Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Công viên bỏ túi từ kinh nghiệm quốc tế đến thực tiễn những không gian xanh nhỏ nhắn trong khu trung tâm TP HCM

Tóm tắt

Với cấu trúc quy hoạch chú trọng thụ cảm thị giác với điểm, tuyến, trục cảnh quan từ giai đoạn đầu xây dựng đô thị Sài Gòn, TP HCM hiện nay có nhiều không gian xanh nhỏ nhắn dạng “công viên bỏ túi”. Hầu hết các không gian này có diện tích khoảng trên dưới 5.000m2 và nằm trong cự ly đi bộ trong khu vực trung tâm TP. Tất cả các loại không gian xanh này có thể khác nhau về vị trí, chức năng và kích thước, nhưng chúng đều có quy mô nhỏ và đóng vai trò công cộng quan trọng của TP. Trong bối cảnh đất đai chật hẹp và đắt đỏ như ở TP HCM hiện nay, các công viên công cộng “bỏ túi” trong khu trung tâm hiện hữu có giá trị hết sức quý giá. Những kinh nghiệm quốc tế cũng xác nhận xu hướng phát triển các không gian xanh dạng “công viên bỏ túi” ở TP HCM, Việt Nam cả về khía cạnh lý thuyết cũng như thực hành thiết kế. Hiện trạng các không gian xanh dạng “công viên bỏ túi” ở khu vực trung tâm TP cho thấy chúng đều là thành phần không thể thiếu trong bản đồ ký ức và định vị nơi chốn của người dân đô thị TP HCM. Quỹ cây xanh trưởng thành, vị trí “kim cương” trong cự ly đi bộ thuận tiện, kết nối liên hoàn là những giá trị nên phát huy của các công viên bỏ túi này. Giá trị của một không gian xanh đô thị không phải chỉ ở kích cỡ của chúng mà còn ở cách tiếp cận kiến thiết chúng. Một không gian xanh nào đó là “công viên bỏ túi” không nằm ở kiểu loại, vị trí hoặc công năng mà nằm ở tính công cộng và quy mô, cự ly thân thiện với của nó với cư dân đô thị. Đó là “điểm nhấn” cảnh quan quý giá cần bảo tồn và phát huy.

Toàn cảnh không gian xanh đô thị và suy nghĩ từ những không gian xanh nhỏ nhắn ở khu trung tâm TP HCM

Tình trạng thiếu hụt các không gian công cộng cũng như công viên xanh đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân là một trong những vấn đề điển hình của đô thị Việt Nam hiện nay. Tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị Việt Nam ở mức từ 2-3m2/người, trong khi chỉ tiêu cây xanh tối thiểu của Liên Hợp Quốc là 10m2/người và chỉ tiêu của các TP hiện đại trên thế giới từ 20-25m2/người.

TP HCM là trung tâm kinh tế của cả nước, đồng thời là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất của cả nước. “Sự thiếu hụt công viên” là một hạn chế dễ thấy trong chất lượng sống TP. Theo Đề án phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020-2030, tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh toàn TP trong các đồ án quy hoạch lên đến 11.369 ha, tương ứng với chỉ tiêu 7m2/người nhưng thực tế hiện nay tổng diện tích công viên hiện hữu là chỉ khoảng 508 ha tương ứng với tỷ lệ 0,55m2/người.

Sự quan tâm đến không gian xanh và công viên công cộng là tất yếu trong đời sống đô thị đương đại. Chúng không chỉ có tác động tích cực đến môi trường tự nhiên, sức khỏe thể chất mà còn tạo ra cơ hội tái tạo sức lao động và sức sáng tạo cho cộng đồng. Những không gian cảnh quan công cộng chính là chìa khóa để tạo ra sự kết nối giữa con người với nhau, giữa con người và thiên nhiên trong bối cảnh cuộc sống đô thị nhiều áp lực. Các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, rèn luyện thân tâm trí cho cư dân đô thị đương đại tạo ra nhu cầu sử dụng rất lớn trong các công viên công cộng, trong khi tại các đô thị Việt Nam hiện nay nói chung và TP HCM nói riêng, các công viên công cộng quy mô lớn nhìn chung chưa được đáp ứng được các yêu cầu trên.

