Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng không gian học tập phi chính thức của SV trong trường ĐH

Trong những năm gần đây, thiết kế cải tạo và xây mới các trường ĐH trên thế giới có xu hướng tối ưu hóa các không gian trong trường học để có thể đáp ứng được nhu cầu lớn các hoạt động học tập và giao tiếp xã hội ngoài lớp học của sinh viên (SV). Ở nhiều nước trên thế giới, người ta đã đặt ra một khái niệm cho loại hình không gian học tập (KGHT) này – Không gian học tập phi chính thức (KGHTPCT), phân biệt với không gian học tập chính thức (KGHTCT) là các lớp học, giảng đường truyền thống. Nhiều nghiên cứu chuyên sâu đã chứng minh việc thiết kế có chủ đích những không gian học tập này có tác động tích cực lên hiệu quả học tập của SV.

Giới thiệu chung

Ở nhiều nước trên thế giới, người ta đặt ra một khái niệm cho các không gian học tập bên ngoài lớp học, phục vụ cho các hoạt động tự nghiên cứu cũng như trao đổi, thảo luận, làm việc nhóm… của SV trong trường ĐH là không gian học tập phi chính thức. Đã có nhiều nghiên cứu chuyên sâu chứng minh tác động tích cực mà các KGHT này mang lại đối với việc học, giao tiếp xã hội của SV khi nó được thiết kế một cách có chủ đích.

Phối cảnh và mặt bằng tòa The Hive, ĐH công nghệ Nanyang, Singapore

Khái niệm về không gian học tập phi chính thức được các nhà nghiên cứu trên thế giới đưa ra với nhiều quan điểm. Theo Johnson và Lomas [1], không gian học tập (learning space) trong trường đại học (ĐH) có thể được hiểu là sự chuyển tiếp liên tục giữa các không gian học tập chính thức (formal learning space) và không gian học tập phi chính thức (informal learning space). KGHTCT bao gồm các lớp học, giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng máy tính và studio. Brown [2] cho rằng: KGHTPCT là bất cứ không gian nào bên ngoài lớp học có thể được sử dụng cho việc học. KGHTPCT bao gồm các sảnh tòa nhà, hành lang, sân trường, ký túc xá, khu dịch vụ ăn uống. Theo quan điểm của Jamieson [3], KGHTPCT trong khuôn viên trường học có thể diễn ra ở nhiều nơi như thư viện, phòng ăn trưa của SV, quán cafe, và các không gian chung khác. Keppell [4] định nghĩa, KGHTPCT là không gian đã được thiết kế rõ ràng để khuyến khích SV tham gia vào quá trình học tập tự định hướng.

Dowling [5] cho rằng: KGHTPCT kết hợp các không gian riêng tư, chung, cộng tác để đáp ứng tất cả các các hành vi học tập. Những loại không gian này có thể trong nhà hoặc ngoài trời với nhiều loại qui mô, và khuyến khích cả những tương tác có kế hoạch hoặc ngẫu hứng. Các không gian xã hội và học tập bên ngoài lớp học này phải có chỗ ngồi thoải mái, bền, tiện dụng, và có thể di chuyển linh hoạt. Bảng trắng, ổ điện phải được cung cấp trong những không gian này để hỗ trợ việc học tập ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.

Các trường ĐH trên thế giới đã bắt đầu dành nhiều sự quan tâm đến những KGHT này và đặt tầm quan trọng của nó tương đương với các lớp học, giảng đường truyền thống. Các thiết kế trường học có sự điều chỉnh lớn về chức năng, mở rộng không gian lớp học, cũng như tăng cường diện tích đối với các KGHTPCT. O’Neill [6] cho rằng: Để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng về KGHTPCT, các cơ sở giáo dục ĐH đang tạo ra các không gian cho việc giao tiếp xã hội, các “tuyến đường học tập” trong khuôn viên trường, và các không gian được chỉ định khác nhằm thúc đẩy các hoạt động học tập và xã hội bên ngoài lớp học. Theo Oblinger [7], các cơ sở giáo dục ĐH đã và đang xây dựng hoặc cải tạo các tòa nhà trong khuôn viên trường, nhằm cung cấp không gian học tập sáng tạo với công nghệ, đồ nội thất thoải mái, và các không gian học nhóm mà SV yêu thích. Riddle và Souter [8], trong một bài báo về chủ đề SV định hướng thiết kế các KGHTPCT đã kết luận rằng: Một thiếu sót đáng kể khi thiết kế các KGHT là nó thường không xem xét đến quan điểm của SV, dẫn đến việc thiết kế những KGHTPCT quen thuộc, kiểu mẫu nhưng không phù hợp với nhu cầu của SV, không được SV sử dụng. Các thiết kế mới, cũng như các cải tạo không gian trường học, bên cạnh sự tư vấn của các KTS, phía trường ĐH cũng rất quan tâm đến việc lấy ý kiến từ người sử dụng không gian – SV, xem xét sở thích, nhu cầu của SV với các không gian này, từ đó có những điều chỉnh thiết kế để đưa ra các KGHT phù hợp nhất.

