Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Bộ Công thương đề xuất sửa Quy hoạch điện 8

Phát triển nguồn điện gặp khó khăn

Nguyên nhân, theo Bộ Công thương, là do tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025 như dự báo trong Quy hoạch điện 8 khó khả thi. 

Theo Quy hoạch điện 8, đến năm 2030, có 23 dự án điện khí được đầu tư và đưa vào vận hành với tổng công suất là 30.424MW. Tuy nhiên, đến nay, ngoài Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I (660 MW) đã vào vận hành từ năm 2015 chạy bằng dầu và sẽ chuyển sang sử dụng nhiên liệu khí khi có khí từ mỏ khí Lô B thì chỉ có dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, công suất 1.624MW, sử dụng LNG nhập khẩu là đang về đích, dự kiến đưa vào vận hành thương mại vào tháng 5.2025. Các dự án còn lại đều đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư và khả năng hoàn thành trước năm 2030 là khó khăn nếu không có những giải pháp căn cơ, tháo gỡ nút thắt cho điện khí LNG…

Quy mô điện mặt trời phát triển đến năm 2030 không nhiều, chỉ tăng thêm 1.500MW.

Trong khi đó, với nguồn điện than, quy hoạch đến năm 2030, có tổng công suất lắp đặt là 30.127MW, từ nay đến đó, cần đưa vào vận hành 3.383MW và sau năm 2030, sẽ không phát triển nữa theo cam kết. Thế nhưng, hiện có 5 dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn gồm: Công Thanh (600MW), Nam Định I (1.200MW), Quảng Trị (1.320MW), Vĩnh Tân III (1.980MW) và Sông Hậu II (2.120MW).

Đó là chưa kể nhiệt điện than đang gặp không ít khó khăn, không nhận được sự đồng thuận của các địa phương cũng như các tổ chức tín dụng. Thế nên, nguồn nhiệt điện than mới có tính khả thi không cao.

Nguồn thủy điện theo quy hoạch tổng công suất đến năm 2030 là 29.346MW, nhưng không thuận lợi vì dung lượng không còn nhiều, có thể gặp rủi ro khi phát triển.

Kế đó, với nguồn năng lượng tái tạo cũng đang được rà soát, tổng hợp, đánh giá rà soát cho phù hợp thực tiễn.

Theo Bộ Công thương, đến nay, Việt Nam chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào đã được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư để thực hiện

Nguy cơ thiếu điện nếu không điều chỉnh

Với tình hình hiện tại, các nguồn điện lớn (điện khí, than) khó đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành đến năm 2030, thì trong ngắn hạn việc tăng quy mô phát triển các dự án điện mặt trời (có thời gian triển khai nhanh) để đáp ứng khả năng cung ứng điện trong thời gian tới là cần thiết.

Tiến độ các công trình nguồn điện chậm triển khai, có khả năng không đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện 8 đã được duyệt đã kéo theo các công trình lưới điện đồng bộ, hoặc lưới điện phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện cũng bị chậm theo. Rồi phương án đấu nối nguồn điện nhập khẩu từ nước ngoài về cũng chưa có trong Quy hoạch điện 8.

Cũng theo Bộ Công thương, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 đã gây ra những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, việc rà soát tình hình thực hiện các công trình lưới điện để điều chỉnh phù hợp với tiến độ các nguồn điện và cập nhật, bổ sung các công trình lưới điện vào Quy hoạch điện 8 là cần thiết.


Nguồn

Exit mobile version