Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Đóng cửa ‘sàn chui’ được không?

Tuồn hàng tồn kho, hàng lỗi dịp cuối năm?

Theo chỉ đạo của Bộ Công thương, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới hoạt động trái phép ngay trong tháng 10. Đồng thời cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ có phương án xử lý đối với những hình thức khuyến mại không theo quy định của các sàn TMĐT. Trong đó, Cục TMĐT và Kinh tế số phối hợp với các cơ quan, chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của VN, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ TT-TT có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp và thực hiện ngay trong tháng 10.

Theo chuyên gia công nghệ, an ninh mạng Võ Đỗ Thắng, về mặt kỹ thuật, VN hoàn toàn có thể ngăn chặn các trang web, sàn TMĐT hoạt động trái phép như Temu, Shein… trên lãnh thổ. Thậm chí, phía VN cũng có thể yêu cầu nhà quản trị các kho ứng dụng như CH Play, App Store… chặn ứng dụng của các “sàn chui” xuất hiện trên các thiết bị di động ở VN. Điều này cần phải thực hiện ngay bởi các đơn vị nước ngoài khi vào kinh doanh tại VN phải tuân thủ theo quy định trong nước. “Chúng ta phải kiên quyết xử lý, ngăn chặn các hoạt động thương mại rầm rộ bất hợp pháp để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp (DN) trong nước vì càng để lâu càng thiệt hại nặng nề”, ông Võ Đỗ Thắng nhấn mạnh.

Cơn lốc hàng giá rẻ thông các các sàn thương mại điện tử tràn vào VN

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhìn ra ngoài, hồi giữa tháng 10, Indonesia đã yêu cầu Alphabet và Apple chặn ứng dụng Temu nhằm ngăn người dùng tải xuống, dù chính quyền chưa ghi nhận bất kỳ giao dịch nào của người dân trên nền tảng này. Bộ trưởng Truyền thông Budi Arie Setiadi cho rằng mô hình kinh doanh của Temu – kết nối người tiêu dùng trực tiếp với các nhà máy ở Trung Quốc – để giảm giá đáng kể là “cạnh tranh không lành mạnh” và động thái nói trên nhằm bảo vệ các DN nhỏ và vừa. 

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng – giảng viên cao cấp, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường đại học Kinh tế Quốc dân), phân tích: TMĐT có lợi thế là cạnh tranh về tốc độ, thời gian, giá cả… Temu có sự hậu thuẫn về tài chính lớn nên dù tham gia thị trường sau so với các sàn khác, nhưng “trình” tung hoành rất cao. Quan trọng nhất, họ áp dụng nguyên lý logistics chặng cuối, hệ thống thanh toán và đặc biệt nắm bắt được rằng chính sách của VN liên quan lĩnh vực này đã lạc hậu. 

“Phải nói thẳng một điều là chúng ta chưa nghĩ ra điều này, DN của chúng ta cũng chưa chuẩn bị điều này nên hậu quả là sản xuất trong nước sẽ bị ảnh hưởng. Không loại trừ đây là dịp để giải tán kho hàng tồn khổng lồ cuối năm từ Trung Quốc. Đợt khuyến mại rầm rộ bán hàng cuối năm của Temu và nhiều sàn TMĐT “chui” khác đang góp phần “bóp chết” hàng nội địa. Do vậy cần phải có giải pháp ngăn chặn ngay”, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.

Chặn làn sóng hàng giá rẻ, kém chất lượng

Thực tế, nhiều nước cũng đang quyết liệt ứng phó cơn lốc hàng giá rẻ của Temu. Ngoài Indonesia ra lệnh cấm, chặn ứng dụng này, Thái Lan đã áp dụng đánh thuế GTGT 7% với tất cả các gói hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1.500 baht (dưới 1,1 triệu đồng) thay vì miễn cho hàng hóa dưới ngưỡng này. Bên cạnh đó, DN trong nước và người tiêu dùng Thái Lan cũng có chiến dịch kêu gọi cấm Temu vì lo ngại hàng giá rẻ tràn vào có thể phá chuỗi cung ứng và ảnh hưởng khả năng cạnh tranh của DN. 

Tại châu Âu, Ủy ban Châu Âu (EC) công bố thống kê cho biết 2 tỉ bưu kiện có giá trị khai báo dưới 150 euro được nhập vào khu vực này năm ngoái. Mới đây, nhiều nghị sĩ Đức cảnh báo mối đe dọa nghiêm trọng nền kinh tế địa phương khi có sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng giá rẻ đến từ Trung Quốc còn Hiệp hội Bán lẻ Đức vận động chính phủ nước này có chính sách bảo đảm cạnh tranh công bằng cho tất cả thành phần trên thị trường. Theo đó, sản phẩm phải tuân thủ các quy định của EU; xóa bỏ giới hạn miễn thuế cho gói hàng dưới 150 euro. Hiện chính phủ Đức đang soạn thảo các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa, tiêu chuẩn môi trường từ các sàn TMĐT để bảo vệ môi trường, người tiêu dùng.