Đánh giá tổ chức và thiết kế các không gian học tập phi chính thức trong trường ĐH, xem xét dựa trên hành vi, thái độ, và sở thích của người học

 Hành vi, thái độ, sở thích của người học đối với không gian học tập phi chính thức tại ĐH Sheffield Hallam, Vương quốc Anh

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Deborah Harrop & Bea Turpin [9] tại ĐH Sheffield Hallam nhằm mục đích xác định hành vi, thái độ, sở thích của người học liên quan đến địa điểm lựa chọn, thời gian và cách thức sử dụng các KGHTPCT trong trường học. Ba cơ sở lý thuyết chính được đề cập ở trong nghiên cứu bao gồm: Thuyết học tập (Learning theory), Kiến tạo nơi chốn (Placemaking), Kiến trúc (Architecture). Trong đó, kiến trúc của một không gian học tập đã được công nhận rộng rãi là có khả năng khuyến khích hoặc cản trở việc dạy và học, theo Oblinger [7].

Nhóm tác giả sử dụng phương pháp quét quan sát: Ghi lại hành vi, cách thức sử dụng không gian, cụ thể là số lượng không gian trong một khu vực nhất định, số không gian được sử dụng, loại trang thiết bị sử dụng (PC, laptop, sách vở…), hoạt động ăn uống nhẹ, người học làm việc đơn lẻ hay theo nhóm, độ ồn; lập bản đồ tọa độ và chụp ảnh. SV tham gia phỏng vấn được yêu cầu đánh dấu vị trí trên bản đồ các KGHTPCT trong trường mà họ thường xuyên lưu tới và lý giải lý do tại sao họ chọn không gian đó. Bên cạnh đó, SV cũng được đề nghị chụp một bức ảnh về KGHTPCT mà họ yêu thích hoặc một không gian mà họ muốn thay đổi kèm lý giải cho điều này.

Từ những dữ liệu được tổng hợp, nghiên cứu chỉ ra 9 đặc tính cần phải lưu tâm để thiết kế các KGHTPCT thành công trong trường ĐH:

  •  Địa điểm (Destination): SV lựa chọn KGHTPCT, vị trí ngồi học dựa trên nhu cầu, ý thích cá nhân, sự thay đổi theo loại hình hoạt động học tập. Sự liên hệ thuận tiện giữa KGHTCT và KGHTPCT cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn địa điểm học của SV;
  • -Tính nhận diện (Identity): Nhu cầu về không gian của SV rất đa dạng, từ tập trung, yên tĩnh, đến thoải mái, nhộn nhịp hay ồn ào. SV chọn và sử dụng không gian dựa trên nhu cầu, ý thích cá nhân, cho nên, trên thực tế, một không gian có thể có nhiều nhận diện (multiple identities). SV có thể tái tạo lập không gian cho phù hợp với nhu cầu bằng một số cách như di chuyển bàn ghế, thiết bị…;
  •  Những cuộc trò chuyện (Conversations): Các không gian đa dạng bố trí theo cặp hay nhóm với phổ nhóm học tập khác nhau (3,4,5+) sẽ khuyến khích cộng tác và giao tiếp giữa các cá nhân;
  • -Tính cộng đồng (Community): Làm việc cùng bạn bè, tạo cảm giác về một cộng đồng có sự tương trợ cũng như có người cùng giải lao, do đó hình thức này được SV ưa thích. Việc cùng học có thể diễn ra dưới hình thức người học làm các công việc độc lập với nhau nhưng ngồi gần nhau trong một không gian;
  •  Tính tách biệt (Retreat): Các không gian yên tĩnh, riêng tư, không bị làm phiền (không gian đóng, phòng học hay chỗ ngồi ở góc…) là lựa chọn của nhiều SV cho việc học cá nhân. Tuy nhiên, không phải những người học cá nhân đều thích môi trường yên tĩnh. Có những SV thích học độc lập bên cạnh những người khác, trong một môi trường nhộn nhịp;
  •  Tính kịp thời (Timely): Bên cạnh việc được sử dụng cho việc học trong một khoảng thời gian nhất định, các KGHTPCT còn được sử dụng cho những công việc nhanh trước và xen kẽ các hoạt động khác. Để hỗ trợ việc này, các thiết bị công nghệ truy cập nhanh nên được đặt ở lối vào các khu học tập. Kéo dài thời gian mở cửa các khu vực học tập cũng rất cần thiết để phục vụ nhu cầu của SV;
  • Yếu tố con người (Human Factors): Đặc tính đề cập đến các yếu tố như ánh sáng, độ ồn, kích thước đồ nội thất…hợp lý cho người sử dụng. KGHTPCT nên kết hợp nhiều loại bàn ghế với kiểu loại khác nhau, từ chỗ ngồi thoải mái tới những loại ghế thông thường để giữ sự tập trung, tỉnh táo. Tiếng ồn có thể gây ức chế ở một khu vực yên tĩnh, trong khi ở khu vực khác, tiếng ồn lại đóng góp tích cực cho một môi trường xã hội;
  • Cơ sở vật chất, thiết bị (Resources): Cơ sở vật chất, thiết bị học tập thường là PCs, máy tính xách tay, máy in, màn hình lớn, wifi, phần mềm. Việc bố trí nhiều ổ cắm khuyến khích SV sử dụng các thiết bị công nghệ hỗ trợ học tập hơn. Tuy nhiên, một tỷ lệ lớn SV thích các KGHT phi công nghệ dành cho đọc và viết, do đó, không nên đặt quá nhiều thiết bị ở những nơi không cần thiết;
  • Đồ ăn nhẹ (Refreshment): Những KGHTPCT cho phép được mang đồ ăn nhẹ, nước uống sẽ trở nên hấp dẫn hơn với người học. Việc không phải rời tòa nhà để kiếm đồ ăn uống, giải lao được coi là rất tiện lợi với SV.

