Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Chuyển khoản nhầm, gian nan đòi lại tiền

Nhiều trường hợp ngậm ngùi mất tiền

Ngày 12.6, bà N.T.K.S (TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) sử dụng app ngân hàng Agribank chuyển khoản cho người quen nhưng chẳng may bấm nhầm một số nên 10 triệu đồng chạy thẳng vào tài khoản của một người đàn ông tên L. mở tại MB. Bà N.T.K.S vội chạy ra Agribank gửi đơn đề nghị hỗ trợ thu hồi tiền giao dịch do chuyển sai tài khoản. Đến cuối tháng 6, người phụ nữ này nhận được thông tin từ ngân hàng là người nhận tiền 10 triệu đồng không chịu trả. Để được hỗ trợ nhận lại tiền, bà N.T.K.S đã phải nộp đơn qua cơ quan công an trình báo.

Khách hàng thận trọng xem thông tin trước khi chuyển khoản

Tương tự, bà N.T.Y.M (TP.HCM) thực hiện chuyển 100 triệu đồng trên app do bất cẩn chuyển khoản số tiền trên vào tài khoản người lạ. Sau khi biết chuyển nhầm tiền, bà N.T.Y.M thực hiện thêm 1 lệnh chuyển tiền khác vào số tài khoản trên với số tiền 5.000 đồng, nội dung xin lại số tiền đã chuyển nhầm và số điện thoại liên lạc. Thế nhưng, không ai liên lạc lại.

Vì thế, bà N.T.Y.M thông báo lên Vietcombank nhờ hỗ trợ do tài khoản nhận cũng trong hệ thống Vietcombank. Gần 10 ngày trôi qua, bà N.T.Y.M nhận được phản hồi từ phía ngân hàng là hiện vẫn chưa liên lạc được với chủ tài khoản. “Tiền lương hưu của tôi mỗi tháng 8 triệu đồng, nên số tiền 100 triệu đồng nếu không đòi được thì tương đương mất cả một năm lương hưu. Không biết trong trường hợp chủ tài khoản trên không liên lạc được thì tôi có lấy lại được tiền hay không”, bà N.T.Y.M than thở.

Cách đây 2 tuần, anh N.Đ.S (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng chuyển nhầm 15 triệu đồng. Anh N.Đ.S xin thông tin chủ tài khoản nhận tiền để đòi nhưng phía ngân hàng từ chối. Nhân viên ngân hàng cho biết, họ sẽ liên lạc với tài khoản người nhận để thuyết phục. Trong trường hợp khách hàng không trả tiền, họ sẽ thông báo lại cho anh S nhưng đến nay chưa có thông tin gì.

Chị H.T (Sơn Tây, Hà Nội) chuyển nhầm 5 triệu đồng, đã xin được số điện thoại liên lạc với chủ tài khoản nhận tiền nhưng chị chưa kịp trình bày xong thì bên kia tắt máy. Sau đó, bất chấp chị gọi điện, nhắn tin, đầu bên kia không trả lời. Muốn lấy lại, chỉ còn cách báo công an theo quy định nhưng số tiền không lớn, chị đành ngầm ngùi chấp nhận mất.

Theo các nhân viên ngân hàng, trong trường hợp chuyển nhầm tiền, nhân viên ngân hàng sẽ chủ động liên lạc và thuyết phục chủ tài khoản đồng ý chuyển lại tiền cho người chuyển. Nhiều trường hợp người nhận chuyển trả lại tiền chuyển nhầm ngay. Thế nhưng cũng có trường hợp người nhận không chịu trả, ngân hàng sẽ thông báo cho người nhận tiền để họ trình báo công an hay kiện ra tòa để đòi lại số tiền trên. Còn ngân hàng không được phép can thiệp, khoanh số tiền trên tài khoản của người nhận.

Không trả tiền chuyển nhầm dễ đi tù

Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước -chi nhánh TP.HCM cho biết người chuyển khoản nhầm về cơ bản sẽ lấy lại được tiền. Trong trường hợp này, người chuyển khoản cần liên hệ ngay với ngân hàng của mình để báo cáo về giao dịch chuyển khoản nhầm. Ngân hàng sẽ tiến hành xác minh và liên hệ để hỗ trợ. Nhưng như nói trên, rất nhiều trường hợp không trả lại. Một cán bộ công an TP.HCM khuyên, cùng với việc báo ngân hàng, người chuyển khoản nhầm báo công an phường nơi người đó cư trú để được hỗ trợ. Bởi dù Nghị định 52/2024 ngày 15.5.2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt áp dụng từ ngày 1.7, tài khoản ngân hàng có thể bị phong tỏa trong các trường hợp nhưng ngân hàng không áp dụng biện pháp phong tỏa để xử lý trong trường hợp khách hàng chuyển nhầm tiền.

Trong trường hợp người nhận không trả tiền dù đã được thông báo, ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng người nhận có thể bị coi là vi phạm pháp luật. Theo quy định tại điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi cố ý chiếm đoạt tài sản do người khác chuyển nhầm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”, với mức phạt có thể là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù.

Một trường hợp điển hình hồi tháng 3.2024, Công an tỉnh Bình Dương đã thực hiện bắt ông N.T.S.E (sinh năm 1981, quê Hà Nội) về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Vào tháng 12.2021, anh K. do không cẩn thận nên chuyển nhầm đến tài khoản của N.T.S.E số tiền 300 triệu đồng. Ngay sau đó, anh K. đã chuyển thêm các khoản nhỏ, ghi chú xin được nhận lại tiền, đồng thời liên hệ ngân hàng làm việc với E. Tuy nhiên, E. không hợp tác và không trả lại tiền cho anh K. nên anh đã trình báo lên cơ quan công an.

Tương tự, trường hợp chị N.T.H (TP.Hà Nội) vào ngày 20.12.2022 đã thực hiện chuyển khoản 170,7 triệu đồng qua Internet Banking nhưng bị nhầm vào số tài khoản ông P.K.D (Hà Nội). Ông P.K.D không chịu trả lại số tiền trên cho chị N.T.H nên chị đã trình báo công an. Đến tháng 5, cơ quan công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt ông P.K.D.

Nghị định 52/2024 ngày 15.5.2024 quy định tài khoản ngân hàng có thể bị phong tỏa trong các trường hợp: theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản; khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi có vào tài khoản thanh toán của khách hàng.

Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót. Hay khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.


Nguồn

Exit mobile version