Do vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng không chỉ chặn “sàn chui” vì vi phạm quy định, VN cần phải có thêm nhiều biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hàng giá rẻ tràn vào thị trường nội địa. Ông Đỗ Hòa, nhà sáng lập Công ty Tinh hoa quản trị, cho rằng việc các nhà sản xuất từ Trung Quốc xem VN là thị trường tiêu thụ hàng tồn kho hay thậm chí hàng lỗi không phải là mới. Nguy hiểm nhất là hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc có nguy cơ nuốt luôn thị phần của DN trong nước. Nếu tình trạng này tiếp diễn, VN có nguy cơ mất dần năng lực sản xuất nội địa, kéo theo tình trạng thất nghiệp và suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Vì thế, sự can thiệp của Chính phủ là rất cần thiết. Thực tế, DN không cần những ưu đãi đặc biệt, mà cần hệ thống pháp lý bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, sòng phẳng. 

Ông Hòa đề xuất 3 giải pháp “khẩn cấp” nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, xác lập thị trường kinh doanh bình đẳng hơn. Đó là bóp băng thông, ngăn chặn nếu sàn hoạt động chui; áp thuế nhập khẩu từ đơn hàng thấp nhất, ra tiêu chuẩn hàng hóa và phạt nặng nếu bán hàng “đểu”, hàng giả; nếu hàng vào thị trường nội địa rồi thì các cơ quan như quản lý thị trường, Hội Bảo vệ người tiêu dùng… phải kiểm tra, xử lý.

Sàn TMĐT Temu chưa đăng ký hoạt động tại VN

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Đỗ Hòa nhấn mạnh: “Mỹ hay một số nước châu Âu không đợi người tiêu dùng khiếu nại, nếu mua hàng từ nhà sản xuất bị lỗi hay hàng giả, chỉ cần tố trên mạng xã hội, những tổ chức bảo vệ người tiêu dùng đến làm việc với nhà sản xuất, kinh doanh và tiến hành các thủ tục phạt rất nặng. EC đã gửi đến Temu yêu cầu cung cấp thông tin về các biện pháp mà nền tảng này đang thực hiện nhằm ngăn chặn việc bán hàng bất hợp pháp. Hàng hóa từ Temu hay sàn TMĐT giá rẻ khác vào thị trường châu Âu, Mỹ đều đang đối diện ngưỡng giá trị tối thiểu để miễn thuế, gọi là “de minimis” đang được áp dụng rộng rãi”.

Đồng tình, chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh cho rằng cần nhanh chóng có các giải pháp để ngăn chặn làn sóng hàng giá rẻ thông qua các sàn TMĐT. Cụ thể, Chính phủ cần nhanh chóng bỏ quy định miễn thuế GTGT cho hàng hóa giá trị dưới 1 triệu đồng gửi qua đường chuyển phát nhanh như hiện nay. Để thực hiện hiệu quả cần phải đầu tư cho đội ngũ con người cùng với công cụ kỹ thuật tiên tiến. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải đẩy mạnh truyền thông để thức tỉnh người tiêu dùng. Ví dụ, sàn Temu liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại giảm giá lớn nhưng nếu xem xét kỹ là sẽ có điều kiện kèm theo. Chẳng hạn khi mua sản phẩm thứ nhất sẽ được giảm X%, mua sản phẩm thứ hai sẽ được giảm Y%… và người tiêu dùng mua nhiều sản phẩm mới được giảm nhiều và đây là một “chiêu trò” lôi kéo người dùng. 

Việc nhiều sàn TMĐT bán hàng giá rẻ được cho là có lợi cho người dùng. Tuy nhiên, đó chỉ là cái lợi trước mắt còn về lâu dài sẽ có tác hại lớn. Ở góc độ người tiêu dùng, khi mua hàng giá rẻ tưởng được lợi nhưng thực tế có nhiều sản phẩm chất lượng thấp, theo kiểu “tiền nào của đó” bởi nhà sản xuất cũng đã tính toán cụ thể sản xuất như thế nào mà vẫn có lợi nhuận. Dần dần, nhiều người bị lệ thuộc và chỉ quan tâm đến giá hàng hóa, hạ thấp tiêu chuẩn chất lượng đồng nghĩa với giảm chất lượng sống và còn tiếp tay “đánh gục” sản xuất trong nước. Do đó, cần nhanh chóng có các giải pháp để ngăn chặn làn sóng này gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng lẫn kinh tế VN.

Áp thuế môi trường, nâng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa

Cơn lốc hàng giá rẻ vào VN không chỉ thông qua các sàn TMĐT mà trên thực tế còn nhập khẩu chính ở nhiều nhóm ngành khác nhau, từ thực phẩm đến hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu… Đây là nguy cơ lớn cho ngành sản xuất trong nước lẫn người tiêu dùng. Chuyên gia Vũ Quốc Chinh nêu ví dụ trước đây ông có lần tham gia đoàn công tác trao đổi với phía Trung Quốc và đề cập việc tại sao xe máy Trung Quốc nhập vào VN chất lượng kém. Khi đó, nhà sản xuất trả lời do đối tác phía VN đặt hàng ở giá quá thấp nên họ phải giảm chất lượng. Thậm chí họ cho biết nếu giá chỉ bớt thêm 6 tệ nữa thôi là chiếc xe không thể hoạt động được. 

