Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Đủ kiểu lừa đảo cuối năm

Bùng phát website cá cược

Theo ghi nhận từ hệ thống báo cáo của website chongluadao.vn, trong thời gian gần đây, số lượng nạn nhân của các trang web cờ bạc tăng mạnh, nhiều người bị dẫn dụ vào những website lừa đảo. Một nạn nhân giấu tên kể thông qua mạng xã hội, anh bị dẫn dụ vào trang web King33.xxx để chơi cá cược trực tuyến. Sau khi nạp tiền và thắng được số tiền khá lớn, anh muốn rút tiền ra nhưng tài khoản bị vô hiệu hóa không có lý do. “Rõ ràng đây là một trang web lừa đảo, cần phải được cảnh báo để không ai bị lừa tiếp theo”, người này nói.

Cảnh báo lừa đảo du lịch giá rẻ

Một nạn nhân khác cho hay: “Tôi bị dẫn dụ vào một trang web có tên miền nước ngoài và được chuyển đến trang cá cược Hi88. Khi tôi nạp tiền vào chơi thì không lấy lại được, những thông tin quảng cáo trước đó đều không đúng sự thật, tiền nạp vào là mất. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người cũng bị như vậy”. Thậm chí, báo cáo cho thấy có cả trang web mang tên miền .vn cũng tổ chức cá cược online, nhưng khi PV Thanh Niên kiểm tra xác minh thì trang web này đã ngừng hoạt động.

Trao đổi với PV, một chuyên gia thuộc dự án Chongluadao.vn cho biết: Khó có thể thống kê một cách đầy đủ các trang web tổ chức cá cược online bởi vì nhiều vô số kể. Có những trang được tổ chức bài bản, thu hút lượng người chơi lớn và cũng có nhiều website được tạo ra chỉ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nạn nhân nạp vào. Tình trạng cá cược trực tuyến quảng cáo một cách công khai trên các nền tảng mạng xã hội đã diễn ra khá lâu. Tuy nhiên thời điểm cuối năm thường bùng phát mạnh, đánh vào tâm lý cần tiền tiêu xài của một số bộ phận người dân. Bên cạnh đó, nhiều người không nắm rõ thông tin, nghe theo quảng cáo trên mạng, tên của các trang web cá cược lại thường được đặt giống nhau nên không phân biệt được. Do đó, không ít người đã bị dẫn dụ vào các website lừa đảo, mất tiền oan uổng.

Mới đây, Công an H.Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) khởi tố vụ án, bắt tạm giam N.N.S (sinh năm 1993, trú xã Kỳ Tân, H.Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) về tội “đánh bạc” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. N.N.S là đối tượng không có việc làm ổn định, thường xuyên quan hệ với các đối tượng có tiền án, tiền sự trên địa bàn. Thời gian gần đây, qua tìm hiểu trên các trang mạng xã hội, S. biết được cách đánh bạc qua các trang mạng trực tuyến bằng hình thức “tài xỉu” nên đã trực tiếp tham gia. Sau nhiều lần đánh bạc trực tuyến, Sang nợ nần nên nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tiếp tục trò chơi “đỏ đen” và có tiền trả nợ. Từ đó, S. sử dụng thủ đoạn mượn, sau đó cầm cố xe máy của nhiều người dân trên cùng địa bàn và lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 1 tỉ đồng.

Tình trạng website lừa đảo cá cược trực tuyến bùng phát cuối năm

Theo cơ quan công an, đây chỉ là một trong vô số trường hợp lâm cảnh nợ nần, bế tắc vì chơi bài bạc, cá cược trực tuyến và gây ra hệ lụy, gánh nặng lớn cho xã hội.

Cảnh báo lừa đảo tour giá rẻ

Bên cạnh đó, nhằm vào tâm lý đi chơi xa, du lịch vào dịp nghỉ lễ, tết cuối năm, nhiều đối tượng lừa đảo đã lập các tài khoản Facebook, Zalo giả mạo để đăng bài, chạy quảng cáo rao bán vé máy bay, đặt phòng giá rẻ trong các hội nhóm. Kịch bản quen thuộc là thủ phạm thường giả mạo những công ty du lịch nổi tiếng, khách sạn, nhà hàng để đăng bài kèm số điện thoại dễ nhớ và tên tài khoản ngân hàng trùng với tên trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) chỉ rõ: Các công ty lừa đảo thường không cung cấp địa chỉ, số điện thoại, hoặc thông tin về giấy phép kinh doanh. Đối tượng đăng tải hàng loạt quảng cáo tour qua các trang mạng xã hội, tin nhắn, hoặc qua các cuộc gọi không rõ nguồn gốc; chào bán tour du lịch với mức giá cực kỳ thấp so với thị trường và yêu cầu thanh toán trước toàn bộ hoặc một khoản tiền lớn mà không có hợp đồng rõ ràng hoặc không có thông tin đầy đủ về công ty tổ chức tour.

