Điều 49, Luật Đất đai năm 2013 về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó, nêu rõ các trường hợp quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất… thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.
Tuy vậy, thực tế nhiều nơi các dự án lại đang kéo dài, có quy hoạch, kế hoạch nhưng lại chưa có quyết định thu hồi đất khiến cuộc sống người dân thêm khó khăn.
Ông Nguyễn Phi Trường, ở phường Phước Hải, thành phố Nha Trang cho biết, nhà ở gia đình ông bị quy hoạch để mở đường, khu đô thị mới nhưng 10 năm nay, chờ mãi dự án chưa triển khai. Nhà ở chỗ trũng thấp, xuống cấp nhưng không thể xây mới, sửa chữa; mua, bán, thế chấp cũng hạn chế. Đây cũng là tình trạng chung của hàng ngàn hộ dân ở thành phố Nha Trang phải trải qua.
Tại thành phố Nha Trang có nhiều dự án treo kéo dài, ảnh hưởng đời sống người dân.
Ông Nguyễn Phi Trường đề nghị, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có chế tài để các cấp chính quyền, doanh nghiệp thực hiện các quy hoạch cũng như quy định cụ thể về tái định cư để người dân an tâm bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.
“Treo hơn mười mấy năm rồi, tới bây giờ hỏi cơ quan, ban ngành nào cũng bảo là treo. Người dân không xây nhà được, không vay được cũng chả biết đi về đâu. Nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ nhưng hơn như thế nào phải có quy định cụ thể. Hầu hết không chịu di chuyển vì nơi ở mới không phù hợp, hạ tầng không tốt, người ta đang buôn bán làm ăn đột nhiên mất đi kế sinh nhai. Không tạo điều kiện thì người ta không đi, ảnh hưởng tiến độ của dự án, việc chung của xã hội” – ông Nguyễn Phi Trường nói.
TS. Lê Xuân Thân, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay, vấn đề quy hoạch và thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã thể hiện ở Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013, ghi rõ người dân có quyền chuyển nhượng, xây dựng nhà cửa nếu dột nát… nhưng thực tế không thể làm được, chưa ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước.
Trong Dự thảo đưa ra lấy ý kiến toàn dân cũng chưa kịp thời bổ sung để đảm bảo quyền lợi người dân. Để điều luật này khả thi, giải quyết được những khó khăn do dự án treo gây ra, tránh thiệt thòi cho người dân thì cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền không được hạn chế, ngăn cản các quyền của người dân.
Khu tái định cư dành cho đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng Dự án cao tốc Nha Trang- Cam Lâm.
“Quy định của luật hiện hành là quá 3 năm nhưng chung chung, ghi lại cũng chưa cụ thể. Thực tế phát sinh là không phải chưa thực hiện mà đã thực hiện nhưng chưa xong, kéo dài, dây dưa. Luật phải quy định rõ luôn trong đó là thực hiện và thực hiện không đúng tiến độ phải hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm đó để người dân thực hiện các quyền của mình. Có như vậy mới khả thi” – TS. Lê Xuân Thân nói.
Tỉnh Khánh Hòa đang đẩy mạnh chỉnh trang đô thị để đến năm 2028, trở thành đô thị loại 1. Quá trình thực hiện vướng mắc lớn nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến kéo dài dự án. Để tháo gỡ, Điều 97 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định ưu tiên vị trí thuận lợi cho người có đất thu hồi sớm bàn giao mặt bằng. Đây là quy định phù hợp, bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng chây ỳ kéo dài trong bàn giao mặt bằng.
Ông Hồ Tấn Quang, Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cho biết, bên cạnh quy định tái định cư thì việc bỏ khung giá đất cũng sẽ giúp thị trường minh bạch hơn. Người dử dụng đất sẽ được nhận giá trị tiệm cận với giá thị trường, đẩy nhanh quá trình đền bù và xây dựng các dự án mới. Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan để kiểm soát thị trường bất động sản, đây là cơ sở để định giá đúng, trả về đúng giá trị của từng loại đất, hạn chế việc khiếu nại.
“Cứ xác định giá minh bạch, hợp đồng mua bán giao dịch địa ốc phải minh bạch rõ ràng là cơ sở để Nhà nước xác định giá phù hợp với thị trường. Cần tăng cường kiểm soát sử dụng đất, tránh tình trạng đất đai để đó hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai. Nhiều trường hợp đồng không mông quạnh, trũng thấp, không có đường tiếp cận, hạ tầng thiết yếu không nhưng người dân lại so sánh với đường khác, đòi bằng như thế thì sao mà được” – ông Hồ Tấn Quang nói./.