Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Agribank, ACB, Kienlongbank cảnh báo khách hàng về hình thức lừa đảo dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025

Ảnh minh hoạ

Agribank cảnh báo các hình thức lừa đảo dịp Tết Nguyên Đán

Theo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), thời gian gần đây, đặc biệt là thời điểm Tết Nguyên Đán đang đến gần, các đối tượng lừa đảo ngày càng gia tăng các chiêu trò tinh vi nhằm chiếm đoạt thông tin, tài sản của khách hàng. Agribank khuyến cáo đến khách hàng những chiêu thức lừa đảo sau:

Lừa đảo giả mạo là công an địa phương, nhân viên ngân hàng, nhân viên công ty điện, nước; lừa đảo tri ân dịp Tết, lì xì online

Đối tượng lừa đảo có thể giả mạo công an địa phương yêu cầu khách hàng cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân hoặc đe dọa khách đang liên quan đến vụ án nghiêm trọng; đối tượng lừa đảo cũng có thể giả mạo nhân viên ngân hàng mời mở thẻ tín dụng, hỗ trợ chuyển tiền, giả danh nhân viên công ty điện nước đe dọa sẽ cắt điện nước.

Đối tượng lừa đảo mạo danh là thương hiệu uy tín hoặc người thân, bạn bè gửi tin nhắn, email thông báo khách hàng được nhận lì xì qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc quà tặng gửi đến tận nhà.

Tiếp theo, kẻ xấu sẽ gửi đường link lạ, mã QR là trang website, phần mềm giả mạo hoặc đường dẫn chứa vi – rút chiếm quyền điện thoại đến máy của người dân thông qua trình tin nhắn, Zalo, Telegram, Messenger,… Khi truy cập vào website, ứng dụng giả mạo, khách hàng sẽ phải nhập các thông tin cá nhân, thông tin thanh toán là thông tin tài khoản ngân hàng, số thẻ, mật khẩu, mã OTP. Sau đó đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng thông tin này để chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo đổi tiền mới trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử

Thời điểm gần Tết Nguyên đán, người dân thường có nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới. Đối tượng lừa đảo sử dụng các trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử tiếp cận khách hàng có nhu cầu và yêu cầu cọc tiền trước hoặc trả trước toàn bộ số tiền cần đổi. Sau khi nhận tiền, đối tượng sẽ cắt liên lạc, không đổi tiền theo thỏa thuận, đưa không đủ tiền, chuyển tiền giả cho người dân.

ACB cảnh báo thủ đoạn lừa đảo dịp Tết Nguyên đán

Ngân hàng Á Châu ( ACB ) mới đây đã phát đi cảnh báo, đồng thời cung cấp thông tin về các tình huống lừa đảo phổ biến và hướng dẫn bảo vệ an toàn khi giao dịch trực tuyến.

Kịch bản lừa đảo tặng quà

Đối tượng mạo danh các thương hiệu gửi tin nhắn hoặc gọi điện thoại thông báo cho khách hàng nội dung khách đã được tặng quà (tri ân, trúng thưởng…). Đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng chuyển tiền phí vận chuyển để được nhận quà, hoặc đối tượng sẽ gửi đường link yêu cầu khách hàng nhập vào để nhận quà.

Khi khách hàng chuyển tiền phí vận chuyển xong sẽ bị chặn liên hệ, hoặc khi khách hàng nhấn vào link sẽ bị chiếm quyền điều khiển thiết bị điện thoại.

Kịch bản lừa đảo khi mua vé hoặc đặt phòng khách sạn

Đối tượng mạo danh nhân viên các hãng vé, các đại lý bán vé… tạo ra các trang website, trang mạng xã hội nhìn tương tự như các thương hiệu thật. Đối tượng đăng các bài viết quảng cáo bán vé (máy bay, tàu, xe…) hoặc đặt phòng khách sạn.

Khi có khách hàng liên hệ, đối tượng sẽ gửi mã đặt chỗ để làm tin, và hướng dẫn khách hàng chuyển tiền cọc, hoặc vào link để nhập thông tin giữ vé (máy bay, tàu, xe…) hoặc giữ phòng khách sạn.

Sau khi khách hàng chuyển tiền giữ chỗ, đối tượng sẽ chặn liên hệ khách hàng, hoặc khách hàng sẽ bị chiếm quyền điều khiển thiết bị điện thoại.

ACB cảnh báo rằng các tình huống lừa đảo này tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng, bao gồm việc lộ thông tin bảo mật như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP, thông tin thẻ, hoặc dữ liệu sinh trắc học. Đặc biệt, khách hàng còn có nguy cơ bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản hoặc thẻ.

Kienlongbank cảnh báo khách hàng về chiêu thức lừa đảo mới dịp cận Tết

Ngân hàng TMCP Kiên Long ( Kienlongbank ) mới đây đã đưa ra cảnh báo về chiêu thức lừa đảo mới mà các đối tượng xấu thường lợi dụng trong dịp cận Tết.

Cụ thể, hacker thu thập thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của người dùng thông qua các “chợ đen” giao dịch dữ liệu, hoặc tìm kiếm từ những thông tin bị lộ trên nguồn công khai như Google, Facebook, Telegram. Sau khi có đủ thông tin, chúng sẽ dùng tên đăng nhập và mật khẩu để thử truy cập tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp truy cập được, chúng sẽ khai thác thông tin nhạy cảm như số dư tài khoản.

Sau đó, chúng thường cố ý khiến tài khoản bị vô hiệu hóa bằng cách nhập sai mật khẩu nhiều lần. Hành động này khiến ngân hàng phải khóa tạm thời hoặc vô hiệu hóa tài khoản, buộc khách hàng phải tự khôi phục qua nhiều bước phức tạp.

Lợi dụng tình huống này, chúng giả danh thành nhân viên ngân hàng liên hệ với nạn nhân, thông báo lỗi và hướng dẫn tải ứng dụng độc hại hoặc quét mã QR có mã độc. Tại đây, chúng khai thác tối đa thông tin nhạy cảm từ tài khoản người dùng.

Kẻ xấu có thể thực hiện hai chiêu trò: giao dịch nhỏ không vượt mức xác minh bảo mật, hoặc cài ứng dụng giả mạo để đánh cắp toàn bộ thông tin cá nhân như mã OTP, mật khẩu, PIN sau đó có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch lớn hoặc chiếm đoạt tài sản.

Nhằm đảm bảo an toàn khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và bảo vệ tài sản của khách hàng, các ngân hàng khuyến cáo người dùng:

Thứ nhất , tuyệt đối KHÔNG truy cập vào đường link lạ, quét mã QR lạ, cài đặt và cấp quyền truy cập các phần mềm lạ. Đối với các phần mềm như VNEID, Dịch vụ công, ứng dụng ngân hàng,…Khách hàng chỉ nên tải các phần mềm trên chợ ứng dụng của điện thoại (App Store đối với iOS, CH Play / Cửa hàng Play đối với Android,…), khách hàng nên kiểm tra lượt tải, đánh giá của ứng dụng trên chợ ứng dụng trước khi quyết định tải phần mềm.

Thứ hai, tuyệt đối KHÔNG cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng như mật khẩu, mã OTP,… cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

Thứ ba, CẢNH GIÁC với những cuộc gọi tự xưng là công an địa phương, là nhân viên của ngân hàng, công ty điện nước,…

Thứ tư, HẠN CHẾ đưa thông tin cá nhân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, các hóa đơn điện tử có chứa các thông tin cá nhân lên trang mạng xã hội.

Nguồn

Exit mobile version