Mới đây, Công an Q.Thanh Xuân (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hương Dịu (sinh năm 1993, P.Phú Diễn, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cụ thể, bị can Dịu đã nhận tiền và hồ sơ của V.T.H và L.A.H để làm thủ tục xin visa nhằm tổ chức tour du lịch 5 ngày 4 đêm tại Hàn Quốc. Sau khi nhận tiền, Dịu đã không thực hiện theo thỏa thuận mà chiếm đoạt để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Theo Cục An toàn thông tin, người dân nên thận trọng trước các tour du lịch giá rẻ bất ngờ trên mạng xã hội, đặc biệt vào dịp cuối năm. Cần xem xét kỹ đánh giá từ khách hàng trước đó và tìm hiểu kỹ về lịch sử hoạt động của công ty; chỉ thanh toán qua các phương thức an toàn và tuyệt đối không gửi tiền qua các kênh không rõ ràng hoặc tài khoản ngân hàng không rõ nguồn gốc. Không truy cập các liên kết hoặc các tệp đính kèm trong tin nhắn, email hoặc những bài đăng đáng ngờ trên mạng xã hội…

Chiến dịch lừa đảo quy mô lớn trên Telegram

Các chuyên gia thuộc dự án Chống lừa đảo (Chongluadao.vn) vừa phát đi cảnh báo liên quan đến chiến dịch lừa đảo đánh cắp tài khoản Telegram của người dùng. Dựa trên một đường dẫn lừa đảo được báo cáo bởi nạn nhân, các chuyên gia an ninh mạng của dự án Chongluadao.vn xác định chiến dịch lừa đảo này liên quan đến một nhóm hacker nước ngoài nhắm vào tài khoản Telegram ở nhiều quốc gia, trong đó có VN.

Chuyên gia Nguyễn Hoàng Thắng, đồng sáng lập dự án Chongluadao.vn, lưu ý: Về cách thức tấn công, người dùng sẽ nhận được tin nhắn từ Telegram với nội dung như tài khoản cần xác minh danh tính, bảo mật, hoặc thông báo vi phạm… Sau khi bấm vào những đường link chứa mã độc thường dẫn đến các trang web giả mạo giống Telegram, nhằm đánh cắp cookies, session, tên đăng nhập, mật khẩu và mã OTP của người dùng. Trong một số cách thức tinh vi hơn, đối tượng còn tạo bot chat Telegram giả, khi người dùng nhấp vào sẽ xuất hiện cửa sổ ngay trong ứng dụng với mục đích đánh cắp tương tự.

Sau khi đánh cắp được tài khoản, các đối tượng này sẽ tiếp tục đăng nhập trên Telegram bằng chính trình điều khiển, khiến nạn nhân không kịp trở tay. Việc chiếm đoạt tài khoản Telegram có rất nhiều mục đích: Ngoài phát tán mã độc, kẻ gian còn có thể chiếm đoạt thông tin cá nhân, hình ảnh nhạy cảm, tài khoản mạng xã hội khác, tiền ảo, ví điện tử, thậm chí cả tài khoản ngân hàng. Sau đó, kẻ gian dùng chính tài khoản Telegram đã đánh cắp này để tiếp tục rải các link phishing (tấn công giả mạo) nhằm tìm kiếm nạn nhân tiếp theo.

Tương tự, mới đây, công ty hàng đầu về bảo mật mạng Kaspersky cũng đã phát hiện phương thức lừa đảo mới nhắm đến các tài khoản doanh nghiệp, chủ shop kinh doanh online trên nền tảng Facebook. Các đối tượng lừa đảo gửi email giả danh Meta for Business, cáo buộc tài khoản của doanh nghiệp đã đăng tải bài viết có nội dung không phù hợp, đính kèm đường dẫn tới tài khoản Messenger giả mạo. Nội dung email mang tính đe dọa, yêu cầu nạn nhân nhanh chóng truy cập đường dẫn để phản hồi và xác minh thông tin, nếu không tài khoản sẽ bị khóa vĩnh viễn. Sau khi truy cập đường dẫn, nạn nhân sẽ được chuyển hướng tới nền tảng Messenger. Tại đây, các đối tượng sẽ yêu cầu thông tin đăng nhập cùng các dữ liệu nhạy cảm khác, từ đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản doanh nghiệp.


Nguồn

Exit mobile version