Vì vậy, theo ông Chinh, cần siết chặt lại hệ thống phân phối khi nhiều đơn vị vì lợi nhuận mà sẵn sàng đưa “rác” về VN. Đặc biệt, các bộ ngành phải nhanh chóng rà soát tất cả quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nhập khẩu vào VN để bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo chất lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng. 

“Nhiều quy định, tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu trước đây nay không còn theo kịp hoạt động sản xuất hay hàm lượng của nhiều sản phẩm đã thay đổi. Ví dụ trước đây không có tiêu chí về sản xuất xanh, sạch, bảo vệ môi trường thì nay nhiều nước trên thế giới đã ban hành các quy định này đối với sản phẩm nhập khẩu. VN cũng cần nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật để chặn hàng giá rẻ, kém chất lượng tràn vào, tác động tiêu cực cho đời sống người dân và hoạt động của DN”, ông Vũ Quốc Chinh nhấn mạnh.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng phân tích để ngăn chặn làn sóng hàng giá rẻ, VN có thể áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại bằng thuế chống bán phá giá để ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh. Thậm chí không chờ DN gửi đơn kiện, Bộ Công thương cũng có thể khảo sát, điều tra chống bán phá giá như cách EC đang áp dụng với Temu. Tuy nhiên, việc buộc đóng thuế cho gói hàng thấp nhất từ Trung Quốc vào VN có thể chưa khả dụng bởi chính hàng xách tay từ VN sang Trung Quốc có giá trị dưới 28 triệu đồng cũng được miễn thuế. Vì thế, có thể xem xét để áp thuế môi trường. Chẳng hạn, 1 tấn hàng hóa đóng thuế môi trường 5 USD. Bên cạnh đó VN cần đưa ra tiêu chuẩn rõ ràng với hàng hóa nhập khẩu và gia tăng xử phạt với mức rất cao cho hành vi bán hàng giả, hàng lỗi. Cuối cùng là truyền thông, khuyến khích người dùng trong nước mua hàng thông minh hơn.

Còn theo ông Đỗ Hòa, nguy cơ lớn nhất với những cơn bão hàng giá rẻ không chỉ “bóp chết” hàng trong nước mà còn là xả rác khiến việc xử lý môi trường càng khó khăn hơn. “Không những thế, đẩy hàng hóa qua các nước lân cận còn là cách quốc gia này giảm thiểu chi phí tiêu hủy hàng hóa không đạt tiêu chuẩn, hàng kém chất lượng, hàng dỏm… Thực tế cho thấy hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường, đặc biệt trên các sàn TMĐT, thường đi kèm với chất lượng thấp hoặc bị lỗi về kỹ thuật, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhiều nước và chúng được bán cho người tiêu dùng VN. Có thể áp dụng thuế môi trường với lượng hàng hóa này bởi ngay bao bì đựng cũng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường”, ông Hòa nói.

Rủi ro về lộ thông tin cá nhân, thẻ tín dụng

Về kỹ thuật có thể ngăn chặn ngay lập tức bất cứ trang web, sàn TMĐT nào như Temu, Shein… vi phạm các quy định hiện hành. Kể cả cơ quan nhà nước yêu cầu ngăn chặn ứng dụng trên điện thoại di động cũng sẽ thực hiện nhanh chóng. Đối với người tiêu dùng, cần cẩn thận khi sử dụng mua hàng hóa và thanh toán qua thẻ tín dụng tại bất kỳ trang web, sàn TMĐT nào chưa được cấp phép tại VN. Bởi chúng ta chưa biết được việc lưu trữ thông tin người dùng, mã hóa thông tin thanh toán ra sao bởi khi chưa đăng ký hoạt động tại VN cũng có thể chưa đáp ứng được quy định tại Nghị định 13/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hay việc thanh toán trên các trang web, ứng dụng nếu không thông qua các cổng thanh toán tại VN như Payoo, Napas… thì có nhiều rủi ro.

Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu

TMĐT làm tăng lượng rác thải bao bì

Theo Báo cáo “Chất thải nhựa bao bì từ TMĐT tại VN năm 2023” do Hiệp hội TMĐT VN thực hiện, một trong những tác động tiêu cực lớn nhất của TMĐT tới môi trường là làm tăng lượng rác thải bao bì. Các loại bao bì thường được sử dụng trong TMĐT gồm hộp carton, bao bì nhựa, màng xốp hơi… là những loại vật liệu khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường. Năm 2023, quy mô thị trường bán lẻ hàng hóa trực tuyến tại VN ước đạt 17,3 tỉ USD với tổng số gói, kiện hàng hóa là 1,84 tỉ. Báo cáo ước tính năm 2023 TMĐT ở VN sử dụng 332.000 tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171.000 tấn. Do hầu hết rác thải nhựa từ TMĐT chưa được thu gom, tái chế hoặc xử lý thân thiện với môi trường nên tỷ lệ đáng kể rác thải nhựa từ TMĐT sẽ đổ ra biển…


Nguồn

Exit mobile version