Biểu đồ so sánh quỹ đất công viên hiện hữu và quy hoạch TP. HCM
(Nguồn: Sở Xây dựng TP HCM)

Từ số liệu quy hoạch đất công viên đầy kỳ vọng, có thể thấy mức độ quan tâm và những nỗ lực của TP trong công tác gia tăng diện tích cây xanh công viên phục vụ công cộng đáp ứng nhu cầu cộng đồng. Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế nhất định về năng lực quản lý, nguồn lực đầu tư, quỹ đất phát triển dẫn đến tốc độ phát triển còn chậm. Theo thống kê, từ năm 2012-2019, tổng diện tích công viên, mảng xanh của TPHCM tăng thêm ước tính chỉ khoảng 168,37ha. Trong đó, diện tích công viên công cộng tập trung chỉ tăng thêm khoảng 13,25ha, chiếm tỷ lệ 7,8%. Đối diện bài toán đầy thách thức phức tạp cho việc phát triển không gian xanh sinh thái trong khi tài nguyên đất và ngân sách đầu tư hạn chế, cần những suy nghĩ và hành động mới gắn liền với thực tiễn, cần chú trọng tận dụng những nguồn lực sẵn có, học những bài học từ hiện trạng và sáng tạo để giải quyết bài toán, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân trong không gian đô thị.

Với sức ép phát triển đô thị hóa mật độ cao ở TP. Hồ Chí Minh, có nhiều diện tích không gian mở ngày càng giảm và bị chiếm dụng bởi các ưu tiên khác. Trong môi trường đông đúc của một siêu đô thị, nhu cầu tiếp cận các tiện ích tự nhiên và xã hội đô thị trở nên cấp thiết. Trong khi đó, diện tích đất trống lớn để xây dựng các công viên lớn mới là khó khả thi. Tất cả những nghịch lý này dẫn đến ý tưởng kế thừa hình thái cấu trúc không gian xanh hiện có ở khu trung tâm TP, học hỏi và đưa loại hình này thành một hình mẫu mới, gia tăng diện tích không gian công cộng sinh thái phù hợp cho sự phát triển mật độ cao trong tương lai ở TP HCM.

Theo hình dung chung của đại bộ phận công chúng, công viên là một khu vực xanh công cộng rộng lớn thường thấy ở các khu vực thành thị. Theo Tiêu chuẩn quy hoạch cây xanh các tiện ích công cộng trong đô thị (TCVN9257:2012), cây xanh công cộng bao gồm công viên, vườn hoa, cây xanh đường phố. Tuy nhiên, khá nhiều không gian xanh công cộng ở khu vực trung tâm TP HCM không đáp ứng được yêu cầu về diện tích tối thiểu ngay cả đối với một vườn hoa, theo tiêu chí mà tiêu chuẩn này đặt ra (bảng 1).

Bảng 1. Diện tích đất tối thiểu của các loại công viên theo TCVN 9257-2012

Trong cấu trúc hình thái đô thị khu trung tâm hiện hữu của TP HCM, các không gian xanh công cộng có diện tích nhỏ hơn cả diện tích tối thiểu của vườn dạo trong tiêu chuẩn này là một cấu phần quan trọng của đời sống đương đại, có vai trò thiết thực, hiệu quả trong cải thiện chất lượng sinh thái môi trường, cũng như tạo không gian cảnh quan cho sinh hoạt cộng đồng, góp phần kiến tạo các giá trị văn hóa nghệ thuật cho xã hội. Những cái tên như Công trường Quốc tế (hồ Con Rùa), Công trường Lam Sơn (trước nhà hát TP), Công trường Hòa Bình (trước Bưu điện TP và Nhà thờ Đức Bà), công viên Chi Lăng, công viên Bách Tùng Diệp,… là những minh chứng điển hình của loại hình không gian xanh nhỏ nhắn như là “bỏ túi” này. Trong bối cảnh đất đai chật hẹp và đắt đỏ như ở TP HCM hiện nay, các không gian nhỏ nhắn mà tác giả gọi chung là “Công viên bỏ túi” này có giá trị hết sức quý giá và đóng góp quan trọng cho đời sống công cộng của cư dân TP (Hình 2).

