Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Có một chữ Văn trong kiến trúc Việt

Cách đây hơn 10 năm, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính viết cuốn “Văn hóa Kiến trúc” gồm hai phần: Về Văn hóa kiến trúc nói chung và về Bảo tồn tôn tạo – Nhà Tri thức xuất bản. Nay Anh xin được gọi vậy, sắp xếp và bổ sung thêm các bài mới và tách ra thành hai quyển. Quyển này cũng có tiêu đề “Văn hóa Kiến trúc”, gồm hai phần: Phần 1 – “Về nền Kiến trúc hôm nay”, Phần 2 – “Tản mạn về Kiến trúc”.

Quyển “Văn hóa Kiến trúc” tái bản và bổ sung, mở ra 4 cánh cửa để bước vào 4 lãnh địa của Kiến trúc Việt Nam.

“Cửa trước” là tổng quan về Kiến trúc Việt Nam, đặc biệt về bản sắc kiến trúc. Có tới 6 bài bàn về “bản sắc” với các định nghĩa, nhận định và giải thích minh tường và cặn kẽ.

Hai “cánh cửa” hai bên là “Hành nghề kiến trúc” và “Bản thể kiến trúc”. Những vấn đề của hành nghề như: Sáng tác, Phê bình-lý luận, Đào tạo, Tính sáng tạo, Thật và giả… được anh chiết lọc và “viên” lại thành những định đề sắc lẹm, “… không thể lấy tập thể làm thay chủ thể sáng tạo” như khi bàn về Hội đồng tư vấn. Các lĩnh vực của bản thể kiến trúc Việt như: Đô thị, Nông thôn, Làng Việt, Ngôi nhà, Dãy phố, Cái ngõ cái ngách… được con chữ khuôn thành những thực thể lồ lộ đáng yêu, ngỡ ngàng, đầy hoài niệm, kỳ vọng và dây dứt…

“Cảnh cửa” vườn sau là tản mạn, phiếm bàn về những biểu hiện văn hóa đời thường của Kiến trúc Việt. Ngôi nhà gỗ, ngõ Tạm Thương, Cổng làng Việt, cây gạo đầu làng, cây sấu trên phố Phan Đình Phùng… hay sự chừng mực của ngôi nhà Việt xưa, cái sự phong lưu… những định đề, cách ngôn kiểu như “Nhà Việt che mà không ngăn… Ăn đơn giản nhẹ bụng, Nhà ít đồ nhẹ người” – Chúng là những sắc màu của hoa của lá, là dáng vẻ là thế đứng của cây trong cái “vườn sau” này. Thấm cái chất “vườn” này ta thư thả, miên man và khám phá mạch nguồn của Kiến trúc Việt

Ngót 300 trang sách hiện rõ hình hài, xu hướng và sự phát triển của Kiến trúc Việt Nam đương đại. Từ làng đến phố, từ nhà tập thể đến chung cư, từ tiểu khu đến các dự án đô thị, từ cái mộc của làng quê đến cái nhại cổ phương tây đương thời, từ mô phỏng các biểu trưng truyền thống đến các sáng tạo kiến trúc trên nền các giá trị truyền thống được anh cắm vào các ổ nhớ của Kiến trúc Việt. Khi đọc quyển sách này, như có một cơn gió nhẹ thoảng qua và vương vấn mãi trong tôi là các giá trị của Kiến trúc truyền thống. Từ ngôi nhà gỗ mộc mạc 3 gian, 5 gian đến ngôi làng Việt tự tại và con phố Việt buông tuồng nề nếp… chiết ra, thấm ra cái đẹp, nỗi nhớ, cái hồn cốt và cách ứng xử trong cộng đồng và với thiên nhiên.

Anh, giải nghĩa các vấn đề rất ngắn gọn, với một triết luận rất rõ ràng: Từ thói quen trở thành tập quán, từ tập quán chiết ra truyền thống. Đô thị hóa lãnh thổ khác với Thành thị hóa dân cư. Từ các “hình tượng và hình hài truyền thống” còn lâu mới chớm chân vào sáng tạo. Những giải nghĩa ngắn gọn và cô đúc ấy cần một kiến thức nền dày và chắc, một chất men văn hóa say quện và lan tỏa.

Văn của anh không ngắn, không dài, đủ để đọc nhẹ nhàng. Ngắt câu làm cho cái đọc chầm chậm mà không chậm. Cái duyên của câu văn, độ ngấm của tư duy, hóm hỉnh trong nhận xét, mức tinh tế trong cảm nhận hiện tượng… thể hiện qua ngôn ngữ chừng mực, trong nhả chữ ghép từ. “Tổ người”, “cán bộ hóa nhà chuyên môn”, “quỹ kiến trúc”, “ngõ phố đời người” hay sự rạch ròi của cái “bi” và cái “tráng” trong thiết kế nghĩa trang… là những thuật ngữ được Anh, “đẻ” ra, nuôi dưỡng trong nhiều bài viết. Tác giả như vừa đi vừa nhặt những cái vô thường hay quen thuộc rồi bỏ vào trong chữ làm nên cái mới, cái lạ, cái đáng xem, đáng nghĩ.

Vinh dự được Anh bảo viết mấy dòng làm lời tựa, đọc và thấm được mấy điều kể trên, chắc bạn đọc sẽ phát hiện nhiều điều hay và thú vị hơn qua 60 bài viết của quyển sách “Văn hóa Kiến trúc”.

KTS Nguyễn Luận
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 4-2024)



Nguồn

Exit mobile version