Chọn mua qua mạng vì giá tốt và “né” kẹt xe
Đó là tâm lý của nhiều người ở thời điểm hiện tại, khi hầu khắp mọi nơi đều đang kẹt xe nghiêm trọng. Chị Nguyễn Hồng Hạnh (Q.Gò Vấp) cho biết, với tình hình kẹt xe khủng khiếp vào dịp trước tết như thế này, chị chọn hình thức mua sắm tết online, thay vì đến trực tiếp chợ, siêu thị.
“Trưa 10.1, tôi và nhiều đồng nghiệp cùng lên mạng, lên xem livestream đặt mua khô gà và lạp xưởng của xưởng Cô Bin. Tôi mua 2 ký, hết 1,3 triệu đồng, miễn phí giao hàng. Mua thế này thấy tiện lợi và đỡ vất vả đi lại hơn là mua trực tiếp. Đặc biệt, tại các phiên livestream bán hàng của các doanh nghiệp, nếu nhu cầu mình ít, có thể rủ đồng nghiệp mua cùng, ghép đơn để giảm chi phí vận chuyển cũng như mua được hàng giá tốt, thậm chí giá rẻ hơn mua trực tiếp tại chợ truyền thống. Đơn hàng càng lớn, được giảm giá, khuyến mãi mạnh, tiết kiệm hàng trăm ngàn đến cả triệu đồng nếu mua nhiều”, chị Hạnh chia sẻ.
Chị Thanh Yên (ngụ Q.5, TP.HCM) năm nào cũng về quê ăn tết và cũng chọn mua online tất cả mọi thứ. “Năm nay chi tiêu thắt lưng buộc bụng do vé máy bay tăng, lương thưởng lại giảm… nên tinh thần là không sắm sửa quà cáp nhiều. Trước khi về tết, tôi sẽ đặt mua qua mạng thêm món giò bê, bánh chưng để biếu ông bà nội ăn tết tại Sài Gòn. Mua một hộp quà đủ loại mang về cúng ông bà là xong. Đường sá 3 ngày tết đông đúc, nếu không thực sự cần thiết, không muốn đi ra đường, đặc biệt là đi mua sắm tại chợ, siêu thị”, chị Thanh Yên nói
Bà Lê Thị Phượng, cán bộ ngành dược về hưu (ngụ Q.11, TP.HCM), kể mọi năm đi chợ, siêu thị sắm tết là thú vui của bà. Từ hũ dưa món, bánh chưng, bánh tét, trái cây, mứt tết, đồ khô… bà phải đi vài lần mới mua đầy đủ. Tuy nhiên năm nay, cô con dâu nhận đặt trên mạng nên bà cũng “đỡ phải bon chen ra đường lúc này vất vả và nguy hiểm lắm. Lớ quớ xe tông lại mất tết”.
Bà kể: Hôm trước con dâu tôi có đặt thử bánh chưng trên mạng ăn thấy ngon, nếp dẻo, nhân đậu xanh béo ngậy rất đậm vị nên đặt luôn 2 cặp để biếu bà thông gia. “Nó bảo, các mặt hàng mua qua mạng có giá rẻ hơn trong siêu thị. Chẳng hạn, hộp mứt gừng Huế giá trong siêu thị 120.000 đồng, mua qua mạng từ cơ sở sản xuất của người Huế chỉ 90.000 đồng. Tương tự, các loại hạt mix với trái cây khô, đặt mua qua mạng quen giá 135.000 đồng/kg, mua tại cửa hàng tạp hóa 155.000 đồng/kg. Không chỉ có giá tốt hơn, hàng cũng ngon và đỡ phải chen chân mua rồi lại xếp hàng thanh toán trong siêu thị và “đánh vật” ngoài đường kẹt xe…”, bà Phượng tâm đắc.
Một khảo sát của Grab về xu hướng mua sắm tết mới đây cũng có những con số khá thú vị. Đó là người tiêu dùng Việt chuẩn bị Tết Nguyên đán khá sớm. 55% người được khảo sát cho hay mua sắm thực phẩm tết từ 1 tháng trước tết; 61% người dùng dự kiến chi tiêu cho tết nhiều hơn so với năm ngoái, và mức chi tiêu trung bình dự kiến là 7,4 triệu đồng. Các khoản chi tiêu chủ yếu là thực phẩm (chiếm 25%), quần áo – phụ kiện (24%) và tiệc tùng họp mặt (23%). Đáng chú ý, 49% người tham gia khảo sát cho biết họ kết hợp giữa mua sắm trực tiếp và trực tuyến. Điều này phản ánh thực tế rằng ngày nay, các dịch vụ trực tuyến đã đi sâu vào hành vi tiêu dùng, mua sắm của người Việt. Đặc biệt, với sự bùng nổ của công nghệ số, đa số các nền tảng công nghệ này đều tung chiêu ưu đãi miễn phí vận chuyển, đa dạng hình thức thanh toán nên được nhiều người dùng ưa chuộng.
