng; trong khi giá dầu WTI tăng 60 cent, tương đương 0,82%, lên 73,92 USD/thùng.
Như vậy, sau phiên ngày 8.1 mất hơn 1%, giá dầu tăng trở lại.
Các phân tích chỉ ra rằng, nhu cầu tăng mua nhiên liệu cho mùa đông ở Mỹ đẩy giá dầu tăng. Cho đến nay, một số khu vực tại phía đông Texas (Mỹ) đã được cảnh báo về bão mùa đông. Các phân tích ước tính, tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, cứ mỗi độ F (chênh lệch nhiệt độ 1°F tương đương với chênh lệch nhiệt độ 0,556°C) giảm xuống dưới mức trung bình 10 năm, nhu cầu về dầu sưởi sẽ tăng 113.000 thùng/ngày bởi nhiệt độ cao khiến người tiêu dùng phải tăng nhiệt độ sưởi ấm.
Theo các nhà phân tích của JP Morgan, với khí hậu mùa đông khắc nghiệt tại nhiều nơi trên thế giới, có thể dẫn đến gián đoạn nguồn cung cấp dầu vì nhiệt độ đóng băng có thể gây ra tình trạng đóng băng tạm thời và cắt giảm sản lượng.
Trong một diễn biến khác, Reuters dẫn nguồn từ Mỹ cho hay, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào nền kinh tế Nga. Từ trước đến nay, một trong những mục tiêu chính của các lệnh trừng phạt là ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga.
Trong nước, chiều hôm qua (ngày 9.1), liên Bộ Tài chính – Công thương đã cho điều chỉnh tăng đồng loạt các mặt hàng xăng dầu bán lẻ trong nước, theo xu hướng tăng của giá thế giới. Theo đó, giá dầu diesel tăng nhiều nhất, 488 đồng/lít, tiếp đến là dầu hỏa tăng 410 đồng/lít; xăng E5 RON92 tăng 374 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 273 đồng/lít; dầu mazut tăng mức thấp nhất, 83 đồng/kg. Tại kỳ điều hành này, liên Bộ cũng không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng dầu.
Sau tăng, sáng nay 10.1, giá bán lẻ xăng dầu phổ biến trên thị trường trong nước như sau: xăng E5 RON92 không quá 20.431 đồng/lít; xăng RON 95-III không quá 21.019 đồng/lít; dầu diesel không quá 19.243 đồng/lít; dầu hỏa không quá 19.244 đồng/lít; dầu mazut không quá 16.182 đồng/kg.