Kinh nghiệm từ nghiên cứu của ĐH Sheffield Hallam, Vương quốc Anh đã nêu ra 9 đặc tính có thể được sử dụng trong việc đánh giá các KGHTPCT hiện có, tái cấu trúc các KGHTPCT, cũng như việc tạo ra các KGHTPCT mới mang tính định hướng rõ ràng, khuyến khích SV lựa chọn các KGHT theo sở thích của mình.

Đánh giá về không gian học tập phi chính thức tại ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore

Trong nghiên cứu này, các tác giả Jason Yau Lee và Peter Looker [10] đã tiến hành kiểm tra một loạt các KGHTPCT khác nhau trong khuôn viên trường học, xem xét các vấn đề về thiết kế, vị trí không gian, tần suất sử dụng không gian trong ngày của SV, mối liên hệ giữa KGHTCT và KGHTPCT, cách chúng tương tác với nhau. Nghiên cứu được thực hiện tại ĐH công nghệ Nanyang, Singapore với các không gian như thư viện, lớp học cộng tác, sảnh, hành lang kết nối các tòa nhà… Đặc biệt, khái niệm về dòng chảy liên tục (continuous flow) được đưa vào các thiết kế có chủ đích trong tòa nhà The Hive. Bằng việc thiết kế các KGHTPCT xen giữa các lớp học, không có hai lớp học nào được đặt sát nhau. Các phòng học được bao che bởi những bức tường kính – tạo cảm giác không gian trong và ngoài đang cùng làm việc. Thêm vào đó, bản thân các lớp học được sử dụng để trở thành các KGHTPCT khi không có tiết học. Tất cả các ý đồ này nhằm tạo lập một dòng chảy liên tục từ KGHTCT sang KGHTPCT và ngược lại. Chism [11] cũng đề cập đến trong nghiên cứu của mình rằng dòng chảy của các không gian học tập có thể đi từ thư viện, tới các tòa nhà hành chính hay văn phòng khoa, tới lớp học, hành lang, lối đi ngoài trời…

Các phương pháp nghiên cứu bao gồm quét quan sát các KGHTPCT của tòa nhà, lập bản đồ không gian, và tiến hành phỏng vấn SV được thực hiện nhằm trả lời các câu hỏi: Các loại KGHT nào đang có sẵn trong trường ĐH? Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng đối với một KGHT là gì? SV dành bao nhiêu thời gian ở các KGHT này? Các KGHT đang được sử dụng như thế nào?

Dựa trên kết quả phân tích, 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến trải nghiệm của SV tại các KGHTPCT là:

  • Sự thoải mái (Comfort): Bao gồm các mục như cách đồ nội thất được tổ chức, chất lượng không khí, ánh sáng, độ sạch sẽ, và cơ sở vật chất. Yếu tố thoải mái đóng vai trò quan trọng trong việc SV nhìn nhận KGHT như thế nào. Các dữ liệu phỏng vấn cho thấy: Khái niệm thoải mái đối với SV nghĩa là bàn học kích thước rộng rãi để có thể để được đồ đạc cá nhân, ghế có đệm để có thể ngồi học trong nhiều giờ, nhiệt độ phòng dễ chịu, ánh sáng tự nhiên kết hợp, không gian sạch sẽ, thoáng đãng. Cơ sở vật chất đảm bảo có đủ wifi, ổ cắm, hay máy bán hàng tự động để mua nước, đồ ăn nhẹ… Tóm lại, sự thoải mái của không gian không phụ thuộc vào một yếu tố mà là sự kết hợp tổng thể của nhiều yếu tố;
  • Sự tiện lợi (Convenience): Bao gồm các mục như: Vị trí của KGHTPCT so với các lớp học chính thức, cho phép mang đồ ăn uống nhẹ, khả năng sử dụng để thảo luận hoặc làm việc nhóm. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng sự tiện lợi của KGHTPCT có liên quan nhiều đến vị trí của nó (các không gian nằm dọc theo các lối đi bên ngoài lớp học, dọc theo các lối đi chính trong khuôn viên trường được nhiều SV lựa chọn). Mặc dù những không gian này không được đánh giá cao về sự thoải mái, xong nó đóng vai trò là điểm chuyển tiếp để SV xem lại bài vở, trao đổi, họp nhóm nhanh giữa các ca học. Tuy nhiên, nhóm tác giả cũng nhận thấy rằng SV sẵn sàng di chuyển xa hơn để đến các KGHT khác xung quanh khuôn viên trường tùy thuộc vào ý định sử dụng của họ;
  • Tính cộng đồng (Community): Bao gồm không gian cung cấp tính riêng tư và không gian cho các hoạt động học tập, thảo luận nhóm. Tính riêng tư trong nghiên cứu được chia làm 2 loại: Riêng tư đối với việc học cá nhân, và riêng tư đối với các công việc cộng tác nhóm. Đối với học cá nhân, tính riêng tư thể hiện ở không gian không bị làm phiền, yên tĩnh, tránh xa tiếng ồn. Mặt khác, đối với các công việc cộng tác, tính riêng tư được hiểu là hoạt động nhóm hoặc thảo luận diễn ra mà không làm ảnh hưởng đến những người khác trong không gian đó.

Đối với thời gian sử dụng các KGHT: Lượng thời gian sử dụng KGHT chia làm 3 loại: Sử dụng trong thời gian ngắn (< 1h), thời gian trung bình (1-4h), thời gian dài (>4h). Kết quả phân tích cho thấy SV dành nhiều thời gian học ở những KGHT được thiết kế có chủ đích hơn (2-4h) so với những KGHT thông thường (1-2h). Dữ liệu thu thập cũng cho thấy, lượng thời gian SV dành cho hầu hết các KGHT tăng dần vào cuối học kỳ. Điều này thể hiện rõ ràng ở số lượng SV dành hơn 4 giờ ở các KGHTPCT gia tăng đáng kể ở cuối kỳ học khi SV dành nhiều thời gian để ôn thi.

Đối với việc sử dụng không gian: KGHTPCT là nơi để SV học tập và thư giãn. Từ dữ liệu quan sát định tính, nhóm tác giả nhận thấy hầu hết SV đang làm việc gần gũi với bạn bè mặc dù họ có thể không cộng tác với nhau mọi lúc. Điều này có nghĩa là các nhóm SV ngồi cùng một bàn có thể không nhất thiết làm việc nhóm mà họ đang làm các công việc cá nhân, nhưng thích sự đồng hành của những người quen thuộc. O’Connor [13] mô tả việc học kiểu này là học cùng (studying along).

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Trong 3 yếu tố Thoải mái – Tiện lợi – Cộng đồng thì 2 yếu tố Thoải mái và Tiện lợi là 2 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc lựa chọn và sử dụng KGHTPCT của SV. Thậm chí, những không gian với mức độ tiện lợi thấp nhưng yếu tố về sự thoải mái cao, có thể ngồi làm việc trong thời gian dài vẫn được nhiều SV lựa chọn.
Như vậy, trong nghiên cứu tại ĐH công nghệ Nanyang, Singapore, có thể thấy rằng: Khi thiết kế KGHTPCT nên xem xét đến cả ba yếu tố Thoải mái – Tiện lợi – Cộng đồng, là những yếu tố chính ảnh hưởng đến việc lựa chọn và sử dụng không gian của SV. Thêm vào đó, việc thiết kế có chủ đích nhằm tạo lập một dòng chảy liên tục từ các KGHTPCT sang các KGHTCT và ngược lại, cũng cần được lưu tâm.

Lựa chọn của SV đối với các không gian học tập phi chính thức tại ĐH Deakin, Úc

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm các nhà nghiên cứu đến từ ĐH Deakin, Úc: Jia Zhang Deakin, Xiancun Hu, Xiancun Hu, Mark Luther [14] trong bối cảnh gia tăng số lượng các KGHTPCT trong khuôn viên các trường ĐH xây mới và cải tạo tại Úc và trên toàn thế giới. Nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp định lượng để xác định mối liên hệ giữa không gian và hành vi học tập của SV, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết kế các KGHTPCT hiệu quả hơn.

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả cho rằng tồn tại mối quan hệ giữa các hành vi học tập không chính thức (Informal Learning Behaviors) và các KGHTPCT. Theo đó, một không gian thuận tiện cho hành vi học tập cá nhân (Individual Learning) xảy ra được định nghĩa là Không gian học tập cá nhân (Individual Learning Space). Tương tự như vậy, học tập hợp tác (Collaborative Learning) có xu hướng diễn ra trong không gian học tập hợp tác (Collaborative Learning Space), trong khi học tập tương tác (Interactive Learning) có khả năng xảy ra trong một không gian học tập tương tác (Interactive Learning Space).