Hệ thống so sánh đồng tỷ lệ của các “công viên bỏ túi” ở TP. HCM
(Nguồn: TA Landscape )

Tiếp cận từ kinh nghiệm thế giới đối với loại hình công viên “bỏ túi”

Nhìn ra thế giới, vấn đề thiếu không gian xanh và chủ trương thúc đẩy không gian công cộng, sinh thái thông qua phát triển loại hình “công viên bỏ túi” là một xu hướng, bắt đầu từ giữa thế kỷ trước. “Công viên bỏ túi” (pocket park), hay còn được gọi tên với những thuật ngữ khác như là: “Công viên tiền sảnh” (vestibule parks), “Công viên túi áo” (vestpocket parks), “Công viên nhỏ (mini-parks), “Khoảng lõm xanh” (green pockets), hay “Công viên góc phố” (street corner parks),… Loại hình không gian xanh “bỏ túi” này có nguồn gốc từ quá trình tái thiết các TP châu Âu sau Thế chiến II với một số khu vực bị chiến tranh tàn phá đã được chuyển đổi thành công viên nhỏ trong thời gian đó. Ở Hoa Kỳ, ý tưởng về loại hình không gian xanh “bỏ túi” này xuất hiện lần đầu vào những năm 1950 và thuật ngữ “Công viên bỏ túi” (pocket park) lần đầu tiên được sử dụng để gọi “không gian mở đô thị ở quy mô nhỏ và cung cấp một môi trường an toàn và hấp dẫn cho các thành viên cộng đồng xung quanh” vào những năm 1960 [3]. Một trong những công viên bỏ túi nổi tiếng nhất là công viên Paley ở Manhattan, New York, được đề xướng bởi thiết kế của Zion, xuất phát từ một cuộc triển lãm mang tên “Công viên New York cho TP New York” vào tháng 5/1963. Trong triển lãm này, Zion đã trình bày những thiết kế điển hình cho các không gian xanh nhỏ, khoảng 15x30m giữa các tòa nhà nơi công nhân và người mua hàng có thể ngồi và tìm một chút thời gian nghỉ ngơi.

Công viên Paley Park, New York – “Nguyên mẫu” đầu tiên của loại hình
“Công viên bỏ túi” (Nguồn: Paley Park)

Trải qua hơn nửa thế kỷ, khái niệm “công viên bỏ túi” đến nay đã có sự tiến hóa, phát triển với đa dạng các định nghĩa khác nhau từ các học giả, cũng như những nhà thực hành thiết kế, quy hoạch, cùng sự xuất hiện nhiều thể loại, loại hình, bao gồm cả những cảnh quan tạm thời (pop-up landscape) hoặc cảnh quan “du kích” (guerilla landscape), hoặc những khu vực thuần túy hạ tầng kỹ thuật như vòng xoay giao thông, khu xử lý nước thải,…

Các “công viên bỏ túi” dạng đảo giao thông ở Anh, Mỹ, Singapore, Tây Ban Nha
(Nguồn: Landezine)

Có thể nói, từ những định nghĩa ban đầu về “công viên bỏ túi” nay đã được mở rộng phạm vi khái niệm đáng kể. Từ hình mẫu của Paley Park nhỏ nhắn, nay dần dà “công viên bỏ túi” đã mở rộng định nghĩa về mặt diện tích để tập trung vào đặc tính công cộng và phi truyền thống của chúng trong cấu trúc không gian đô thị hiện đại. Có những trường hợp như Pocket Park ở đường Xinhua, TP Shanghai do SHUISHI thiết kế với diện tích chỉ 106m2 hay Coax Road Poket Park của VIAScape Design trong khuôn viên 140m2,… nhưng vẫn hấp dẫn, độc đáo, thu hút. Ngược lại, cũng có những không gian xanh như North Point Gateway and Pocket Park ở Boston có diện tích tổng lên đến hơn 1ha, nhưng cũng được xếp vào hạng mục “công viên bỏ túi”.

