Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Chuyên gia dự đoán Bắc Kinh sẽ gấp rút tung hàng loạt biện pháp kích thích lớn, bơm tiền mạnh để hỗ trợ nền kinh tế

Trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump cho biết sẽ áp mức thuế bổ sung 60% trở lên đối với hàng hoá Trung Quốc bán cho Mỹ. Việc tăng thuế ít nhất 10% trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump sẽ không thay đổi vị thế của Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất với Mỹ.

Tuy nhiên, mức thuế quan mới, với quy mô lớn hơn, sẽ được đưa ra vào thời điểm quan trọng với Trung Quốc. Quốc gia này đang phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng, trong bối cảnh thị trường bất động sản và chi tiêu tiêu dùng ảm đạm.

Nếu Trump tăng thuế lên 60%, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm 200 tỷ USD và khiến GDP giảm 1 điểm phần trăm, theo Zhu Baoliang, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại cơ quan hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc.

Kể từ cuối tháng 9, Bắc Kinh đã đưa ra nhiều nỗ lực để hỗ trợ nền kinh tế. Vào thứ Sáu, Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc dự kiến sẽ phê duyệt thêm các biện pháp kích thích tài chính.

Yue Su, nhà kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit, cho biết: “Để ứng phó với rủi ro ‘cú sốc Trump’, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ đưa ra các biện pháp kích thích lớn hơn. Việc cuộc họp quan trọng diễn ra cùng thời gian kết quả bầu cử tổng thống Mỹ đã ngã ngũ cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng hành động nhanh chóng.”

Su ước tính Bắc Kinh sẽ đưa ra một gói kích thích hơn 10 nghìn tỷ Nhân dân tệ (1,39 tỷ USD), trong đó khoảng 6 nghìn tỷ Nhân dân tệ sẽ dành cho các giao dịch hoán đổi nợ của chính quyền các địa phương và tái cấp vốn cho các ngân hàng. Theo bà, hơn 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ có thể được sử dụng để mua trái phiếu có mục đích đặc biệt của các chính quyền địa phương, nhằm hỗ trợ lĩnh vực bất động sản.

Ở phiên giao dịch ngày 6/11, thị trường Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đều giảm điểm sau khi có kết quả bầu cử. Trong khi đó, Phố Wall tăng phi mã với 3 chỉ số chính đạt đỉnh, thị trường Trung Quốc chỉ tăng nhẹ.

Sự khác biệt trong diễn biến của thị trường chứng khoán cho thấy Bắc Kinh có thể sẽ đưa ra gói kích thích lớn hơn dự kiến, theo Liqian Ren, trưởng bộ phận đầu tư định lượng của WisdomTree. Bà ước tính Trung Quốc sẽ bơm thêm 2 đến 3 nghìn tỷ Nhân dân tệ mỗi năm để hỗ trợ nền kinh tế.

Ren cho rằng thuế quan sẽ ảnh hưởng đến cả Mỹ và Trung Quốc, nhưng hạn chế về công nghệ và đầu tư sẽ có tác động mạnh hơn đến Trung Quốc.

Ở nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã đưa gã khổng lồ ngành viễn thông Trung Quốc Huawei vào danh sách đen, bị hạn chế kinh doanh với các nhà cung cấp của Mỹ. Chính quyền Biden cũng mở rộng quy mô khi hạn chế việc bán chất bán dẫn hiện đại của Mỹ cho Trung Quốc, kêu gọi cả các đồng minh đưa ra động thái tương tự.

Trung Quốc đã nỗ lực để thúc đẩy tự sản xuất công nghệ trong nước bằng cách khuyến khích các khoản vay cho ngành sản xuất công nghệ cao. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ lâu đã hưởng lợi từ nguồn vốn của Mỹ cũng như sử dụng phần mềm và linh kiện cao cấp từ Mỹ.

Su dự đoán, ông Trump có thể áp thuế mạnh tay trong nửa đầu năm tới và đẩy nhanh quá trình này với Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế hoặc Mục 122 của Đạo Luật Thương mại năm 1974, cho phép Tổng thống áp dụng mức thuế quan lên tới 15% để ứng phó với tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán nghiêm trọng.

Dữ liệu của Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã thu hẹp xuống còn 279,11 tỷ USD vào năm 2023, từ mức 346,83 tỷ USD vào năm 2016.

Su ước tính, việc tăng thuế 10% đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ có thể làm giảm tăng trưởng GDP thực tế của Bắc Kinh trung bình từ 0,3 đến 0,4 điểm phần trăm trong 2 năm tới, nếu các yếu tố khác vẫn không đổi.

Theo dữ liệu hải quan trên Wind Information, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 14% vào năm ngoái xuống còn 500,29 tỷ USD. Con số này vẫn cao hơn so với mức 385,08 tỷ USD vào năm 2016, trước khi Trump đảm nhận nhiệm kỳ đầu tiên.

Trong khi đó, dữ liệu của Trung Quốc cho thấy kim ngạch nhập khẩu hàng năm của Trung Quốc từ Mỹ đã tăng lên 164,16 tỷ USD vào năm 2023, so với mức 134,4 tỷ USD vào năm 2016.

Các nhà phân tích khác lại cho rằng Bắc Kinh vẫn sẽ chỉ đưa ra các biện pháp kích thích “nhỏ giọt” trong những tháng tới, chứ không đưa ra gói kích thích lớn vào ngày 8/11.

Dù thuế quan có lớn đến thế nào, Trung Quốc vẫn là cường quốc xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Mỹ.

“Điểm đến xuất khẩu của Trung Quốc thực sự đã thay đổi một chút trong vài năm qua. Mỹ chiếm chưa đến 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào năm 2023, so với mức trung bình gần 18% trong những năm 2010″, Francoise Huang, nhà kinh tế cấp cao về thương mại toàn cầu và Châu Á – Thái Bình Dương tại Allianz Trade, cho biết vào tháng 9.

Bà nói thêm: “Mặc dù Trung Quốc đã mất thị phần tại Mỹ, nhưng rõ ràng là họ đang giành được thị phần ở những nơi khác. Trung Quốc hiện chiếm hơn 25% lượng hàng nhập khẩu của ASEAN, so với mức dưới 18% vào những năm 2010”.

Tham khảo CNBC

Nguồn

Exit mobile version