Tòa nhà D thuộc khuôn viên Geelong Waterfront, ĐH Deakin sau khi được cải tạo vào năm 2016, đã được chọn làm đối tượng của nghiên cứu vì nó cung cấp một loạt các không gian học tập và hoạt động đa dạng cho SV. Tòa nhà phức hợp bao gồm các chức năng: Thư viện, phòng máy tính, các lớp học, không gian thông tầng, căng tin, các khoảng không gian xen kẽ. Chỉ có các tầng 2,3,4 của tòa nhà được lựa chọn nghiên cứu do tầng 1 bao gồm các không gian không phổ biến cho các hoạt động học tập.

Các không gian được ghi lại bằng các máy quét quan sát, các ngày trong tuần vào thời điểm 9 đến 10 giờ sáng và 3 đến 4 giờ chiều (thời điểm các chỗ ngồi chưa được lấp đầy, SV có thể chọn chỗ ngồi theo nhu cầu của bản thân), liên tục trong ba tháng. Các dữ liệu được ghi lại bao gồm việc quan sát hành vi sử dụng (SV học cá nhân hay học theo nhóm, SV có giao tiếp với người khác không), số lượng người sử dụng và phân bố vị trí người sử dụng trong các KGHTPCT…

Khái niệm về tỷ lệ chiếm chỗ ngồi (seat occupation rate) được xác định như một phương pháp để đo lường chỉ số cảm nhận (perception) của SV về các KGHTPCT. Tỷ lệ chiếm chỗ ngồi được tính theo tỷ lệ người dùng trên tổng số chỗ ngồi trong mỗi KGHTPCT. Tỷ lệ này cho biết quyết định của SV trong việc lựa chọn chỗ ngồi học tập và nó chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như cơ sở vật chất, tiện nghi nhiệt, chất lượng không khí, ánh sáng, âm thanh.
Kỹ thuật phân tích Cấu trúc không gian (Space Syntax) của Hiller và Hanson [15] được sử dụng trong nghiên cứu nhằm tìm hiểu hai chỉ số chiều sâu trung bình (mean depth) và tích hợp (integration). Giá trị chiều sâu cho biết độ sâu hoặc nông của một không gian so với những không gian khác. Giá trị chiều sâu trung bình càng cao, thì tính tiện lợi (convenience) càng thấp. Tương tự, giá trị tích hợp phản ánh khả năng tiếp cận của không gian, giá trị tích hợp càng cao, tính trung tâm (centrality) của không gian càng mạnh. Hai giá trị này cho biết sự khác biệt về tính tiện lợi và tính trung tâm của không gian.

Sau khi tiến hành tổng hợp và phân tích các chỉ số liên quan đến tỷ lệ chiếm chỗ ngồi, chiều sâu trung bình và tích hợp, nghiên cứu rút ra một số kết quả đáng lưu ý đối với KGHT cá nhân như sau:

  • Không gian học tập cá nhân có mối tương quan nghịch với giá trị tích hợp, tương quan thuận với giá trị chiều sâu. Điều này có nghĩa là SV tham gia vào các hoạt động học tập cá nhân thường chọn KGHT có tính trung tâm thấp, ít người qua lại. Vì vậy, những SV muốn học một mình hoặc cần yên tĩnh có xu hướng tập trung ở đây. Tuy nhiên, những không gian này không nên là một KGHT yên tĩnh tuyệt đối, mà nên là không gian tương đối mở với độ ồn nhất định để người học có cảm giác hòa nhập vào môi trường xung quanh trong khi vẫn học tập độc lập. Các không gian bán khép kín (semi-closed) cung cấp cho SV cảm giác về sở hữu không gian, nhưng đồng thời cũng cải thiện khả năng tương tác với những người khác. Tóm lại, không gian đem lại cảm giác sở hữu, nằm trong một khu vực có tính tích hợp cao là một loại không gian học tập cá nhân mà SV khá yêu thích.
  • Giải thích thêm về chỉ số cảm nhận của SV thấp trong các không gian có giá trị tích hợp rất thấp và giá trị chiều sâu rất cao là do sự vắng mặt của hiệu ứng giám sát (surveillance effect) trong môi trường học tập. Hiệu ứng này có thể hiểu là: SV bị thu hút bởi những người học khác đang thực hiện các hoạt động tương tự trong KGHTPCT, theo Francisco [16]. Được vây quanh bởi những người học khác và hòa mình vào bầu không khí học tập dường như sẽ truyền cảm hứng cho SV làm việc hiệu quả hơn. Khi một không gian có giá trị tích hợp quá thấp hoặc giá trị chiều sâu quá cao, xác suất người học đến là cực kỳ thấp và điều này có khả năng tạo ra cảm giác tách biệt về không gian. Kết quả là, kiểu không gian này không có lợi cho việc kích thích SV tích cực học tập độc lập. SV sẽ không thích học trong những không gian này nếu họ có sự lựa chọn khác.