Các “công viên bỏ túi” đa dạng về quy mô, vị trí, loại hình, tính chất ở Trung Quốc (Nguồn: Archdaily)

Đến nay, các nghiên cứu trên thế giới thống nhất tiêu chí chung rằng các “công viên bỏ túi” là không gian xanh có diện tích dưới một ha [5], cho phép sử dụng công cộng. Thực tế phần lớn “công viên bỏ túi” hiện nay có diện tích nhỏ hơn nửa héc-ta [4], rải rác ở nhiều nơi, dưới nhiều hình dạng, hình thức sở hữu. Trên các diễn đàn chuyên môn kiến trúc hàng đầu thế giới như archdaily.com hay của kiến trúc cảnh quan như landezine, hạng mục “pocket park” cũng rất sôi động, thú vị với nhiều dự án đa dạng về quy mô, tính chất, địa điểm cũng như giao diện. Điểm chung của các “Công viên bỏ túi” là không gian mở có quy mô kích thước nhỏ hơn hầu hết các công viên đô thị, thường được tạo ra từ các lô đất trống, mái nhà và các không gian bị lãng quên và không sử dụng khác, rải rác khắp cấu trúc đô thị, phục vụ trực tiếp cho cư dân và du khách.

Thực tiễn trên thế giới, các “công viên bỏ túi” có tiềm năng thành công mang đến sự kết nối giữa con người với con người và con người với thiên nhiên trong tầm thuận tiện, thú vị và hiệu quả trong bối cảnh khan hiếm thời gian cho cơ hội tiếp xúc ngoài trời của cuộc sống đô thị. Kích thước vừa tầm của loại hình không gian xanh đã được chứng minh là có mối tương quan tích cực với tần suất đi bộ, tập thể dục và thư giãn, đáp ứng nhu cầu đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân. Có thể nói, do đặc điểm kích thước nhỏ, phân tán rải rác nhiều nơi giúp cho “công viên bỏ túi” có kích thước thân thiện với con người và khả năng tiếp cận thuận tiện, gia tăng tần suất sử dụng trong môi trường đô thị có mật độ xây dựng cao.

Roche Pocket Park, đóng vai trò là trung gian giữa văn hóa và thiên nhiên, được thiết kế theo tham số lan rộng như một dải thấm từ cảnh quan cứng đến cảnh quan mềm (Nguồn: Landezine)

Tóm lại, tiêu chí duy nhất của công viên bỏ túi là quy mô, và tính chất công cộng của chúng như một công viên. Không gian xanh công cộng, bất kể hình dạng, vị trí hay môi trường ranh giới của chúng, đều có thể được phân loại là công viên bỏ túi miễn là chúng đáp ứng các yêu cầu của khu vực. Các công viên bỏ túi ở các khu vực mật độ cao được đặc trưng bởi bố cục linh hoạt, gần các dịch vụ, khả năng tiếp cận hàng ngày, chi phí thấp và bảo trì thuận tiện. Những đặc điểm này khiến chúng phù hợp với các môi trường phức tạp, mật độ cao. Công viên bỏ túi có thể cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái, lấp đầy khoảng trống do thiếu công viên lớn và cung cấp không gian nơi cư dân có thể tham gia các hoạt động giải trí ngoài trời và hình thành các kết nối xã hội và tự nhiên đa dạng. Do đó, chúng thường được sử dụng như một công cụ để phục hồi cộng đồng đô thị, giảm bớt sự mất cân bằng giữa cung và cầu không gian mở và cũng được coi là những nơi có giá trị có thể hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy sức khỏe tâm thần, cũng như đóng góp vào tính bền vững về mặt xã hội và sinh thái.