Chợ online hồi hộp chờ phút cuối
Tuy tiện lợi và được nhiều người chọn, nhưng chợ tết online đến giờ này cũng chưa thực sự nhộn nhịp. Chị Phạm Thị Hồng Đào (Q.Tân Bình, TP.HCM), chuyên kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tết qua mạng, so sánh: Chị bán các mặt hàng lạp xưởng, khô bò, khô gà lá chanh, yến, táo đỏ… đã 5 năm. Thường mọi năm tới thời điểm này khách đặt hàng biếu tặng đã chốt đơn xong xuôi. Nhưng năm nay thì hầu như chưa thấy.
“Các mặt hàng tôi bán đều là hàng nhà làm, không chất bảo quản, nguyên liệu khá kén chọn vì chủ yếu bán cho khách quen. Thế nên phải đặt hàng trước nhằm tránh tăng giá đột xuất, thậm chí trả tiền trước để mua hàng. Vậy nhưng gần tháng qua khách chưa thấy đâu”, chị Hồng Đào thở dài. Dù vậy, chị vẫn hy vọng vài ngày tới nhu cầu sắm tết sẽ tăng lên. Và việc chị không tăng giá bán dù giá đầu vào tăng cũng sẽ giữ chân được khách hàng quen. Chẳng hạn, mặt hàng lạp xưởng, giá thịt heo tăng từ cuối tháng 11 nhưng giá bán ra giữ nguyên như giá bán tết năm ngoái là 240.000 đồng/kg. Tương tự, gà khô lá chanh vẫn giữ giá cũ 120.000 đồng/hộp 400 gr…
Chị Thanh Hoa (Q.11, TP.HCM), chuyên bán đặc sản các vùng miền để phục vụ 3 ngày tết, lại hồi hộp vì mô hình bán hàng online đang bị cạnh tranh bởi mô hình livestream trực tiếp, giảm giá sâu của các TikToker.
“Khách phải chờ đến rằm tháng chạp mới mua vì mặt hàng thực phẩm tươi thường nhận hàng cận tết. Tôi đang khá hồi hộp vì không biết khách hàng năm nay thế nào. Quan sát thị trường cho thấy, hình thức bán hàng qua livestream trên TikTok nở rộ, hàng thực phẩm từ hũ dưa món đến bịch bò khô, nên khách mua qua mạng, qua Zalo có giảm đi”, chị chia sẻ và cũng tự tin rằng các mặt hàng chị chuyên kinh doanh mùa tết gồm nem chua Thanh Hóa (190.000 đồng/40 chiếc), giò bê Nghệ An (250.000 đồng/kg), pate Cột Đèn (170.000 đồng/500 gr), mắm tép Hàng Bè (290.000 đồng/500 gr), khâu nhục Lạng Sơn (155.000 đồng/phần), gà ủ muối Ông Mập (330.000 đồng/con), cá kho trám (170.000 đồng/phần), ốc nhồi, chân gà ủ ớt Tuyên Quang… đều thiết yếu nên sẽ không đến mức ế ẩm.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận xét: Ngày nay là “thời của những gian hàng số”, rất nhiều mặt hàng Việt uy tín, đặc biệt sản phẩm OCOP cũng được bán qua kênh online rất tốt. Mô hình này một mặt giúp nhà kinh doanh giảm bớt chi phí thuê mặt bằng, nhân công, mặt khác giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn và quan trọng nhất là tiết kiệm được thời gian. Nhờ giảm được các chi phí bán hàng trực tiếp, nên giá các mặt hàng bán qua online cũng có thể thấp hơn so với hàng mua trực tiếp.
Ông nói: “Từ chỗ mua qua mạng, phải trả tiền trước, qua thẻ, hoặc thanh toán qua code, nay nhận hàng, kiểm tra, ưng ý mới trả tiền là điểm cộng lớn cho mô hình bán hàng qua mạng. Theo tôi, nhiều cảnh báo rằng mua qua mạng dễ bị lừa này nọ, một số khuyến cáo về hàng thực phẩm tết nhà làm theo hướng “treo đầu dê bán thịt chó” chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. Còn đa số đều giữ uy tín để làm ăn lâu dài. Dù vậy, trong mùa mua sắm tết, chất lượng hàng hóa mua bán trực tiếp hay gián tiếp đều cần vai trò của cơ quan quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Làm chặt chẽ, công tâm, minh bạch và phạt thật nặng các trường hợp vi phạm, chắc chắn tình trạng bán hàng thực phẩm kém chất lượng cho người dùng sẽ giảm. Tăng mức phạt lên hoặc có thể cấm kinh doanh trên mọi sàn thương mại nếu cố tình vi phạm, lừa người tiêu dùng, sẽ mở ra cơ hội để người mua và bán hàng online dịp tết nhiều hơn. Từ đó, mua bán qua mạng, thanh toán qua mạng sẽ ngày càng phát triển, đúng với xu hướng của kinh tế số mà chúng ta đang theo đuổi.