Một phát hiện quan trọng nữa trong nghiên cứu – Đó là chỉ số cảm nhận của SV ở các không gian có cửa sổ với view nhìn ra cây xanh cảnh quan bên ngoài sẽ cao hơn các khu vực khác. Cây xanh cảnh quan bên ngoài có thể tạo điều kiện cho việc học tập của SV trở nên thú vị và hiệu quả hơn. Kết quả này chỉ ra rằng, ngoài môi trường trong nhà, môi trường ngoài trời cũng cần được tính đến khi thiết kế các KGHTPCT trong trường ĐH.
Tóm lại, nghiên cứu trường hợp tại tòa nhà D, khuôn viên Geelong Waterfront thuộc ĐH Deakin, Úc đã khám phá cách các đặc điểm cấu thành của KGHTPCT ảnh hưởng đến sự tiếp cận và lựa chọn không gian của SV. Lý thuyết cấu trúc không gian đã được áp dụng để tìm ra các đặc điểm cấu thành của không gian theo các giá trị tích hợp, chiều sâu trung bình, và chỉ số cảm nhận của SV về không gian. Cách tiếp cận và kết quả của nghiên cứu sẽ hỗ trợ cho các nhà thiết kế, quản lý trong trường học trong việc đánh giá và cải thiện các KGHTPCT trong các trường ĐH.

MỘT SỐ GỢI Ý TRONG VIỆC TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ THIẾT KẾ CÁC KHÔNG GIAN HỌC TẬP PHI CHÍNH THỨC HIỆU QUẢ TẠI CÁC TRƯỜNG ĐH

Một số gợi ý trong việc tổ chức quản lí thiết kế các không gian học tập phi chính thức hiệu quả tại các trường đại học