Đặc biệt ở các TP châu Á đang “quá trình đô thị hóa nhanh chóng thường làm suy thoái những không gian xanh cho các mục đích sử dụng đất khác”, lợi ích của “công viên bỏ túi” trở nên vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị. Phát triển hình thái các không gian xanh dạng “công viên bỏ túi” có thể là cơ hội để khôi phục hạ tầng thiết yếu cung cấp cây xanh nhiều hơn cũng như tạo điều kiện giao tiếp giữa bề mặt cảnh quan và mạng lưới nước ngầm, sự sống dưới lòng đất, góp phần cân bằng giữa con người và thiên nhiên. Bên cạnh tác động về mặt sinh thái, “công viên bỏ túi” có tiềm năng đáp ứng linh hoạt nhu cầu của cộng đồng với nhiều chức năng khác nhau, bao gồm không gian tổ chức sự kiện, khu vui chơi cho trẻ em, không gian thư giãn hoặc gặp gỡ bạn bè, … Chính nhờ sự nhỏ nhắn, phân tán mà gắn kết trực tiếp với cộng đồng, cả nơi ở lẫn nơi làm việc nên hiệu năng phục vụ cũng như hiệu quả sinh thái nhân văn của loại hình “công viên bỏ túi” là rất tốt trong bối cảnh đô thị hiện đại. Bên cạnh đó, chính sự gắn kết với khung cảnh, với văn hóa cộng đồng, thân thiện với tỷ lệ nhân văn nên các “công viên bỏ túi” có tiềm năng tạo lập cá tính không gian độc đáo, có tính nhận dạng địa điểm và đóng góp cho bản sắc kiến trúc cảnh quan địa phương.

Nền tảng cơ sở của sự phát triển rộng rãi loại hình “công viên bỏ túi”

Các không gian xanh nhỏ nhắn kiểu “công viên bỏ túi” được phát triển rộng rãi thành xu hướng trong kiến trúc cảnh quan đương đại là dựa trên cách tiếp cận đa dạng, linh hoạt, cả chiều cạnh chính sách quản lý chính quy cũng như những giải pháp “du kích” từ dưới lên.

Xét từ góc độ chính sách, loại hình “công viên bỏ túi” được ra đời, thành công ở các nơi là một biểu hiện rõ của cơ chế “nhà nước và nhân dân cùng làm”, “tích tiểu thành đại”, “tầm nhìn toàn cầu, sáng kiến địa phương”. Sự lan tỏa, phát triển của các công viên bỏ túi nhờ vào sự vận dụng, thích ứng của nhà cầm quyền, đơn vị quản lý, vận hành đô thị, cũng như sự tham gia của các bên liên quan. Các bên cùng học tập kinh nghiệm thành công nước ngoài, vận dụng sáng tạo vào đúng bối cảnh của chính địa phương, cả về mặt pháp lý cũng như cơ chế huy động. Một trong những điển hình thành công là New York với chính sách hệ số thưởng dành cho những nhà đầu tư có chính sách phát triển các quảng trường (plaza) gắn kết công trình của họ theo cách tiếp cận “các bên cùng có lợi”. Các nhà đầu tư có thêm diện tích sử dụng của kiến trúc để kinh doanh, cư dân đô thị và chính những người lưu trú, làm việc, sử dụng tiện ích xung quanh công trình kiến trúc đó và cả những du khách, khách vãng lai đô thị cũng được hưởng thụ chuỗi những không gian công cộng được thiết kế cảnh quan tốt phục vụ. Quỹ The Trust for Public Land cũng ban hành bộ hướng dẫn Pocket Park Toolkit để thúc đẩy các bên liên quan phát triển cộng hưởng loại hình công viên bỏ túi. Bộ hướng dẫn này cũng phân loại “Công viên bỏ túi” thành các nhóm bao gồm: Không gian mở, Sân chơi, Vườn cộng đồng và Quảng trường đô thị (Open Space, Playgrounds, Community Gardens, Urban Plazas).

