Mới đây, một ông bố đã đăng tải lên mạng xã hội bày tỏ sự bức xúc khi con trai mình, học sinh lớp 4, bị bạn bè trêu chọc là “học sinh chuyên cần” (với hàm ý chê bạn nghèo kiết xác, chỉ được cái đi học đầy đủ). Nguyên nhân xuất phát từ việc cậu bé không được gia đình cho đi du lịch nước ngoài như các bạn trong lớp.
Anh A, người bố trong câu chuyện, chia sẻ rằng bản thân rất sốc khi biết được sự việc. Anh không ngờ việc không cho con đi du lịch nước ngoài trong thời buổi này lại trở thành điều bất thường đến vậy. Anh cũng tâm sự thêm, với mức lương 300.000 – 350.000 won/tháng (5,5 – 6,5 triệu đồng/tháng), sau khi trang trải chi phí sinh hoạt, trả nợ mua nhà, mua bảo hiểm và dành dụm một chút thì gia đình anh không còn dư dả để chi trả cho những chuyến du lịch nước ngoài.
Ban đầu, anh A dự định sẽ đưa gia đình đi du lịch trong nước nhưng con trai anh nhất quyết không chịu. Cậu bé cho rằng đi du lịch trong nước là “quê mùa” và “xấu hổ” với bạn bè, bởi lẽ các bạn đều đi du lịch nước ngoài như Guam, Singapore, Hawaii,… “Con muốn có iPhone đời mới nhất, iPad thì bố mẹ đều đáp ứng. Bố vẫn đang dùng chiếc điện thoại Galaxy S10 cũ. Vậy mà giờ đây chỉ vì không được đi du lịch nước ngoài mà con lại bị bạn bè chế giễu”, anh A ngậm ngùi.
Trước những áp lực từ phía con trai, anh A và vợ quyết định sẽ cho con trai cùng mẹ đi du lịch nước ngoài. Hiện tại, hai vợ chồng anh đang tích cực săn vé máy bay giá rẻ.
Câu chuyện của anh A sau khi được chia sẻ đã nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. Nhiều người bày tỏ sự đồng cảm với anh A, đồng thời lên án văn hóa so sánh, ganh đua trong xã hội hiện đại.
“Giờ đây, giấy khen cũng chỉ là tờ giấy lộn”, một cư dân mạng bình luận. Một người khác chia sẻ: “Năm ngoái, chị gái tôi cũng cãi nhau với con chỉ vì chuyện cháu bị bạn bè trêu chọc vì không được đi du lịch nước ngoài”. “Từ xưa đã có chuyện phân biệt giàu nghèo rồi. Hồi bé, tôi cũng từng bị bạn bè trêu chọc vì mang cơm hộp đến lớp trong khi chúng nó được bố mẹ đưa đi ăn hàng”, một cư dân mạng khác bình luận.
Câu chuyện của anh A cũng phần nào phản ánh thực trạng đáng buồn trong xã hội Hàn Quốc hiện nay. Việc một bộ phận giới trẻ đề cao vật chất, thích so sánh bản thân với người khác đang trở thành vấn đề nhức nhối. Trước đó, dư luận Hàn Quốc cũng từng xôn xao trước thông tin một số khu chung cư cao cấp tại Seoul thành lập hội nhóm mai mối cho con cái cư dân. Họ sẽ dựa trên địa vị kinh tế và địa vị xã hội để “chọn mặt gửi vàng”, khiến nhiều người lo ngại về sự phân biệt giàu nghèo ngày càng gia tăng.
Theo JoongAng, Chosun