 Thiết kế các không gian học tập phi chính thức trong trường ĐH

  •  Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan trường học khuyến khích cho các hoạt động học tập, giao lưu, tương tác ngoài trời: Sử dụng các khoảng trống xen giữa các tòa nhà trong trường học để tổ chức các không gian mở, kiến trúc nhỏ, đường dạo kết nối với nhiều cây xanh cho bóng mát… Khi được thiết kế có chủ đích, các không gian ngoài trời hoàn toàn có thể trở thành các KGHTPCT hấp dẫn, tạo cảm giác thoải mái, gần gũi, với các hoạt động như học cá nhân, học nhóm, hoặc là không gian tăng cường mối quan hệ và hợp tác tích cực giữa giảng viên và SV. Các đường dạo có thể thiết kế các điểm dừng chân với nhiều loại ghế ngồi được tổ chức đa dạng, tạo ra những lựa chọn thoải mái cho SV (yên tĩnh – náo nhiệt, kín đáo – mở, kết nối tương tác…).
    Tổ chức một lớp học ngoài trời của SV ĐH North Carolina Wesleyan, Mỹ
  • Tạo sự tương tác giữa các KGHTCT và KGHTPCT: Các KGHTPCT nên được đặt ở các vị trí thuận tiện, gần các KGHTCT, tạo một dòng chảy liên tục giữa 2 không gian này, phục vụ các mục đích học tập, trao đổi đa dạng của SV một cách kịp thời, đúng nhu cầu như trao đổi thảo luận nhanh trước và sau giờ lên lớp, check mail làm bài tập, khuyến khích các cuộc họp ngẫu hứng, hay những hoạt động học tập đã có sẵn kế hoạch…
    Tòa nhà Akerman thuộc khuôn viên ĐH Minnesota (Mỹ) cung cấp một loạt các không gian lớp học, phòng thí nghiệm, phòng họp và các khu vực học tập cộng tác cho SV với nhiều bảng trắng trải dài các KGHT. Nhiều không gian được ngăn chia bằng những bức tường kính, tạo cảm giác không gian bên trong và ngoài đang cùng làm việc
  • Cung cấp một loạt các KGHTPCT đa dạng trong cấp độ tòa nhà, phá bỏ rào cản về những không gian với đơn thuần chức năng. SV hoàn toàn có thể sử dụng căng tin, hay các hành lang lưu thông vào việc học tập, giao lưu hay tương tác xã hội của mình miễn sao không gian đó được thiết kế có chủ đích. Ví dụ khi thiết kế hành lang, có thể tính toán đến các hành lang lớn đủ rộng với 2 chức năng: Lưu thông và ngồi học, trao đổi tại chỗ. Hai chức năng này có thể được ngăn chia mềm bởi việc sử dụng vật liệu, màu sắc khác nhau, hoặc các vách ngăn thấp. Trên các hành lang chính cũng có thể thiết kế các điểm dừng là các “hộc” có bố trí bàn ghế ngồi học cho SV (Hình 5). Các không gian như sảnh, cầu thang, hành lang, khoảng thông tầng hay sân thượng của các tòa nhà, hoàn toàn có thể trở thành những KGHTPCT hấp dẫn SV tới sử dụng.
    Hành lang được thiết kế có chủ đích với hai chức năng: Lưu thông, và khu vực ngồi học với ghế mềm và bảng trắng đi kèm tại ĐH Bắc Dakota, Mỹ
  • Tích hợp các khu vực ăn uống nhẹ với thiết kế nội thất linh hoạt cho việc học tập, nghỉ ngơi giải trí không chỉ ở căng tin trường mà có thể ở các tòa nhà lớn trong trường ĐH. Nhiều nghiên cứu cho thấy, SV rất thích học với thói quen có đồ ăn uống đi kèm, và một tỷ lệ nhất định SV cho rằng ăn uống giúp họ tập trung hơn khi học. Các không gian này nếu được tích hợp ở các tòa nhà học, sẽ giúp SV thuận tiện hơn trong việc tiếp cận sử dụng dịch vụ ăn uống nhẹ, học tập hay trao đổi tại chỗ.
    Khu vực cung cấp đồ ăn uống nhẹ tại ĐH Xian Eurasia, Trung Quốc với bàn ăn rộng rãi, chỗ ngồi đa dạng, sắp xếp linh hoạt, đảm bảo đủ ánh sáng và tiện nghi nhiệt, tạo ra một môi trường ăn uống và bầu không khí học tập cởi mở
  • Thiết kế các KGHTPCT trong trường học cần tạo cảm giác thân thiện, gần gũi, thoải mái như ở nhà, khuyến khích việc kết nối các không gian này với thiên nhiên. Những khu vực học với ghế có đệm, cửa kính rộng, mở ra các khoảng xanh trong khuôn viên trường học rất được SV yêu thích.
    Một không gian cũ (không được sử dụng) được cải tạo thành KGHTPCT cho SV tại ĐH RMIT, Melbourne, Úc. SV được trực tiếp tham gia đóng góp sáng kiến, và ý tưởng từ những bước đầu trong việc cải tạo không gian
  • Tổ hợp không gian nội thất đa dạng từ các không gian kín, bán khép kín, cho đến các góc học tập mở. Không gian học được thiết kế nội thất với bàn ghế dễ dàng thay đổi cấu hình, di chuyển cho phép SV cá nhân hóa chúng với nhiều cách sắp xếp, phù hợp với nhu cầu. Để phục vụ đa dạng nhu cầu khi có lượng lớn người sử dụng, một cách tiếp cận tốt là thiết kế tạo điều kiện cho người học tự tạo lập không gian cho mình (không gian linh hoạt). Các chỗ ngồi đảm bảo thoải mái, đa dạng về kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc phù hợp với các mục đích học tập hay sở thích khác nhau.
  • -Tăng cường các thiết bị ổ cắm, wifi ở các KGHTPCT để việc học có thể diễn ra ở mọi nơi trong khuôn viên trường ĐH. Các khu vực học nhóm có thể thiết kế các bức tường với bảng trắng xung quanh để SV dễ dàng trao đổi, thảo luận, làm việc nhóm.

Tổ chức quản lý các KGHTPCT trong trường ĐH

  • Tăng thời gian sử dụng một số KGHTPCT trong trường ĐH theo nhu cầu thực tế của SV. Ví dụ, nhu cầu của SV trong việc sử dụng một số KGHT như thư viện là rất lớn. Tuy nhiên, thời gian sử dụng thư viện cũng như các phòng máy tính của thư viện bị giới hạn trong những khung giờ cố định, nhiều trường có thời gian mở cửa các không gian này ngắn dẫn đến gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng cũng như hiệu quả học tập của SV. Vì vậy, cần xem xét tăng thời gian sử dụng đối với những không gian học tập này, đặc biệt là trong những khoảng thời gian ôn thi.
  • Tận dụng các KGHTCT trở thành KGHTPCT khi không có giờ học. Các trường ĐH có thể xem xét mở cửa các không gian như lớp học, giảng đường, phòng máy… cho SV sử dụng để tự học, làm việc nhóm, nghiên cứu khoa học…giúp tăng cường hiệu quả học tập. Tuy nhiên, một số phòng vẫn cần có sự giám sát trông coi của cán bộ, giảng viên.
  • Tạo cơ hội để SV được tham gia vào quá trình kiến tạo một số KGHTPCT trong trường học ngay từ đầu theo nhu cầu, sở thích… sau đó có thể tham gia quản lý cùng nhà trường những không gian này. Khi SV có cơ hội tham gia đóng góp ý kiến để phát triển các không gian này, các thiết kế sẽ mang lại cảm giác thoải mái, quen thuộc, gần gũi hơn với SV, từ đó, thúc đẩy họ tích cực sử dụng. SV cũng được trao quyền và trách nhiệm tham gia quản lý không gian, giúp nó được vận hành một cách tối ưu nhất, tránh bị lãng phí.
  • Đầu tư nguồn kinh phí vào xây dựng, phát triển các KGHTPCT trong trường học. Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp cải tạo các không gian học tập chính thức như lớp học, giảng đường, phòng thí nghiệm… các trường ĐH cũng nên chú trọng đầu tư nguồn kinh phí vào xây dựng, phát triển các không gian học tập phi chính thức trong trường học, tạo ra các góc học tập hiệu quả, được SV yêu thích.