Xét từ góc độ tiếp cận từ dưới lên, với chuyên môn thiết kế, các “công viên bỏ túi” được xem như là các cơ hội lớn để các kiến trúc sư, kiến trúc sư cảnh quan, các nhà quy hoạch, thiết kế đô thị thỏa sức sáng tạo, phát huy sáng kiến, gắn bó với cộng đồng để cho ra đời sớm nhất những công trình mang tính tiên phong. Các “công viên bỏ túi” thường được sự hưởng ứng rất tốt từ người dân địa phương cũng như các du khách. Sự tham gia của các bên liên quan một cách thiết thân, đồng thuận về lợi ích cũng tạo điều kiện để sớm hiện thực hóa những “công viên bỏ túi” cũng như duy trì sự vận hành hiệu quả, thiết thực của những không gian xanh nhỏ nhắn này.

Tiền đề và tiềm năng các “công viên bỏ túi” ở khu vực trung tâm TP HCM

Với cấu trúc quy hoạch chú trọng điểm nhìn, tuyến trục cảnh quan từ giai đoạn đầu xây dựng đô thị Sài Gòn, TP HCM hiện nay có nhiều không gian xanh nhỏ nhắn dạng “công viên bỏ túi”. Hầu hết các không gian này có diện tích khoảng trên dưới 5.000m2 và nằm trong cự ly đi bộ trong khu vực trung tâm TP.

Tất cả các loại không gian xanh này có thể khác nhau về vị trí, chức năng và kích thước, nhưng chúng đều có quy mô nhỏ và đóng vai trò công cộng quan trọng của TP. Để phát huy và tích hợp loại hình “công viên bỏ túi” này trong đời sống đương đại, đầu tiên cần phải nhận dạng hình thái của chúng trong cấu trúc đô thị hiện hữu. Hiện nay, ở TP HCM, dạng không gian “công viên bỏ túi” có thể chia làm hai loại hình chính:

Bản đồ các “công viên bỏ túi” trong khu trung tâm TP. Hồ Chí Minh
(Nguồn: TA Landscape Architecture)

Loại hình thứ nhất là nút giao đường phố hoặc bùng binh vòng xoay được hình thành cùng với cấu trúc hình thái bố cục mạng lưới đường trong đô thị Sài Gòn xưa. Đặc tính hình học của mạng lưới đường giao thông cũng như hướng tạo hình beaux-art ở đô thành Sài Gòn đã tạo ra nhiều nút giao kích thước lớn, có hạt nhân là một không gian xanh. Các không gian xanh này bên cạnh chức năng điều tiết ở nút giao thông, lại mang tiềm năng lớn trở thành điểm gặp gỡ công cộng thu hút và lưu giữ sâu trong ký ức mọi người, mang tiềm năng tạo thành không gian công cộng mang tính điểm nhấn, đánh mốc (landmark) trong trung tâm đô thị. Đặc biệt ở Sài Gòn, loại địa điểm này được gọi là “công trường”, có nghĩa là sự kết hợp giữa “công viên” và “quảng trường”, vừa dành cho không gian xanh và vừa dành cho tiện ích công cộng, hai trong một.

Công trường Quốc tế (Hồ Con Rùa), Công trường Hòa Bình (Nhà thờ Đức Bà – Bưu điện) hiện trạng (Nguồn: VnExpress.net), Công trường Lam Sơn (Nhà hát TP) Công trường Mê Linh (Bờ sông Sài Gòn) sau khi cải tạo cảnh quan (Nguồn: TA Landscape Architecture)

Loại hình thứ hai của công viên bỏ túi ở trung tâm TP HCM đến từ không gian gắn liền hoặc gần các tòa nhà công cộng như trụ sở hành chính hoặc các tòa nhà cao ốc văn phòng hoặc thương mại. Khi các công trình này được xây dựng, thường chúng cũng được hoạch định có những điểm nhấn là một vườn hoa phía trước hoặc một không gian xanh kề bên được thiết kế cộng hưởng với công trình. Các “công viên bỏ túi” trong tình huống này cần phải đáp ứng các hoạt động gắn liền với chức năng của kiến trúc mà chúng gắn với nhưng lại có tính đại chúng khi người sử dụng không gian xanh này không chỉ là người đến tòa nhà mà còn là cộng đồng cư dân đô thị nói chung. Trong hệ thống pháp lý quy hoạch và thiết kế đô thị đương đại, hầu như chắc chắn sẽ có không gian trống còn lại từ việc quy định mật độ xây dựng tối đa của các tòa nhà. Việc các không gian trống này được thiết kế thành “công viên bỏ túi” phục vụ cộng đồng là một giải pháp “các bên cùng thắng” khi người đầu tư không gian xanh có được thương hiệu, sức thu hút cho bất động sản của mình mà không tốn quá nhiều chi phí, còn cư dân đô thị có được tiện ích công cộng được thiết kế tốt, chăm sóc tốt. Điểm hay của loại hình này ở chỗ mặc dù chúng có tính công cộng cao nhưng chúng lại có thể được sở hữu, bảo trì, vận hành bởi tư nhân. Sự tham gia của nhiều bên, với nhiều nguồn lực được xã hội hóa, giúp gia tăng tính sống động, hiệu quả về mặt đầu tư và phục vụ cộng đồng.

Thiết kế đề xuất cải tạo cảnh quan Công viên Bách Tùng Diệp và công viên Chi Lăng (Nguồn: TA Landscape Architecture)

Hiện trạng các không gian xanh dạng “công viên bỏ túi” cho thấy chúng đều là một thành phần không thể thiếu trong bản đồ ký ức và định vị nơi chốn của người dân đô thị TP HCM. Trong tổng thể khan hiếm không gian xanh trong đô thị mật độ cao hiện nay, việc tái đầu tư, cải tạo, gia tăng chất lượng các “công viên bỏ túi” này ở TP HCM là một lựa chọn phù hợp và đúng đắn, hiệu quả. Quỹ cây xanh trưởng thành, vị trí “kim cương” trong cự ly đi bộ thuận tiện, kết nối liên hoàn là những giá trị nên phát huy của các công viên bỏ túi này.

Trong giai đoạn khoảng từ 2018 đến nay, TP HCM đã có rất nhiều những không gian xanh nhỏ nhắn dạng “công viên bỏ túi”, được tái khám phá, tái thiết, tái tạo để gia tăng đời sống cộng đồng sống động trong khu trung tâm TP như dự án Công trường Lam Sơn, công trường Mê Linh, Công viên Bến Bạch Đằng,… hoặc đang được lên kế hoạch như Công viên Chi Lăng, công viên Bách Tùng Diệp, công trường Quốc tế (hồ Con Rùa).

Quan sát quá trình tái thiết cũng như trực tiếp tham gia vào các dự án, đối chiếu với kinh nghiệm quốc tế, các tác giả đúc kết các nguyên tắc thiết kế, tái khám phá và tái sáng tạo các không gian xanh “bỏ túi” ở khu trung tâm TP HCM bao gồm:

  • Tuyệt đối tương tác trên sự tôn trọng tối đa bối cảnh, cả về sinh thái hiện hữu lẫn ký ức cộng đồng;
  • Kiến tạo môi trường lấy con người làm trung tâm, lấy không gian cảnh quan làm phương tiện tạo hình chủ đạo;
  • Thiết kế công viên bỏ túi cho đa dạng người sử dụng, trong đa dạng khung thời gian ngày thường cũng thích ứng với nhiều kịch bản sử dụng trong những dịp đặc biệt;
Các không gian xanh dạng “công viên bỏ túi” trong khu trung tâm TP. Hồ Chí Minh được tái tạo và phát huy trong đời sống công cộng đô thị (Nguồn: TA Landscape Architecture)

Trong giai đoạn sắp tới, có thể quá trình thực thi các dự án “công viên bỏ túi” sẽ đúc kết thêm những kinh nghiệm từ địa phương để đối sánh với quốc tế và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển loại hình cảnh quan thiết yếu dạng “công viên bỏ túi” này cho đời sống cộng đồng của các không gian công cộng ngày một tốt, đẹp hơn.