Kết luận

Vai trò của KGHTPCT ngày càng được khẳng định trong việc tạo lập các không gian mới hỗ trợ các hoạt động học tập và giao lưu kết nối của SV trong các trường ĐH. Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, có thể thấy rằng, để thiết kế một KGHTPCT có sức hút cần xem xét đến các yếu tố về vị trí – khả năng tương tác của nó với các KGHTCT, sự đa dạng, linh hoạt trong tổ chức không gian phục vụ các nhu cầu học tập, trao đổi khác nhau, các hành vi, sở thích của người học. Bên cạnh đó, các yếu tố về cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các KGHTPCT cũng cần được quan tâm đúng mức để khuyến khích việc học có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi trong khuôn viên trường học. Việc thiết kế, quản lý các KGHT trong trường học nên có sự tham gia và lấy ý kiến từ SV để tạo nên những KGHT phù hợp với nhu cầu của SV. Thiết kế các KGHTPCT thành công, sẽ thu hút SV chủ động tham gia học tập ngoài giờ lên lớp, thúc đẩy các tương tác xã hội, từ đó góp phần tác động tích cực lên hiệu quả học tập của SV.

*Nguyễn Thùy Trang, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Tiến Mạnh, Nguyễn Diệp Linh
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 6-2024)


Tài liệu tham khảo
1. Johnson, C.; Lomas, C. (2005). Design of the Learning Space: Learning and Design Principles. Educause Review, 40(4), 16-28.
2. Brown, M. (2005). Learning space design theory and practice. Educause Review, 40(4), 30.
3. Jamieson, P. (2009). The serious matter of informal learning. Planning for Higher Education, 37(2), 18-24.
4. Keppell, M.; Riddle, M.D.; Souter, K. (2012). Physical and Virtual Learning Spaces in Higher Education: Concepts for the Modern Learning Environment. IGI Global, United States of America.
5. Ayerssaintgross.com. The Modern Learner: Formal and Informal Learning Environments. Truy cập ngày 20/02/2020.
6. O’Neill, M. (2013). Limitless learning: Creating adaptable environments to support a changing campus. Planning for Higher Education Journal, 42(1): 11-27.
7. Oblinger, D. (2005). Leading the transition from classrooms to learning spaces. Educause Quarterly, 28(1): 14-18.
8. Riddle, M.D.; Souter, K. (2012). Designing Informal Learning Spaces Using Student Perspectives. Journal of Learning Spaces, 1(2), 21586195.
9. Harrop, D.; Turpin, B. (2013). A Study Exploring Learners’ Informal Learning Space Behaviors, Attitudes, and Preferences. New Review of Academic Librarianship, 19(1), 58-77.
10. Lee, J.W.Y; Looker, P. (2020). The Evaluation of Informal Learning Spaces in a University. Transforming Teaching and Learning in Higher Education, 225-242.
11. Chism, N.; (2006). Challenging traditional assumptions and rethinking learning spaces. Learning spaces, 2.1-2.11.
12. Archdaily.com. Learning Hub/ Heatherwick Studio. Truy cập ngày 10/04/2015.
13. O’Connor, R. A. (2005). Seeing DuPont within Sewanee and student life. Task Force Final Report for the Jessee Ball duPont Library, 57-76.
14. Zhang, J., Hu, X., Zhao, J., Liu, C., & Luther, M. (2018). Students’ perspectives on configuration design of universities’ informal learning spaces. ASA, 433-440.
15. Hillier, B. and Hanson, J. (1989) The social logic of space, 2 ed., Cambridge university press, Cambridge.
16. Francisco, S. (2006). Steam cafe, Learning spaces, 27.1-27.7
17. Ncwc.edu. Unique Outdoor Learning Opportunities on the Horizon for NC Wesleyan. Truy cập ngày 17/12/2020.
18. McDaniel, S. (2014). Every Space is a Learning Space: Encouring Informal Learning and Collaboration in Higher Education Environments, BWBR, 1-8.
19. En.eurasia.edu. Hongqiao Student Center: Creative Space Empowers Study. Truy cập ngày 30/12/2021.
20. Morieson, L., Murray, G., Wilson, R., Clarke, B., & Lukas, K. (2018). Belonging in space: Informal learning spaces and the student experience. Journal of Learning Spaces, 7(2).



Nguồn

Exit mobile version