Kết luận

Giá trị của một không gian xanh đô thị không phải chỉ ở kích cỡ của chúng mà còn ở cách tiếp cận kiến thiết chúng. Một không gian xanh nào đó là “công viên bỏ túi” không nằm ở kiểu loại, vị trí hoặc công năng mà nằm ở tính công cộng và quy mô, cự ly thân thiện với của nó với cư dân đô thị. Đó là “điểm nhấn” cảnh quan quý giá cần bảo tồn và phát huy.

 

TS.KTS. Vũ Việt Anh, TS. KTS. Phạm Thị Ái Thủy
ThS.KTS. Khổng Minh Trang,
ThS.KTS. Phan Thị Thanh Hiền
KTS. Phạm Ngọc Thắng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 7-2024)


Tài liệu tham khảo
1. A. A. Gavrilidis, A.-M. Popa, D. A. Onose and S. . R. Gradinaru, “Planning small for winning big: Small urban green space distribution patterns in an expanding city,” Urban Forestry & Urban Greening, 2022.
2. A. Tate, Great City Parks, Routledge, 2015.
3. Blake A., (2013), Pocket Parks, http://depts.washington.edu/open2100/pdf/2_OpenSpaceTypes/Open_ Space_Types/pocket_parks.pdf
4. Bộ Xây dựng, “Cần phát triển công viên, cây xanh đô thị đáp ứng nhu cầu xã hội,” 2023.
5. Bộ Xây dựng, “Phát triển đô thị Việt Nam – những vấn đề đặt ra trong giai đoạn tới,” 2022.
6. Clare Cooper Marcus and Carolyn Francis, People Places: Design Guidelines for Urban Open Space, 2nd Edition, John Wiley and Sons Inc., New York, 1998
7. Dong, Jing & Guo, Ruonan & Guo, Fei & Guo, Xiaoming & Zhang, Zhen., Pocket parks – A systematic literature review. Environmental Research Letters. 18. 10.1088/1748-9326/ace7e2, 2023.
8. G. R. Gozalo and J. M. B. Morillas, “Perceptions and use of urban green spaces on the basis of size,” Urban Forestry & Urban Greening, 2019.
9. M. A. van den Bosch, P. Mudu, V. Uscila, M. Barrdahl, “Development of an urban green space indicator and the public health rationale,” Scandinavian Journal of Public Health, 2015.
10. “National recreation and park association,” [Online]. Available: https://www.nrpa.org/contentassets/f768428a39aa4035ae55b2aaff372617/pocket-parks.pdf.
11. P. B. Krishnan, S. Maruthaveeran, S. Maulan, “Investigating the usability pattern and constraints of pocket parks in Kuala Lumpur, Malaysia,” Urban Forestry and Urban Greening, 2020.
12. Seymour W N (1969), Small urban spaces: the philosophy, design, sociology, and politics of vest-pocket parks and other small urban open spaces, New York University Press
13. Sở Xây Dựng TP HCM, “Chương trình Phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2030,” 2022.
14. TCVN9257-2012, “Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị – Tiêu chuẩn thiết kế,” 2012.
15. V. V. Anh, “Hình thái Không gian mở Đô thị,” Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 10/2013, 2013.
16. The Trust for Public Land (2020), Pocket Park Toolkit, https://www.tpl.org/wp-content/uploads/2020/06/Pocket-Park-Tool-Kit_FINAL.pdf,

 



Nguồn

Exit mobile version